Mỹ mua rẻ vùng đất rộng hơn Anh, Pháp và Tây Ban Nha gộp lại, sau trở thành bang thứ 49
Vào thế kỷ 19, vùng đất rộng lớn hơn diện tích của Anh, Pháp và Tây Ban Nha cộng lại được Nga bán cho Mỹ với giá "bèo". Mục đích đằng sau quyết định này là gì? Điều gì khiến Mỹ sẵn lòng mua lại vùng lãnh thổ lạnh giá này?
Bang Alaska ngày nay là vùng lãnh thổ Mỹ giáp Nga.
Hơn 150 năm trước, ngày 30/3/1867, Ngoại trưởng Mỹ William H. Seward và đại diện phái đoàn Nga Baron Edouard de Stoeckl ký Hiệp ước Nhượng bộ. Sa hoàng Alexander II đồng ý bán vùng lãnh thổ Alaska, vùng đất cuối cùng của Nga ở Bắc Mỹ cho Hoa Kỳ với mức giá 7,2 triệu USD. Với diện tích đất hơn 1.481.347 km2 (chưa kể diện tích mặt nước), Alaska lớn hơn diện tích của Anh, Pháp và Tây Ban Nha cộng lại.
Mức giá đó tương đương khoảng 113 triệu USD theo tỷ giá ngày nay, chấm dứt 125 năm Nga kiểm soát Alaska, kết thúc giai đoạn Nga mở rộng lãnh thổ vượt biển Bering. Từng có thời điểm đế quốc Nga mở rộng quyền kiểm soát tới California, cách Vịnh San Francisco của Mỹ chỉ 144km.
Ngày nay, Alaska là một trong những bang có nguồn tài nguyên dồi dào bậc nhất ở Mỹ, bao gồm dầu mỏ, vàng và hải sản, cũng như vùng đất hoang sơ rộng lớn và vị trí chiến lược là cửa ngõ hướng ra lãnh thổ Nga và Bắc Cực.
Điều gì khiến Nga từ bỏ vùng lãnh thổ giáp với Mỹ?
Vào thế kỷ 16, Nga đang trong giai đoạn không ngừng mở rộng quyền kiểm soát lãnh thổ. Sự khao khát kiểm soát vùng đất mới đưa đế quốc Nga vươn tới Alaska và xa nhất là ở California, theo tờ The Conversation.
Sự mở rộng đầu tiên của Nga sang phía đông bắt đầu từ năm 1581. Đế quốc Nga kiểm soát một vùng lãnh thổ ở Siberia được gọi là Hãn quốc Sibir, do cháu trai của Thành Cát Tư Hãn kiểm soát. Chiến thắng quan trọng này giúp Nga tiến tới kiểm soát hoàn toàn Siberia. 60 năm sau, người Nga đã có mặt ở Thái Bình Dương.
Bước tiến của Nga trên khắp Siberia được thúc đẩy một phần bởi hoạt động buôn bán lông thú, mong muốn truyền bá Chính thống giáo Nga tới các nhóm dân cư “ngoại đạo” ở phía đông và việc bổ sung các nguồn tài nguyên mới.
Bang Alaska ngày nay thu về lợi nhuận lớn nhờ khai thác dầu khí.
Vào đầu thế kỷ 18, Peter Đại đế - người thành lập lực lượng Hải quân đầu tiên của Nga - muốn biết vùng lãnh thổ châu Á mà Nga kiểm soát kéo dài bao xa về phía đông. Thành phố Okhotsk ở Siberia trở thành điểm khởi đầu hai cuộc thám hiểm mà Peter Đại đế đề ra. Năm 1741, nhà thám hiểm Đan Mạch Vitus Bering, dẫn đầu đội thám hiểm Nga, đã thành công khi vượt qua eo biển sau này mang tên mình và phát hiện khu vựcMt. Saint Elias, gần nơi ngày nay là làng Yakutat, Alaska.
