Mỹ gây khó hiểu khi tính cho tàu sân bay hạt nhân nghỉ hưu sớm
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cân nhắc khả năng loại bỏ tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz, USS Harry S. Truman để tiết kiệm ngân sách.
Tàu sân bay hạt nhân Mỹ USS Harry S. Truman.
Trang USNI News dẫn nguồn tin am hiểu vấn đề từ hai quan chức Mỹ giấu tên cho biết, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn cắt giảm ngân sách quốc phòng từ 722 tỉ USD xuống còn 704 tỉ USD. Mức trần ngân sách mới dự kiến sẽ được công bố vào tháng 5 tới.
Đây là lý do chính khiến Lầu Năm Góc cân nhắc loại bỏ tàu sân bay hạt nhân USS Harry S. Truman, sau khi con tàu này hết niên hạn 25 năm sử dụng vào năm 2023.
Hiện chưa rõ Lầu Năm Góc có thể tiết kiệm được bao nhiêu tiền nếu loại bỏ tàu USS Harry S. Truman. Quá trình đại tu và tái nạp nhiên liệu hạt nhân giữa vòng đời có thể tiêu tốn khoảng 5,5 tỷ USD, trong khi chi phí loại biên một tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz được ước tính khoảng 2,5 tỷ USD. Nếu được đại tu, tàu USS Harry S. Truman sẽ tiếp tục hoạt động cho đến năm 2048.
Bên cạnh việc loại bỏ tàu sân bay, Lầu Năm Góc cũng cân nhắc hạn chế đóng mới các tàu sân bay cỡ lớn, thay vào đó đầu tư cho tàu tấn công đổ bộ lớp America hay còn gọi là tàu sân bay cỡ nhỏ vì tàu vẫn có khả năng mang theo tiêm kích tàng hình F-35.
Theo trang The Drive, thông tin Lầu Năm Góc muốn loại bỏ tàu sân bay USS Harry S. Truman là điều gây khó hiểu. Đô đốc Phil Davidson, tư lệnh Bộ Chỉ huy châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, nói: “Không có tàu chiến nào thay thế được năng lực chiến đấu của tàu sân bay, theo quan điểm của tôi”.
Rob Wittman, nghị sĩ đảng Cộng hòa thuộc Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, giải thích, Quốc hội đã có chủ trương cắt giảm số lượng tàu sân bay từ trước.
Các nhà lập pháp Mỹ muốn Lầu Năm Góc chỉ duy trì 11 tàu sân bay trong biên chế hải quân. Tuy nhiên, hải quân Mỹ luôn muốn sở hữu nhiều tàu sân bay hơn để đối phó với các thách thức ngày càng gia tăng trên toàn cầu.
Mỹ muốn đầu tư vào các tàu sân bay cỡ nhỏ như USS America.
Có những dấu hiệu cho thấy hạm đội tàu sân bay Mỹ đang quá tải, một phần do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tháng 12.2020, tàu USS Theodore Roosevelt rời cảng để thực hiện nhiệm vụ lần hai trong một năm. Tàu USS Dwight D. Eisenhower cũng sắp làm điều tương tự. Điều đó có nghĩa là hải quân Mỹ rất cần tàu sân bay để thực hiện các sứ mệnh trên toàn cầu.
Chưa dừng lại ở đó, tàu USS Nimitz mới quay về sau 10 tháng thực hiện nhiệm vụ chiến đấu liên tục, dài hơn 4 tháng so với thông thường. Cũng có thời điểm, Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ không có bất cứ một tàu sân bay nào sẵn sàng tác chiến ở Trung Đông.
Sự xuất hiện của siêu tàu sân bay lớp Ford, USS Gerald R. Ford có thể là lý do chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn loại bỏ dần các tàu sân bay lớp Nimitz.
Tuy nhiên, siêu tàu sân bay USS Gerald R. Ford được biên chế năm 2017, đến nay vẫn chưa từng ra khơi thực hiện bất cứ nhiệm vụ chiến đấu nào vì liên tiếp gặp trục trặc, đặc biệt là hệ thống máy phóng điện từ hoạt động thiếu tin cậy.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đang ngày càng trỗi dậy ở châu Á-Thái Bình Dương, càng tạo ra sức ép với các tàu sân bay Mỹ hoạt động trong khu vực. Nếu không điều tiết hợp lý, hải quân Mỹ có thể thiếu hụt tàu sân bay sẵn sàng đối phó với Trung Quốc ở một thời điểm nhất định, theo báo Mỹ.
Quay trở lại năm 2019, Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump đã bác bỏ đề xuất loại tàu USS Harry S. Truman. “Tôi phủ quyết đề xuất khai tử tàu sân bay đồ sộ như USS Harry S. Truman. Con tàu được đóng năm 1998, vẫn còn rất mới, một trong những tàu sân bay lớn nhất và tốt nhất trên thế giới”, ông Trump nói. “Tàu sẽ được nâng cấp và bảo trì thay vì đóng thêm tàu sân bay mới”.
Cuối cùng, báo Mỹ nhận định, rất khó để chính quyền Tổng thống Joe Biden loại bỏ một tàu sân bay vì trong tương lai gần, hải quân Mỹ sẽ vẫn rất cần đến các tàu sân bay lớp Nimitz.
Hải quân Mỹ đã điều hai nhóm tác chiến tàu sân bay cùng thực hiện nhiệm nhiệm ở Biển Đông vào ngày 9.2, dấu hiệu cho...
Nguồn: [Link nguồn]