Mỹ đứng trước nhiều áp lực khi tiếp tục thử nghiệm thất bại tên lửa siêu thanh
Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết chuyến bay thử nghiệm hệ thống tên lửa siêu thanh tại quần đảo Hawaii ngày 29-6 đã thất bại do “có sự cố trong quá trình đánh lửa”.
Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 30-6 cho biết chuyến bay thử nghiệm hệ thống tên lửa siêu thanh tại quần đảo Hawaii ngày 29-6 đã kết thúc thất bại do “có sự cố trong quá trình đánh lửa”, hãng Bloomberg đưa tin.
Ý tưởng về tên lửa siêu thanh AGM-183A của Mỹ. Ảnh: LOCKHEED MARTIN
Theo Bloomberg, Bộ Quốc phòng Mỹ không cung cấp thêm chi tiết về những gì đã xảy ra trong cuộc thử nghiệm.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc - Trung tá Hải quân Tim Gorman - cho biết: “Một sự cố bất thường đã xảy ra với hệ thống đánh lửa”.
“Các nhân viên của chương trình đang xác định nguyên nhân để khắc phục trong các cuộc thử nghiệm trong tương lai. Tuy Bộ không thể thu thập dữ liệu về toàn bộ hồ sơ chuyến bay thử nghiệm, nhưng thông tin thu thập được từ sự cố này sẽ cung cấp những hiểu biết quan trọng” – ông Gorman nói thêm.
“Bộ vẫn tự tin đang trên đà triển khai vũ khí siêu thanh để tấn công và phòng thủ từ những ngày bắt đầu mục tiêu này vào đầu những năm 2020” – Lầu Năm Góc trao đổi thêm với Bloomberg.
Theo Bloomberg, sự cố hôm 29-6 đánh dấu chuyến bay thử nghiệm không thành công thứ hai của nguyên mẫu vũ khí trong chương trình Đột kích nhanh thông thường (Conventional Prompt Strike - CPS).
Theo chương trình CPS, nhà thầu Lockheed Martin sẽ phát triển các loại tên lửa có tốc độ từ Mach 5 (6.125km/giờ) trở lên cho tàu khu trục Zumwalt và tàu ngầm lớp Virginia.
Trước đó, trong cuộc thử nghiệm thất bại đầu tiên hồi tháng 10-2021, tên lửa đẩy dùng để tăng tốc độ đầu đạn lên tốc độ siêu thanh đã bị lỗi, khiến tên lửa không thể bay lên.
Lầu Năm Góc đang đứng trước áp lực trong việc triển khai vũ khí siêu thanh, trong bối cảnh các đối thủ, gồm Nga, Trung Quốc và Triều Tiên, đang phát triển các hệ thống vũ khí có tốc độ gấp năm lần tốc độ âm thanh và có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Trung Quốc đang đầu tư rất nhiều vào vũ khí siêu thanh, và từng đưa một vũ khí lên quỹ đạo vào tháng 7-2021. Vũ khí này bay được 40.000 km trong hơn 100 phút.
Hồi tháng 1, Triều Tiên đã tiến hành hai vụ phóng riêng biệt với các hệ thống tên lửa siêu thanh. Tên lửa bay được vài trăm km.
Trong khi đó, Nga đã ra mắt một tên lửa đất-đối-không siêu thanh trong chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Sự tiến triển chậm chạp trong các chương trình vũ khí siêu thanh của Mỹ đã dẫn đến những cuộc thảo luận gay gắt khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - ông Lloyd Austin - điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện hồi tháng 4.
“Gần đây ông đã kêu gọi cộng đồng công nghiệp quốc phòng tham gia quá trình phát triển vũ khí siêu thanh để chúng ta có thể đẩy nhanh tiến độ. Nhưng chúng ta đang theo sau đối thủ” - Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa, ông Mike Turner, nói với Bộ trưởng Austin trong cuộc điều trần.
Bộ trưởng Austin không phủ nhận điều này, song nói rằng “chúng ta phải cẩn thận” vì “siêu thanh là một năng lực, nhưng nó không phải năng lực duy nhất”.
Nguồn: [Link nguồn]
Chuyên gia nhận định tên lửa hành trình siêu thanh tầm xa Zircon của Nga dù vẫn đang được phát triển nhưng có thể thay đổi cục diện chiến tranh ở Ukraine nếu được đưa vào...