Chuyến thám hiểm Kamchatka thứ hai của Bering là một tai họa khi thời tiết xấu trong hành trình trở về dẫn đến đắm tàu. Bering qua đời vì bệnh tật không lâu sau đó, vào tháng 12/1741. Các thủy thủ sống sót đã sửa chữa lại tàu, chất đầy thực phẩm là các sinh vật ở Alaska như rái rá, hải cẩu và lên đường trở lại Siberia.
Các thợ săn lông thú Nga rất ấn tượng với những gì mà nhóm thủy thủ đem về. Điều này đã tạo ra cơn sốt lông thú Alaska tương tự như cơn sốt vàng Klondike sau đó 150 năm.
Nhưng duy trì quyền kiểm soát là không dễ dàng. Người Nga ở Alaska không nhiều, cao nhất chỉ khoảng 800 người. Khoảng cách từ Alaska tới thủ đô St. Petersburg của đế quốc Nga là quá xa, tạo ra những thách thức về thông tin liên lạc.
Alaska cũng nằm quá gần Bắc Cực, thường xuyên trải qua giai đoạn thời tiết lạnh giá, không phù hợp để phát triển nông nghiệp. Đó là lý do người Nga mở rộng khai phá xuống phía nam, đưa tàu đến vùng đất mà nay là California, thiết lập giao thương với người Tây Ban Nha ở đó và cuối cùng thành lập khu định cư riêng tại Fort Ross vào năm 1812.
30 năm sau, tầm quan trọng về nông nghiệp của khu định cư đã giảm đi đáng kể, quần thể động vật có vú sống ở khu vực đã cạn kiệt từ lâu do nạn săn bắn quá mức.
Đối với khu định cư Fort Ross, Nga đã bán lại cho một công dân Mexico gốc Thụy Sĩ với giá 19.788 USD.
Vì sao Mỹ sẵn lòng mua lại Alaska?
Với tờ séc trị giá 7,2 triệu USD, Mỹ đã hoàn tất thương vụ mua lại vùng Alaska từ Nga.
Trong giai đoạn này, người Mỹ đã kết thúc cuộc chiến tranh Mexico, giành quyền kiểm soát 55% diện tích lãnh thổ của nước láng giềng. Mỹ buộc Mexico từ bỏ tuyên bố chủ quyền vùng lãnh thổ tranh chấp Texas, cùng nhiều vùng lãnh thổ khác ở tây nam, bao gồm California.
Ngược lại, người Nga bắt đầu đặt câu hỏi rằng có nên tiếp tục duy trì hiện diện ở Alaska hay không. Sau cuộc chiến tranh Crimea (1853 - 1856), Sa hoàng Nga Alexander II nhận ra rằng không thể bảo vệ Alaska khỏi các mối đe dọa từ các nước đối thủ, đặc biệt là Anh.
Nga không muốn có quốc gia láng giềng ở vùng Siberia là Anh nên tốt hơn là để Mỹ kiểm soát vùng lãnh thổ này. Trong cuộc chiến tranh Crimea, Anh và Pháp tham chiến hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ, khiến đội quân của Sa hoàng Alexander II bị tổn thất nặng nề.
Quay trở lại năm 1848, William Henry Seward, người 20 năm sau trở thành Ngoại trưởng Mỹ, từng nói: "Người dân Mỹ được ấn định vận mệnh vươn tới những hàng rào băng ở phía bắc, chạm trán với các nền văn minh phương đông thông qua Thái Bình Dương".
Ông Seward là một trong những người chủ trương thúc đẩy sự hiện diện của Mỹ ở phía bắc. Đối với vùng Alaska ở phương bắc, Mỹ đã nhận thấy tiềm năng khai thác vàng, lông thú và nghề cá, cũng như thúc đẩy giao thương với Trung Quốc và Nhật Bản - giúp Mỹ củng cố sức mạnh để trở thành một cường quốc ở Thái Bình Dương.
