Mỹ lo lắng khi Hải quân Nga trỗi dậy mạnh mẽ

Trong cuộc chiến chống IS ở Syria, Nga đã chứng tỏ năng lực hải quân toàn diện của mình. Theo báo cáo từ Lầu Năm Góc, tính hiệu quả trong các hạm đội tàu chiến của điện Kremlin khiến Washington không thể không lo lắng.

Hồi tháng 10, Hải quân Nga đã bắn 18 quả tên lửa hành trình Kalibr-M từ tàu chiến neo đậu ở biển Caspia. Di chuyển quãng đường hơn 1.500km và bắn chính xác mục tiêu trọng yếu của IS ở Syria, những quả tên lửa hành trình này thực sự là sát thủ thầm lặng mà Hải quân Nga đang sở hữu.

Mỹ lo lắng khi Hải quân Nga trỗi dậy mạnh mẽ - 1

Hải quân Nga đã thay đổi rất nhiều sau 24 năm kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc.

Việc bắn những quả tên lửa hành trình gửi một thông điệp mạnh mẽ tới khủng bố IS ở Syria, tuy nhiên điều này cũng gây tác động không nhỏ lên Lầu Năm Góc. Trong báo cáo mới nhất của cơ quan tình báo Hải quân Mỹ, quân đội nước này tỏ ra lo lắng về sự “trỗi dậy hoàn toàn mới” của hải quân Nga.

 “Nga đã bắt đầu và trong thập kỉ tiếp theo sẽ tiến những bước rất dài về năng lực phòng vệ của Hải quân trong nước cũng như hiện diện ở một số khu vực trọng yếu”, bản báo cáo mang tên “Hải quân Nga: Sự thay đổi lịch sử” có đoạn viết.

Tác giả của báo cáo là George Fedoroff, chuyên gia hàng đầu về Nga thuộc cục tình báo Hải quân Mỹ. Ông dựa trên số liệu về hạm đội tàu chiến và tàu ngầm hiện nay của Nga gồm 186 chiếc cùng nhiều tin tức quan trọng để xây dựng nên báo cáo này. Ông Federoff cũng đề cập tới sự hiện đại  của vũ khí Hải quân Nga sử dụng và sự quyết tâm của những người lính hải quân.

Mỹ lo lắng khi Hải quân Nga trỗi dậy mạnh mẽ - 2

Tên lửa hành trình Kalibr là vũ khí tấn công mặt đất được sử dụng trên các tàu chiến mặt nước của hải quân Nga. Tên lửa dài 8,9 mét, có đầu đạn nặng 450 kg, có thể bay với tốc độ cận âm 980 km/giờ  và tầm bắn 1.500km đến 2.500 km.

Theo tác giả, Mỹ đã đánh giá thấp năng lực của quân đội Nga kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Sau 24 năm phớt lờ đối thủ, giờ đây Mỹ mới nhận ra năng lực thực sự Nga đang sở hữu.

 “Kể từ năm 2000, khi chính quyền và nền kinh tế Nga bắt đầu ổn định, nhiều nguồn lực đã được đầu tư để vực dậy nền quốc phòng nước này – bao gồm cả Hải quân”, báo cáo viết. “Các chương trình bị treo đang được xúc tiến và những kế hoạch mới đang được thực hiện để xây dựng đội tàu ngầm và tàu mặt nước mới đáp ứng nhu cầu trong thế kỷ 21”.

Chuyên gia Fedoroff cũng cho biết tên lửa hành trình Kalibr là một dấu hiệu cho thấy Nga đang lớn mạnh từng ngày trong lĩnh vực Hải quân.

 “Những tàu nhỏ có khả năng tự vệ cao hơn bằng việc sử dụng tên lửa tấn công mặt đất. Tất cả các loại tàu chiến hiện nay của Nga đều có thể tấn công các mục tiêu cố định sử dụng các đầu đạn truyền thống”, báo cáo khẳng định.

“Việc gia tăng đột biến năng lực quân sự này trong quân đội Nga khiến tình hình thay đổi rất nhiều, nhất là khả năng ngăn chặn, đe dọa và tấn công mục tiêu kẻ địch”.

Đầu tháng 12, Nga cũng bắn một số tên lửa hành trình từ tàu ngầm ở biển Địa Trung Hải tới căn cứ IS tại Syria.

Mỹ lo lắng khi Hải quân Nga trỗi dậy mạnh mẽ - 3

Tên lửa hành trình Kalibr được bắn từ tàu chiến Nga ở biển Caspia.

Khi sức mạnh hải quân Nga được tăng cường và thách thức trực tiếp vị thế bá chủ của Mỹ, hạm đội tàu chiến của Trung Quốc cũng đang “rục rịch” thay đổi. Theo giáo sư Dean Cheng thuộc Viện An ninh và Chính trị Trung Quốc thuộc quỹ Heritage, Trung Quốc đang “vượt mặt tất cả các quốc gia trong khu vực về hải quân”.

Khi ưu thế hải quân vượt trội đang bị đe dọa, Washington quyết định sẽ chi từ 80 đến 92 tỉ USD để nâng cấp hạm đội tàu ngầm của mình. Đầu tháng này, Hải quân Mỹ cũng bị một phen “muối mặt” khi chiến hạm mới nhất USS Milwaukee bị hỏng sau chưa đầy một tháng sử dụng. Hiện tại tàu đang được kéo về cảng Virginia để sửa chữa.

Một khoản đầu tư khá lớn nữa của Lầu Năm Góc là tàu USS Zumwalt trị giá 3 tỉ USD cũng bị chỉ trích là lỗi thời và không an toàn. Thử nghiệm từ đầu tháng 12, khu trục hạm tàng hình này có hình dáng như tàu chiến từ tương lai nhưng thiếu đi khả năng chịu đựng sóng gió trên biển.

 “Tàu khu trục lớp Zumwalt sẽ mất cân bằng nếu sóng đánh từ phía sau hoặc dừng đột ngột, thậm chí là lật thuyền”, Ken Bower, một kiến trúc sư hải quân trả lời trên tờ Wired.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Minh - Sputnik ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN