Mỹ gạt đề xuất “dùng chung đảo” của TQ ở Biển Đông
Đề xuất của một đô đốc Trung Quốc về việc cùng sử dụng các hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đào đắp trên Biển Đông vào hoạt động cứu nạn nhân đạo nhanh chóng bị phía Mỹ bác bỏ.
Ngày 1/5, Mỹ đã nhanh chóng bác bỏ đề xuất do một quan chức quân sự cấp cao của Trung Quốc đưa ra về việc “cùng sử dụng các hòn đảo tranh chấp trên Biển Đông vào hoạt động tìm kiếm cứu nạn quốc tế”.
Trước đó, nhiều tờ báo lớn của Mỹ đã dẫn một tuyên bố đăng trên website của Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng Đô đốc Ngô Thắng Lợi (Wu Shengli), Tư lệnh hải quân Trung Quốc, đã đưa ra đề xuất trên với người đồng cấp Mỹ là Đô đốc Jonathan Greenert trong một hội nghị trực tuyến.
Trong thời gian gần đây, Bắc Kinh đang phải hứng chịu nhiều lời chỉ trích từ phương Tây đối với hoạt động xây đảo nhân tạo trên Biển Đông, trong đó có việc biến các bãi đá ngầm thành sân bay và các cơ sở quân sự.
Tuy nhiên ông Ngô Thắng Lợi lại cho rằng việc Trung Quốc xây dựng, đào đắp những hòn đảo nhân tạo “sẽ không đe dọa đến tự do hàng hải và hàng không” trên Biển Đông, và nó sẽ “tăng cường khả năng dự báo thời tiết, tìm kiếm cứu nạn trên biển và bảo vệ an ninh hàng hải quốc tế”.
Website của Bộ Quốc phòng Trung Quốc dẫn lời ông Ngô tuyên bố: “Chúng tôi hoan nghênh các tổ chức quốc tế, Mỹ và các nước liên quan sử dụng những cơ sở trên các hòn đảo này, khi thời cơ chín muồi, để thực hiện các hoạt động cứu nạn nhân đạo và giảm nhẹ thiên tai”.
Đáp lại, chính phủ Mỹ đã nhanh chóng trả lời rằng Washington không hề mặn mà với đề xuất trên của ông Ngô. Ông Jeff Rathke, quyền phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố: “Việc xây dựng các cơ sở trên những hòn đảo đào đắp trong khu vực tranh chấp sẽ không đóng góp gì cho hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Ông Rathke nói tiếp: “Điều này vẫn đúng ngay cả khi các cơ sở trên được sử dụng cho các mục đích đối phó thiên tai nhân đạo, như những gì mà các quan chức Trung Quốc tuyên bố. Nếu thực tâm muốn giảm bớt căng thẳng, Trung Quốc có thể chủ động kiềm chế bằng việc có những bước đi vững chắc nhằm chấm dứt hoạt động xây đảo”.
Cũng theo lời quan chức ngoại giao Mỹ này, nếu muốn tham gia vào các hoạt động cứu nạn nhân đạo và giảm nhẹ thiên tai quốc tế trên Biển Đông, Bắc Kinh nên “hợp tác với các cơ chế đa phương hiện có”, chẳng hạn như dưới sự bảo trợ của ASEAN.
Hôm thứ Hai vừa rồi, ASEAN cũng đã ra tuyên bố trong phiên bế mạc hội nghị thượng đỉnh ở Malaysia bày tỏ những “quan ngại sâu sắc” về hoạt động đào đắp, xây dựng của Trung Quốc trên những rặng đá ngầm tại khu vực tranh chấp chủ quyền.