Ngoại trưởng Mỹ William H. Seward khi đó là người thúc đẩy mua lại vùng Alaska từ Nga.
Mỹ cũng lo ngại rằng người Anh có thể xuất hiện ở Alaska và kiểm soát vùng lãnh thổ này, nên đã tích cực đàm phán với Nga.
Các cuộc đàm phán diễn ra một cách khả quan nhưng cuộc nội chiến Mỹ (1861 -1865) đã khiến thỏa thuận bị trì hoãn một thời gian. Ngày 18/10/1967, Ngoại trưởng Mỹ William H. Seward và đại diện phái đoàn Nga Baron Edouard de Stoeckl ký Hiệp ước Nhượng bộ. Lá cờ Nga ở Alaska cuối cùng được hạ xuống và thay bằng cờ Mỹ.
Mâu thuẫn giữa Mỹ và người bản địa Alaska
Khi nhà thám hiểm Bering tìm ra Alaska vào năm 1741, đây là nơi sinh sống của khoảng 100.000 người bản địa. Người Nga tới chung sống tương đối hòa bình và lãnh đạo người bản địa, cung cấp cho họ vũ khí như súng và pháo, giúp người bản địa kiểm soát khu vực dọc bờ biển Alaska, theo The Conversation.
Đến khi Nga chuyển nhượng Alaska cho Mỹ, chỉ còn khoảng 50.000 người bản địa tiếp tục sinh sống ở khu vực cùng 483 người Nga.
Người bản địa Alaska có một quãng thời gian dài đấu tranh buộc chính phủ Mỹ nhượng bộ.
Khi tiếp quản Alaska, Mỹ vẫn đang tham gia vào cuộc chiến chống lại người da đỏ, vì vậy Washington coi cư dân bản địa Alaska là kẻ thù. Alaska trở thành khu vực quân sự do tướng Ulysses S. Grant chịu trách nhiệm chỉ huy.
Về phần mình, người Alaska không chấp nhận sáp nhập vào Mỹ do Washington không hề đàm phán với họ. Người bản địa Alaska cũng không được xem là công dân Mỹ cho đến năm 1924.
Trong giai đoạn này, người bản địa Alaska không có quyền công dân, không được đi bỏ phiếu và không có quyền sở hữu bất động sản.
Mãi đến năm 1945, chính phủ Mỹ mới chấm dứt nạn phân biệt người bản địa Alaska thông qua một sắc lệnh liên bang. Alaska chính thức trở thành bang thứ 49 của nước Mỹ vào năm 1959, khi Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower ký Đạo luật tiểu bang Alaska.
Tuy vậy, các cuộc tranh chấp giữa người bản địa Alaska và chính phủ Mỹ chỉ chấm dứt sau đó gần 20 năm. Năm 1971, Tổng thống Mỹ Richard Nixon ký sắc lệnh trao 178.062 km2 lãnh thổ liên bang ở Alaska cho người bản địa sở hữu cùng khoản tiền hỗ trợ gần 1 tỉ USD.
Theo các nghiên cứu, người Mỹ đã chi tiêu cho vùng Alaska nhiều gấp đôi số tiền thu về cho ngân sách. Thiên tai xảy ra thường xuyên hơn ở khu vực những vùng khác nên cần nhiều tiền hơn để xây dựng và bảo trì đường sá. Tiền thu về từ khai thác tài nguyên thiên nhiên phần lớn lại thuộc về cư dân địa phương.
Ngày nay, dân số Alaska ước tính vào khoảng 740.000 trong đó 120.000 là người bản địa.
Người Mỹ đặt chân tới Hawaii vào đầu thế kỷ 19 với mục đích giao thương và gần 100 năm sau, hòn đảo đã được sáp nhập vào lãnh thổ Mỹ.
Nguồn: [Link nguồn]