Mỹ lại ‘xoay trục sang châu Á’, liệu có đủ?
Phiên bản xoay trục sang châu Á của ông Biden được kỳ vọng có thể đặt nền tảng cho sự tương tác bền vững, hiệu quả và hợp tác mới với khu vực.
Ra đời khoảng một thập niên trước dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ sau đó ít được nhắc tới do các cuộc khủng hoảng chính trị trong nước và đối ngoại. Đến thời Tổng thống Joe Biden, Mỹ một lần nữa chuyển hướng chính sách đối ngoại, kinh tế và an ninh sang châu Á, được đánh dấu bằng hàng loạt sự kiện. Câu hỏi mà các chuyên gia đặt ra là liệu các cam kết mới và đảm bảo cam kết mới của Mỹ đối với khu vực liệu có đầy đủ?
Những bước đi mới của Mỹ
Bất chấp chiến tranh ở Ukraine và các vấn đề chính trị trong nước, chính quyền Tổng thống Biden đang làm mới chính sách “xoay trục sang châu Á” để củng cố các mối quan hệ và đẩy lùi sự ảnh hưởng của Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Joe Biden chụp ảnh chung với các lãnh đạo ASEAN. Ảnh: Asean
Tháng trước, Tổng thống Biden đã đón tiếp các nhà lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Washington trong một hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày, vốn diễn ra lần cuối vào năm 2016. Hội nghị kết thúc bằng một thỏa thuận nâng cấp quan hệ Mỹ-ASEAN lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và bổ nhiệm đại sứ Mỹ tại ASEAN, một vị trí bị bỏ trống từ năm 2017.
Không lâu sau đó, ông Biden có chuyến công du đầu tiên tới châu Á, đến Hàn Quốc và Nhật, dự hội nghị thượng đỉnh của nhóm Bộ tứ (QUAD) với Nhật, Úc và Ấn Độ ở Tokyo. Sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin dự Đối thoại Shangri-La (còn được biết đến với tên gọi Hội nghị thượng đỉnh an ninh khu vực châu Á) – một sự kiện thường niên nhưng bị gián đoạn 2 năm liên tiếp do đại dịch COVID-19. Tại đó, chủ nhân Lầu Năm Góc tái khẳng định Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là “trung tâm trọng điểm chiến lược” của Mỹ.
Xoay trục để hội nhập kinh tế sâu hơn
Nhiều chuyên gia đánh giá sức mạnh kinh tế của Mỹ đã suy yếu trong khu vực, đặc biệt là sau khi chính quyền cựu tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hồi năm 2017.
Vắng Mỹ, các nước TPP còn lại vẫn thảo luận và ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào năm 2018. Năm 2020, các nước đã thông qua Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), khối thương mại lớn nhất thế giới, do Trung Quốc đứng đầu.
Đến gần đây, Tổng thống Biden giới thiệu Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF), với ý định giữ chỗ đứng của Mỹ trong khu vực. Tuy nhiên, khác với TPP, IPEF không phải là một hiệp định thương mại tự do truyền thống. Thay vào đó, nó được coi là một thỏa thuận linh hoạt xoay quanh 4 trụ cột - bao gồm thương mại và chuỗi cung ứng linh hoạt - nhằm mở rộng vai trò lãnh đạo kinh tế của Washington.
Các nhà phê bình chỉ ra rằng IPEF mang tính chính trị hơn là kinh tế, bởi IPEF không cho phép tiếp cận thị trường. IPEF cũng không bao gồm Đài Loan, vùng lãnh thổ có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong vận chuyển và sản xuất chất bán dẫn, vốn gây ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên điều này có thể trở thành một lợi thế cho Mỹ. Bởi lẽ một thỏa thuận thương mại với quyền tiếp cận thị trường Mỹ sẽ phải cần Quốc hội phê duyệt. Điều đó dường như là một rủi ro khi tâm lý bảo hộ ở Mỹ tăng cao và cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang đến gần. Trong khi một thỏa thuận như IPEF có nhiều cơ hội được tiếp tục cho dù đảng Dân chủ không còn kiểm soát Quốc hội hay Nhà Trắng (dẫn đến thất bại của TPP) và cho thấy Mỹ là một đối tác đáng tin cậy. Sự vắng mặt của Đài Loan cũng khiến các nước trong khu vực tránh phải lấn cấn trong quan hệ với Trung Quốc.
An ninh là yếu tố quan trọng
Tuy nhiên, chắc chắn khía cạnh ảnh hưởng khác của Mỹ trong khu vực là về an ninh. Trước một Trung Quốc hiếu chiến hơn, Mỹ nhận thấy sự cần thiết phải hiện diện ở khu vực. Hàn Quốc, Nhật, Canada và Úc gần đây cho biết máy bay của họ bị các máy bay quân sự của Trung Quốc quấy rối trong khu vực, có nguy cơ gây ra nhiều cuộc đối đầu.
Tình hình ở Ukraine càng củng cố quyết tâm của Washington trong việc xây dựng liên minh ở châu Á. Sự tiếp cận thận trọng của tổng thống Biden ngay từ đầu nhiệm kỳ giúp ông xây dựng liên minh các đối tác châu Âu và châu Á một cách hiệu quả, trong việc cô lập Nga do cuộc chiến ở Ukraine.
Châu Á sẽ vẫn là trục trọng tâm đối với Mỹ trong việc chia sẻ sự tăng trưởng kinh tế và kiềm chế Trung Quốc. Bà Trisha Craig, giảng viên cao cấp tại Đại học Yale-NUS (Mỹ) cho rằng lý tưởng nhất là Mỹ sẽ cụ thể hơn các chính sách sâu rộng xung quanh IPEF, để thể hiện mình là một đối tác hấp dẫn hơn Trung Quốc và trấn an khu vực về cam kết lâu dài.
Các nhà ngoại giao kỳ cựu đã nói, Mỹ có vai trò rất quan trọng trong cán cân chiến lược ở châu Á. Phiên bản xoay trục sang châu Á của ông Biden có thể đặt nền tảng cho sự tương tác bền vững, hiệu quả và hợp tác mới với khu vực.
Lợi thế quân sự ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang nghiêng về Trung Quốc. Vậy Mỹ có thể làm gì để xoay chuyển tình thế?
Nguồn: [Link nguồn]