Mỹ: Điều trần ở Hạ viện về thông tin ông Trump lệnh điều 10.000 quân đến Điện Capitol
Cuộc điều tra của Hạ viện Mỹ vẫn chưa dừng lại khi ông Chris Miller – cựu quyền Bộ trưởng Quốc phòng – được triệu tập để làm rõ thông tin cựu Tổng thống Donald Trump ra lệnh điều quân đội đến trụ sở Quốc hội Mỹ (Điện Capitol) vào ngày 6.1.2021.
Cựu Tổng thống Mỹ - ông Donald Trump (ảnh: Reuters)
Phát biểu trước Ủy ban điều tra của Hạ viện Mỹ, ông Chris Miller khẳng định cựu Tổng thống Trump chưa bao giờ ra lệnh cho ông phải chuẩn bị 10.000 quân để triển khai tới Điện Capitol, CNN đưa tin hôm 27.7.
“Tôi chưa bao giờ nhận được bất kỳ chỉ thị, mệnh lệnh nào hoặc biết bất kỳ kế hoạch nào về điều đó”, ông Chris Miller nói.
“Không có mệnh lệnh nào từ ông Trump”, ông Chris Miller khẳng định.
Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cũng nói với Ủy ban điều tra của Hạ viện rằng, ông không nhận được cuộc gọi nào từ ông Trump khi vụ bạo loạn xảy ra.
Trước đó, ông Trump thừa nhận rằng, ông đã yêu cầu lực lượng vệ binh quốc gia sẵn sàng cho ngày 6.1.2021. Đây là ngày Quốc hội Mỹ chứng nhận kết quả bầu cử tổng thống, theo đó, phần thắng nghiêng về ông Biden.
Hôm 9.6, ông Trump cho biết, ông đã đề nghị triển khai 20.000 lính thuộc lực lượng vệ binh quốc gia tới Washington, do lo ngại “đám đông lớn tụ tập”.
Theo CNN, Ủy ban điều tra của Hạ viện đã kết luận ông Trump không điều động binh sĩ quân đội hoặc cơ quan thực thi pháp luật để can thiệp khi Điện Capitol bị người biểu tình tấn công.
Ngày 6.1.2021, đám đông ủng hộ ông Trump lật ngược kết quả bầu cử tổng thống đã xông vào trụ sở Quốc hội Mỹ. Sau khi vượt qua lực lượng an ninh, họ phá hoại và chiếm giữ một số phần tòa nhà trong vài tiếng đồng hồ. Vụ bạo loạn làm gián đoạn cuộc họp của Quốc hội Mỹ về việc công bố chính thức kết quả bầu cử tổng thống.
Ủy ban điều tra của Hạ viện Mỹ cáo buộc, ông Trump đã có lời nói, hành vi kích động người biểu tình gây ra bạo loạn.
Nguồn: [Link nguồn]
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng, thật không công bằng khi Mỹ phải chi nhiều tiền hơn so với các đồng minh châu Âu để giải quyết xung đột ở Ukraine.