Mỹ đưa "căn cứ di động" khổng lồ tới ngoài khơi Sudan

Lầu Năm Góc ngày 24/4 xác nhận tàu USS Lewis B. Puller hay còn được gọi là căn cứ viễn chinh di động, đang trên đường tới khu vực ngoài khơi Sudan. Tàu có thể nhanh chóng thiết lập cơ sở hậu cần ở những khu vực mà lực lượng Mỹ gặp khó khăn khi tiếp cận.

Một trong 3 căn cứ viễn chinh di động của hải quân Mỹ.

Một trong 3 căn cứ viễn chinh di động của hải quân Mỹ.

Trả lời họp báo ngày 24/4, chuẩn tướng Patrick Ryder, thư ký báo chí Lầu Năm Góc, thông báo tàu hải quân khổng lồ USS Lewis B. Pullercủa Mỹ đang trên đường tới Sudan. Trước đó, hải quân Mỹ đã huy động tàu khu trục lớp Arleigh Burke, USS Truxtun tới khu vực để sẵn sàng nhận nhiệm vụ nếu cần thiết.

Tàu USS Lewis B. Puller được huy động sau khi các đặc nhiệm Mỹ thực hiện thành công chiến dịch sơ tán 70 nhân viên ngoại giao khỏi thủ đô Khartoum, Sudan.

Giao tranh ở Khartoum và nhiều khu vực khác ở Sudan đã diễn ra kể từ ngày 15/4, giữa quân đội Sudan và một nhánh quân sự là Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF). Hôm 25/4, các phe phái ở Sudan thông báo đồng ý ngừng bắn trong 72 giờ, kể từ 0 giờ ngày 25/4 (giờ địa phương) để thúc đẩy các nỗ lực nhân đạo.

"Năng lực của tàu Puller và tàu khu trục Truxtun sẽ giúp chúng tôi hỗ trợ các nỗ lực của Bộ Ngoại giao", chuẩn tướng Ryder cho biết thêm. "Tàu Puller giúp chúng tôi có thêm các năng lực cần thiết ở khu vực ven bờ, ví dụ như đưa công dân tới một khu vực khác hoặc cung cấp các dịch vụ y tế".

Tàu USS Lewis B. Puller đóng vai trò là căn cứ di động khổng lồ của hải quân Mỹ.

Tàu USS Lewis B. Puller đóng vai trò là căn cứ di động khổng lồ của hải quân Mỹ.

USS Lewis B. Puller được thiết kế dưới dạng siêu tàu chở dầu thuộc lớp Alaska. Tàu dài 239 mét và có lượng giãn nước tối đa lên tới 90.000 tấn. Năm 2017, Mỹ đã đưa tàu vào biên chế hải quân, gọi là căn cứ viễn chinh di động (ESB). Hải quân Mỹ hiện có 3 tàu thuộc loại này và đang muốn sở hữu thêm 3 tàu nữa.

Mỗi căn cứ viễn chinh di động như vậy có sàn tàu rất lớn, được sử dụng để làm bãi đáp cho bất kỳ loại máy bay trực thăng nào mà quân đội Mỹ hiện có, bao gồm cả trực thăng vận tải hạng nặng.

Tàu cũng có năng lực phóng và thu hồi nhiều loại máy bay không người lái (UAV) khác nhau. UAV được phóng đi nhờ vào máy phóng chuyên dụng.

Bên dưới sàn tàu là các khoang cỡ lớn phục vụ nhiều mục đích khác nhau, gồm cơ sở y tế hoặc sở chỉ huy. Một số khoang có thể được sử dụng để triển khai và thu hồi phương tiện đường thủy cỡ nhỏ, phương tiện nổi trên mặt nước hoặc phương tiện lặn dưới nước.

Mặc dù có kích thước đồ sộ nhưng tàu chỉ cần 44 thủy thủ và sĩ quan vận hành và có đủ chỗ sinh hoạt cho tối đa 250 người, tùy vào các nhiệm vụ cụ thể, theo hải quân Mỹ.

Trước khi tham gia sứ mệnh ở Sudan, tàu USS Lewis B. Puller đóng vai trò là căn cứ nổi cho các sứ mệnh đặc biệt của hải quân Mỹ hoặc tham gia săn tàu ngầm đối phương.

Tháng 2/2023, tàu tới Địa Trung Hải để cứu trợ trong thảm họa động đất 7,8 độ richter ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Tàu khu trục lớp Arleigh Burke, USS Truxtun cũng có mặt ở ngoài khơi Sudan.

Tàu khu trục lớp Arleigh Burke, USS Truxtun cũng có mặt ở ngoài khơi Sudan.

Trong khi đó, tàu khu trục USS Truxtun là mẫu tàu chiến thực thụ, không phù hợp cho các hoạt động sơ tán và phi chiến đấu. Nhưng tàu cũng được trang bị trực thăng Seahawk có thể sử dụng để chở người hoặc hàng hóa, bao gồm đưa người bị thương tới nơi sơ cứu khẩn cấp.

Tàu được trang bị các hệ thống radar và cảm biến tối tân, giúp hải quân Mỹ nắm bắt được diễn biến chiến sự ở Sudan. Tàu cũng có thể phóng tên lửa hành trình Tomahawk trong trường hợp hải quân Mỹ cần đối phó với các mối đe dọa nếu có ở khu vực.

Năng lực phòng thủ của tàu USS Lewis B. Puller khá khiêm tốn khi chỉ có một số súng máy hạng nặng được lắp đặt ở xung quanh tàu. Do đó, tàu USS Truxtun cũng có thể đóng vai trò như tàu hộ tống trong sứ mệnh ở ngoài khơi Sudan, theo báo Mỹ The Drive.

Ở trên bầu trời, các máy bay trinh sát, UAV của Mỹ đang giám sát tình hình 24/7 ở Sudan. Hiện chưa rõ Mỹ có kế hoạch sơ tán khoảng 16.000 công dân ở Sudan hay không và khi nào hoạt động sơ tán có thể diễn ra.

Nguồn: [Link nguồn]

Xung đột khốc liệt ở Sudan: Bên nào có ưu thế?

Các nhà phân tích cảnh báo, xung đột ở Sudan, đặc biệt là ở thủ đô Khartoum còn kéo dài và đẫm máu. Tuy nhiên, một bên sở hữu kho vũ khí dồi dào hơn có cơ hội chiến thắng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Anh - The Drive ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN