Mỹ liên tiếp chỉ trích hành động bắt nạt ở Biển Đông, Trung Quốc vẫn "cãi cố"
Sau khi Mỹ liên tiếp lên án hành động bắt nạt và bành trướng ở Biển Đông, Trung Quốc vẫn có những tuyên bố "cãi cố".
Chiến hạm Mỹ di chuyển trên Biển Đông. (Ảnh minh họa)
Theo Press TV, phát biểu trong buổi họp báo hôm 27/8, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng vẫn cố tình đưa ra những lý lẽ bao biện cho hành vi ngang ngược của nước này trên Biển Đông.
Thậm chí, Bắc Kinh cho rằng Mỹ “đưa ra những tuyên bố thiếu suy nghĩ, những lời chỉ trích vô căn cứ chống lại Trung Quốc, hoàn toàn bóp méo sự thật và đổi trắng thay đen”.
“Trung Quốc hối thúc Mỹ dừng ngay hành vi thổi phồng một cách nguy hiểm, cũng như thực hiện vai trò mang tính tích cực và xây dựng đối với các vấn đề quốc tế và khu vực”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.
Tuyên bố của ông Cảnh được đưa ra sau một ngày Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh, Washington “đặc biệt quan ngại về những nỗ lực liên tiếp của Trung Quốc vi phạm trật tự quốc tế dựa trên luật pháp ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Gần đây, Trung Quốc còn tái diễn sự can thiệp mang tính áp bức nhằm vào các hoạt động dầu khí lâu đời của Việt Nam ở Biển Đông".
Cũng theo Bộ Quốc phòng Mỹ, Bắc Kinh “sẽ không thể giành được lòng tin của các nước láng giềng hay sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế nếu như vẫn tiếp tục triển khai chiến thuật bắt nạt”.
Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông, tuyến đường biển chiến lược mang lại giá trị 3 ngàn tỷ USD/năm. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Dù không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Nhật Bản và Mỹ nhiều lần lên tiếng khẳng định duy trì “khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở cửa và tự do”. Mỹ còn thường xuyên điều động tàu thuyền tới Biển Đông để tiến hành tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên tuyến đường biển chiến lược.
Lầu Năm Góc cũng ra thông báo về việc sẽ tiến hành tập trận hải quân ở khu vực bờ biển cực nam Việt Nam thuộc tỉnh Cà Mau. Theo đó, hải quân Mỹ sẽ điều động “các tàu giả làm mục tiêu” để lực lượng hải quân các nước ASEAN diễn tập “tìm kiếm, nhận diện và bắt giữ theo pháp luật” những tàu này, Press TV cho hay.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã có tuyên bố chính thức về những hành động của Trung Quốc khi xâm phạm Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam và cho rằng hành động này đang làm suy yếu nền hòa bình cũng như ổn định trong khu vực.
Cụ thể, hôm 22/8, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nhấn mạnh, Mỹ “quan ngại sâu sắc khi Trung Quốc tiếp tục có những hành động can thiệp vào hoạt động khai thác dầu mỏ và khí đốt ở Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Điều này đang khiến nhiều nước nghi ngờ về tính xác thực của cam kết của Trung Quốc, trong đó bao gồm Tuyên bố về Quy tắc ứng xử ASEAN – Trung Quốc, đối với việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho những tranh chấp trên biển”.
“Việc Trung Quốc tái triển khai tàu thăm dò của chính phủ cùng với các tàu chiến hộ tống xâm phạm vùng biển Việt Nam vào ngày 13/8 là một hành vi đẩy mạnh gây hấn nhằm đe dọa các nước khác đã tuyên bố có quyền khai thác tài nguyên ở Biển Đông”, Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, hành động của Trung Quốc “đang làm suy yếu nền hòa bình và sự ổn định trong khu vực, gây ra những thiệt hại về kinh tế cho các nước Đông Nam Á khi ngăn chặn cơ hội tiếp cận nguồn tài nguyên khí đốt có tổng giá trị ước tính vào khoảng 2,5 ngàn tỷ USD, đồng thời cho thấy Trung Quốc đang bỏ qua những quyền lợi thực hiện những hoạt động kinh tế trong khu vực EEZ của các nước khác, theo Công ước về Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc đã ký kết vào năm 1996”.
Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, Washington “cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy đảm bảo an toàn cho các nước đồng minh và đối tác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương để giúp hoạt động khai thác dầu mỏ và khí đốt diễn ra một cách liên tục để phục vụ thị trường thế giới”.
Còn hôm 27/8, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono khẳng định, Tokyo phản đối bất cứ hành động nào làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông.
Ngoại trưởng Kono cho biết: “Biển Đông là tuyến đường biển quan trọng đối với Nhật Bản và nhiều quốc gia khác và có liên quan trực tiếp tới sự ổn định và hòa bình của khu vực. Cộng đồng quốc tế trong đó có Nhật Bản quan tâm sâu sắc tới tình hình trên Biển Đông. Nhật Bản phản đối bất cứ hành động của nước nào làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông".
Theo Ngoại trưởng Kono, sau Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Đông Á diễn ra gần đây ở Bangkok (Thái Lan), ông đã nêu quan ngại về tình hình nghiêm trọng ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Kono nhấn mạnh: “Tôi đề nghị tất cả các bên liên quan cần phi quân sự hóa các cơ sở hoặc thực thể trên Biển Đông, và bất cứ tranh chấp nào cũng cần phải được giải quyết theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS)”.
Cũng theo ông Kono, “Chúng ta cần tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì thượng tôn pháp luật ở Biển Đông và bất cứ nơi nào khác”.
Về phía Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao luôn nhấn mạnh rằng: “Việt Nam đề nghị các nước tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán phù hợp với luật pháp quốc tế của Việt Nam và luôn thể hiện, khẳng định thiện chí, sẵn sàng thông qua đối thoại, trao đổi với các nước liên quan để đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, phát triển tại biển Đông cũng như vào việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia”.
Trong một tuyên bố mạnh mẽ hiếm thấy, Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 26/8 cáo buộc Bắc Kinh sử dụng “chiến thuật bắt nạt”...