Mỹ kiểm soát tên lửa ATACMS, cung cấp tọa độ để Ukraine tấn công lãnh thổ Nga?
Moscow tin rằng Ukraine không thể tự phóng tên lửa đạn đạo ATACMS vào lãnh thổ Nga mà không có sự trợ giúp từ Mỹ, bao gồm cung cấp tọa độ vệ tinh và nạp tọa độ mục tiêu vào tên lửa.
Tên lửa đạn đạo ATACMS khai hỏa trong một cuộc tập trận. Ảnh: Reuters.
Mỹ kiểm soát Ukraine phóng tên lửa ATACMS?
Bộ Quốc phòng Nga hôm 19/11 thông báo Ukraine phóng 6 tên lửa đạn đạo ATACMS do Mỹ cung cấp nhằm vào mục tiêu ở vùng Bryansk. Nga tuyên bố đánh chặn 5 tên lửa và gây hư hại cho tên lửa còn lại. Một số nguồn tin phương Tây cho rằng Kiev phóng 8 tên lửa, chứ không phải 6 như tuyên bố của Nga.
“Quân nhân Mỹ chắc chắc tham gia vào vụ phóng tên lửa ATACMS gần đây của Ukraine. Họ phối hợp với Kiev để thực hiện vụ phóng. Chúng tôi tin rằng khả năng này là rất cao”, Alexander Mikhailov, người đứng đầu Cục Phân tích Chính trị - Quân sự Nga, nói với Sputnik.
Quan chức Nga giải thích tên lửa ATACMS sử dụng dữ liệu vệ tinh quân sự mà chỉ có Mỹ mới có thể truy cập. Quá trình lựa chọn mục tiêu, xác định tọa độ do chuyên gia kỹ thuật quân sự Mỹ thực hiện. Việc nạp dữ liệu tọa độ vào hệ thống dẫn đường của tên lửa cũng do quân nhân Mỹ đảm nhận. Không rõ các quân nhân Mỹ thực hiện quy trình trên từ xa hay trực tiếp có mặt ở Ukraine.
Trước đây, Mỹ từng xác nhận quân nhân cung cấp tọa độ mục tiêu để Ukraine phóng tên lửa HIMARS. Hoạt động này khi đó được quân nhân Mỹ thực hiện ở khu vực biên giới Ba Lan – Ukraine.
Tên lửa ATACMS có cơ chế khai hỏa rất giống HIMARS và sử dụng chung một xe phóng (mỗi xe phóng HIMARS mang theo tối đa 1 tên lửa ATACMS).
“Việc phóng tên lửa không thể được thực hiện mà không có sự tham gia của Mỹ”, ông Mikhailov nói. “Mỹ chắc chắn không tiết lộ mã phóng tên lửa ATACMS để Ukraine có thể kích hoạt và tấn công bất cứ mục tiêu nào”.
Vai trò không thể thiếu của Mỹ
Trong cuộc tập kích ngày 19/11, tên lửa ATACMS đã nhắm tới mục tiêu cố định là kho vũ khí Nga. Tấn công mục tiêu cố định giúp Mỹ không chịu áp lực về mặt thời gian khi nạp tọa độ mục tiêu cho tên lửa.
Sau khi tên lửa được nạp tọa độ mục tiêu, kíp điều khiển xe phóng HIMARS hoặc M270 sẽ di chuyển tới khu vực khai hỏa. Nhiệm vụ còn lại chỉ là nhấn nút.
Cựu sĩ quan tình báo Thủy quân Lục chiến Mỹ Scott Ritter cũng đồng tình với nhận định của quan chức Nga. Ông Ritter nói dữ liệu cần phóng tên lửa ATACMS được phân loại bằng mật mã của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ. Dữ liệu được truyền từ một địa điểm ở châu Âu đến một trạm liên kết ở Ukraine do các chuyên gia Mỹ điều hành. Sau đó, dữ liệu được tải lên hệ thống dẫn đường của tên lửa ATACMS. “Chỉ có Mỹ mới làm được điều đó”, ông Ritter nói.
Hôm 20/11, khi được hỏi về việc Mỹ có can thiệp vào quy trình phóng tên lửa ATACMS của Ukraine hay không, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ Mathew Miller nói: “Tôi sẽ không trả lời câu hỏi đó một cách trực tiếp. Nhưng thực tế là Mỹ vẫn luôn chia sẻ thông tin tình báo với Ukraine. Việc chia sẻ này nhằm mục đích giúp quân đội Ukraine chiến đấu hiệu quả hơn”.
Nguồn: [Link nguồn]
Hãng Bloomberg đưa tin Ukraine lần đầu tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga bằng tên lửa Storm Shadow do Anh cung cấp.