Mỹ được cho dùng căn cứ hải quân Ấn Độ "sát nách" TQ
Trước đây, nếu Mỹ muốn sử dụng căn cứ quân sự của Ấn Độ thì thủ tục hết sức rườm rà và tốn thời gian, gây cản trở hoạt động tác chiến hoặc cứu hộ khẩn.
Tàu khu trục INS Sahyadri Ấn Độ thăm Trân Châu Cảng năm 2014.
Mỹ và Ấn Độ mới ký kết một thỏa thuận quân sự lớn đồng ý chia sẻ căn cứ hải quân cho cả hai bên. Động thái này giúp Mỹ có thể hiện diện quân sự ngay tại “ngưỡng cửa” của Trung Quốc.
Lễ kí kết Thỏa thuận Ghi nhớ Trao đổi Kho vận (LEMOA) đã được chuẩn bị trong hơn 10 năm. Đây là điểm nhấn quan trọng trong chuyến thăm 3 ngày của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar tới Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter khen ngợi thỏa thuận đạt được và nói rằng “an ninh hàng hải” và “tự do lưu chuyển” sẽ được thúc đẩy trên toàn cầu.
Thỏa thuận này cho phép Hải quân Mỹ sử dụng căn cứ quân sự của Ấn Độ nhằm cung cấp nguyên liệu, vũ khí trong các đợt tập trận. Đồng thời, hoạt động cứu nạn và nhân đạo cũng sẽ được thực thi. Phía New Delhi cũng được phép tới căn cứ quân sự của Mỹ nếu cần.
Thỏa thuận LEMOA không cho phép điều động quân tới căn cứ quân sự. Hai bên sẽ phải kí kết một thỏa thuận riêng cho vấn đề này.
Trước đây, Hải quân Mỹ và Ấn Độ nếu muốn vào căn cứ quân sự của nhau phải được sự đồng ý của bên còn lại. Thủ tục thực hiện rất rườm rà và tốn thời gian.
Thỏa thuận LEMOA giúp Washington tăng cường năng lực chiến đấu ở Biển Đông. Gần đây, Hải quân Mỹ đã gia tăng sự hiện diện ở khu vực này và làm căng thẳng Mỹ-Trung thêm leo thang.
Mỹ đã thực hiện vài cuộc tập trận hải quân ở Biển Đông trong tháng 6 vừa qua. Tàu chiến, máy bay Mỹ cũng xuất hiện rất gần các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Mới đây nhất, 3 máy bay ném bom hạt nhân hạng nặng của Mỹ đã xuất phát từ căn cứ đảo Guam và bay lượn trên Biển Đông.
Mỹ liên tục khẳng định quyền tự do lưu chuyển trong Biển Đông dưới sự điều chỉnh của luật pháp quốc tế.
Hải quân Mỹ sẽ được tự do sử dụng căn cứ hải quân Ấn Độ làm "bàn đạp" ở Biển Đông.
Khu vực này là một trong những nơi có lưu lượng hàng hóa đông đúc nhất thế giới, mỗi năm tổng lượng đạt trên 5.000 tỉ USD. Tháng 3 vừa qua, Mỹ từng kêu gọi Ấn Độ tập trận chung ở Biển Đông.
Việc Mỹ tiến sát “ngưỡng cửa” với Trung Quốc cho phép Washington kiểm soát được các tuyến hàng hải quan trọng từ Đông Á tới vịnh Ba Tư, theo Joseph Cheng, giáo sư nghỉ hưu ngành khoa học chính trị ở đại học Hong Kong.
“Hỗ trợ kho vận giúp Mỹ duy trì tầm ảnh hưởng ở tuyến hàng hải cực kì quan trọng này”, ông Cheng nhấn mạnh.