Mỹ lập nhóm đặc nhiệm đẩy nhanh bán vũ khí cho đồng minh và đối tác
Lầu Năm Góc đã thành lập nhóm đặc nhiệm với nhiệm vụ đẩy mạnh các hoạt động bán vũ khí Mỹ cho nước ngoài, trong bối cảnh cạnh tranh với Trung Quốc trên thị trường vũ khí và hỗ trợ những nước đồng minh đã cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Hiện mới chỉ có 8 quốc gia và vùng lãnh thổ được Mỹ duyệt bán xe tăng chủ lực Abrams.
Tháng trước, Lầu Năm Góc đã thành lập một nhóm đặc nhiệm gồm các quan chức quốc phòng nhằm đánh giá các hạn chế của hoạt động bán hàng tỉ USD vũ khí Mỹ cho nước ngoài.
Nhóm chuyên trách mang tên “mãnh hổ” sẽ có nhiệm vụ đẩy nhanh các thương vụ cung cấp máy bay không người lái, pháo, trực thăng và xe tăng của Mỹ cho các đối tác và đồng minh, tờ Wall Street Journal (WSJ) dẫn lời quan chức Mỹ cho biết.
Nhóm đặc nhiệm sẽ do thứ trưởng quốc phòng Mỹ phụ trách và bao gồm các đại diện từ các cơ quan khác nhau của Lầu Năm Góc.
“Chúng tôi muốn loại bỏ sự kém hiệu quả khỏi hệ thống, đưa vũ khí đến tay các đồng minh và đối tác nhanh hơn”, một quan chức Mỹ nói trên tờ WSJ.
Lầu Năm Góc thành lập nhóm đặc nhiệm trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc leo thang về vấn đề Đài Loan, cũng như sự cần thiết của việc bù đắp kho vũ khí bị thiếu hụt cho đồng minh Mỹ ở châu Âu. Nhiều quốc gia đồng minh của Mỹ như Ba Lan và CH Czech đã gửi một số lượng vũ khí đáng kể cho Ukraine, bao gồm cả xe tăng, trực thăng và pháo tự hành.
“Vũ khí Mỹ thuộc hàng tốt nhất thế giới và điều này cũng khiến giá thành rất đắt đỏ, không hề rẻ”, quan chức Mỹ nói với WSJ.
Washington từ lâu đã quan ngại về vấn đề giá và quy trình duyệt bán vũ khí quá rườm rà, phức tạp. Trong đó, Lầu Năm Góc thực hiện hợp đồng với đối tác nước ngoài dưới sự giám sát của Bộ Ngoại giao và cần có sự phê duyệt của Quốc hội Mỹ.
Theo quan chức Mỹ giấu tên, quy trình phức tạp này khiến Mỹ gặp bất lợi khi cạnh tranh với Nga và Trung Quốc trên thị trường vũ khí toàn cầu. Vũ khí Nga và Trung Quốc ở một phương diện nào đó rẻ hơn và dễ tiếp cận hơn rất nhiều, theo WSJ.
Trực thăng tấn công Apache AH-64 được Mỹ bán cho nhiều quốc gia đồng minh và đối tác.
“Việc duyệt bán vũ khí quá chậm khiến một số quốc gia đặt câu hỏi rằng liệu Mỹ có coi họ là đối tác hay không và có nguy cơ các nước này tìm đến nơi khác để mua vũ khí, dù Mỹ không mong muốn điều đó”, quan chức Mỹ nói trên WSJ.
Trong khi loại bỏ các rào cản quan liêu bên trong nội bộ, nhóm đặc nhiệm cũng đẩy nhanh và rút ngắn các bước phê duyệt hợp đồng vũ khí cho các đối tác, miễn là các hợp đồng được xác định không gây ra mối quan ngại về an ninh.
Cựu Bộ trưởng Hải quân Mỹ Richard Spencer đã hoan nghênh chính sách mới, nói rằng đã đến lúc Washington phải thay đổi quy trình bán vũ khí. “Chúng ta cần nhanh nhẹn hơn”, ông Spencer nói.
Tuy nhiên, có những quan ngại cho rằng nhóm đặc nhiệm sẽ không thể giải quyết mọi vấn đề vướng mắc, đặc biệt là các yếu tố cốt lõi của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ, khi các tập đoàn quốc phòng hoạt động độc lập và có lực lượng lao động hạn chế.
“Ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ không giống như thời Thế chiến 2”, một quan chức Mỹ nói. “Họ không đơn giản là sản xuất bất cứ thứ gì mà chính phủ yêu cầu. Họ cần có hợp đồng ký kết rõ ràng”.
Ngoài ra, Mỹ cũng đang đối mặt một số thách thức có thể cản trở hoạt động bán vũ khí. Đó là Washington đang ngày càng cạn kiệt một số vũ khí và đạn dược cụ thể, sau khi đã hỗ trợ quân sự cho Ukraine với tổng trị giá hàng tỉ USD, WSJ cho biết.
Nguồn: [Link nguồn]
Mỹ đang ngày càng cạn kiệt vũ khí và đạn dược hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, khi một quan chức Lầu Năm Góc thừa nhận "số đạn đạn pháo dự trữ đang rơi...