Mỹ hục hặc về kinh tế với Trung Quốc, Nhật Bản

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Cạnh tranh công nghệ giữa Washington và Bắc Kinh leo thang trước thềm lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vào cuối tháng này

Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 6-1 liệt Tập đoàn Công nghệ Tencent và nhà sản xuất pin CATL của Trung Quốc vào danh sách các công ty "hợp tác với quân đội Trung Quốc".

Quyết định trên không dẫn đến bất kỳ lệnh trừng phạt ngay lập tức nào nhưng có thể ảnh hưởng đến danh tiếng và cản trở hoạt động thương mại của các công ty này, nhất là trong trường hợp họ muốn kinh doanh tại Mỹ. Cổ phiếu của Tencent, công ty sở hữu siêu ứng dụng WeChat, đã giảm hơn 7% trong phiên giao dịch tại Hồng Kông hôm 7-1 trong khi cổ phiếu của CATL được niêm yết tại Thâm Quyến giảm khoảng 2,8%. Tencent và CATL cùng hàng chục công ty khác của Trung Quốc bị liệt vào danh sách mà Bộ Quốc phòng Mỹ cho là hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp tại Mỹ.

Một khách tham quan thử vận hành hệ thống tích hợp tại gian hàng của Tencent ở TP Trùng Khánh - Trung Quốc. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Một khách tham quan thử vận hành hệ thống tích hợp tại gian hàng của Tencent ở TP Trùng Khánh - Trung Quốc. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Lầu Năm Góc cho biết danh sách có tên gọi 1260H này được cập nhật hằng năm, là nỗ lực quan trọng nhằm đối phó chiến lược "hợp nhất quân sự - dân sự" của Trung Quốc, tức phát triển quân đội có công nghệ tiên tiến nhất thế giới bằng cách xóa bỏ rào cản giữa các lĩnh vực nghiên cứu dân sự và thương mại với lực lượng vũ trang. Trong một tuyên bố gửi đến đài CNN, Tencent nói sẽ làm việc với Bộ Quốc phòng Mỹ để giải quyết mọi "hiểu lầm". CATL cũng khẳng định công ty không tham gia bất kỳ hoạt động nào liên quan đến quân sự.

Theo đài CNBC, Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng năm 2024 nêu rõ Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ bị cấm mua hàng hóa hoặc dịch vụ từ các thực thể trong danh sách trực tiếp vào tháng 6-2026 và gián tiếp từ tháng 6-2027. Cũng nhằm hạn chế chuyển giao công nghệ cao cấp sang Trung Quốc, Mỹ đã thu hồi một số giấy phép bán chip cho Tập đoàn Huawei vào tháng 5 năm ngoái và công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu toàn diện mới đối với công nghệ quan trọng vào tháng 9, bao gồm máy tính lượng tử và sản phẩm bán dẫn.

Phản ứng trước động thái mới nhất của Lầu Năm Góc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun nhấn mạnh Bắc Kinh phản đối việc Mỹ khái quát hóa khái niệm an ninh quốc gia, lập ra nhiều danh sách phân biệt đối xử, cản trở vô lý các doanh nghiệp Trung Quốc và hạn chế sự phát triển chất lượng cao của Trung Quốc. Trước đó, ông Guo cũng chỉ trích Bộ Tài chính Mỹ về quyết định xử phạt công ty an ninh mạng Trung Quốc Integrity Technology với cáo buộc "tham gia nhiều vụ tấn công mạng nhắm vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ".

Quan hệ kinh tế giữa Mỹ và đồng minh Nhật Bản cũng gặp trở ngại. Tập đoàn thép US Steel của Mỹ và Công ty thép Nippon Steel của Nhật Bản hôm 6-1 đệ đơn kiện chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vì quyết định chặn Nippon Steel mua lại US Steel trong thương vụ trị giá gần 14,9 tỉ USD. Các công ty này kêu gọi Tòa án Liên bang Mỹ hủy bỏ quyết định trên.

Hôm 6-1, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba cũng mô tả quyết định của ông Joe Biden là khó hiểu. Tuy nhiên, không chỉ ông Joe Biden, Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng từng nhấn mạnh ông hoàn toàn phản đối việc sáp nhập và cam kết sẽ ngăn chặn điều đó với tư cách là tổng thống, đồng thời hỗ trợ US Steel bằng các khoản giảm thuế. Quyết định ngăn chặn thương vụ của ông Biden với lý do lo ngại về an ninh quốc gia đã phủ bóng lên chuyến thăm Nhật Bản của Ngoại trưởng Antony Blinken. Quyết định này có thể làm đảo lộn các nỗ lực của Mỹ nhằm tăng cường quan hệ với các đồng minh châu Á. 

Cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực không gian giữa các cường quốc thế giới đã diễn ra khốc liệt kể từ sau Thế chiến 2.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo XUÂN MAI ([Tên nguồn])
Tin tức Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN