Mỹ: Đọc tin giả, xách súng đi bắn chết 9 người thật
Vấn nạn tin giả lan truyền trên mạng internet và mạng xã hội là chuyện xảy ra rất phổ biến ngày nay. Đôi khi tin giả chỉ gây ra những hiểu lầm đơn thuần, nhưng cũng có lúc gây ra hậu quả nghiệm trọng.
Dylann Roof đã bị tuyên án tử hình.
Ngày 19.6.2015, một người đàn ông theo chủ nghĩa “da trắng thượng đẳng”, mang súng bước vào một nhà thờ của người Mỹ gốc Phi ở bang South Carolina.
Mặc dù không hề quen biết 12 người có mặt bên trong nhà thờ, kẻ xả súng Dylann Roof muốn gửi thông điệp rằng, người Mỹ gốc Phi đừng trở thành mối đe dọa với cộng đồng người da trắng. Roof rút súng ngắn Glock, bắn 77 phát đạn khiến 9 người chết, để lại 3 người sống sót để kể lại câu chuyện.
Roof được cho là một nạn nhân của tin giả lan truyền rộng rãi trên mạng internet. Người đàn ông này nói với các nhà điều tra rằng, muốn trả thù vì “người da đen sát hại người da trắng mỗi ngày trên phố”. Theo dữ liệu của FBI, người da đen chỉ chiếm 15% các vụ án liên quan đến sát hại người da trắng, trong khi 81% là người da trắng sát hại lẫn nhau.
Roof còn nói rằng, người đa đen hay cưỡng hiếp phụ nữ da trắng. Đây là thông tin được một số trang web lan truyền, nhưng không đúng với dữ liệu thống kê ở thời điểm đó (trong số các tội phạm bị bắt vì cưỡng hiếp, có tới 67% là người da trắng).
Chưa đầy 24 giờ sau khi ra tay sát hại 9 người tại nhà thờ, Roof ngồi trên bàn thẩm vấn của các điều tra viên liên bang Mỹ. Nghi phạm tỏ ra bình tĩnh, trả lời rành mạch. Khi đặc vụ liên bang hỏi ai khuyến khích gây ra vụ thảm sát, Roof nói: “Đó là mạng internet. Tất cả các thông tin đều ở đó”.
Khung cảnh đằng sau nhà thờ xảy ra vụ xả súng năm 2015.
Năm 2017, Roof đã thừa nhận toàn bộ tội danh giết người, nhận bản án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc. Tháng 5.2021, luật sư của Roof tiếp tục kháng cáo, cho rằng thân chủ mình có vấn đề về tâm thần, với hi vọng có thể giảm mức án cho thân chủ xuống tù chung thân không ân xá.
Một vụ việc tương tự cũng xảy ra vào Chủ nhật, ngày 4.12.2016, tại một nhà hàng pizza ở phía tây bắc thủ đô Washington D.C, Mỹ, vào giữa buổi trưa. Nhà hàng khi đó chật cứng người, trên một con phố đông đúc nhưng yên bình.
Một người đàn ông mang súng trường vào cửa hàng, bắt đầu xả đạn. May mắn thay, không có ai bị thương và nghi phạm bị bắt giữ. Nhưng động cơ của vụ xả súng là điều gây sốc.
Cửa hàng pizza Comet Ping Pong bị xả súng vì sự kiện xảy ra cách đó khoảng 1 tháng. Có những tin giả lan truyền trên internet, rằng cửa hàng pizza này là một ổ nhóm ấu dâm có liên quan đến các chính trị gia. Cửa hàng sau đó nhận được nhiều lời đe dọa từ những người tin vào tin giả.
Theo Washington Post, mọi chuyện bắt đầu từ loạt email rò rỉ của bà Hillary Clinton, khi đó là ứng viên Tổng thống Mỹ. Có những tin đồn rằng email đề cập đến một ổ nhóm ấu dâm. Những người lan truyền tin giả tập trung vào cửa hàng pizza Comet Ping Pong mà John Podesta, người đứng đầu chiến dịch tranh cử của bà Clinton, thường nhắc tới trong email.
Cửa hàng Pizza trở thành mục tiêu của những kẻ lan truyền tin giả ở Mỹ.
Kết quả là cửa hàng pizza trên bị nghi ngờ là một ổ nhóm ấu dâm. Câu chuyện được lan truyền trên mạng xã hội ở Mỹ với cụm từ “#pizzagate”.
Khi càng nhiều người tin vào tin giả, những lời đe dọa nhằm cửa hàng pizza càng nhiều, ảnh hưởng đến cả các cửa hàng ở khu vực lân cận. Nhân viên cửa hàng pizza và các cửa hàng khác xung quanh nói họ cảm thấy hãi hùng bởi ngày càng nhiều người tin vào tin giả đến chất vấn.
Trong trường hợp trên, một người đàn ông 28 tuổi, mang súng trường, quyết định đến cửa hàng pizza để “tự điều tra”. Theo New York Times, nghi phạm nói rằng muốn “giải cứu các trẻ em bị giam giữ trong cửa hàng”.
Theo trang tin Marubeni, vấn nạn tin giả ngày càng phổ biến ở Mỹ và các quốc gia trên thế giới, do sự bùng nổ của internet và mạng xã hội. Nhiều trang tin giả được xây dựng giống như trang báo điện tử, tổng hợp các thông tin thời sự và thời tiết hàng ngày để đánh lừa độc giả, sau đó lan truyền thêm các tin đồn giật gân để câu khách, thu hút người xem với mục đích kiếm tiền.
Không ít người đứng sau các tin giả là các nhà văn, sẵn sàng nhận lấy khoản thù lao hậu hĩnh để bịa ra các câu chuyện giả mạo, Marubeni cho biết.
Để loại bỏ tin giả, vai trò của các công ty công nghệ như Facebook, Twitter là rất quan trọng, cũng như các phương tiện truyền thông cần đưa tin chân thực và chính xác.
Nguồn: [Link nguồn]
Đoạn video kịch tính quay cảnh hai nhân viên an ninh điều khiển chiếc Land Cruiser ở Nam Phi, bất ngờ bị những tên cướp...