Mỹ điều thêm lực lượng gì đối phó với hành động của Trung Quốc ở Biển Đông?

Đô đốc Karl Schultz tuyên bố, Lực lượng Tuần duyên Mỹ sẽ tăng cường hoạt động ở Thái Bình Dương và Biển Đông nhằm đối phó với việc Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực.

Tàu tuần duyên Mỹ tới thăm Hong Kong hồi tháng Tư

Tàu tuần duyên Mỹ tới thăm Hong Kong hồi tháng Tư

Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin, Đô đốc Schultz, Tư lệnh Tuần duyên Mỹ nhấn mạnh Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện trên biển bên ngoài “chuỗi đảo thứ hai chiến lược”, một phần trong đó có đảo Guam và quần đảo Bắc Mariana (CNMI) do Mỹ kiểm soát.

Trước đó, Tổng thống Donald Trump cũng đã ra tuyên bố khẳng định, đảo Guam tiếp tục là “trung tâm chiến lược quan trọng” và là “tài sản kinh tế và văn hóa” của Mỹ.

Còn theo Đô đốc Schultz, Bắc Kinh đã tăng cường đầu tư và gây ảnh hưởng lên các vùng lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương, cũng như các quốc đảo tại khu vực này.

Chính quyền Bắc Kinh cũng từng tuyên bố chiến lược quốc phòng của nước này dựa vào khả năng tự do triển khai lực lượng hải quân bao gồm các tàu ngầm tại nhiều chuỗi đảo xung quanh bờ biển của Trung Quốc. Chuỗi đảo thứ nhất bao gồm Nhật Bản, Đài Loan và Philippines, còn chuỗi đảo thứ hai gồm quần đảo Bắc Mariana, Palau và Micronesia.

“Chúng ta không cần phải nhìn quá xa để thấy những khu vực trên thế giới, nơi các khoản đầu tư kinh tế (của Trung Quốc) đã dẫn tới những vụ việc như chiếm hữu các cảng. Ý định của chúng tôi là đưa Mỹ trở thành đối tác của các quốc đảo Thái Bình Dương nhằm giúp đỡ những nước này bảo vệ lợi ích chủ quyền quốc gia”,  SCMP dẫn lời Tư lệnh Schultz.

Trong những tháng gần đây, Lực lượng Tuần duyên Mỹ, đơn vị chuyên trách bảo vệ các lợi ích trên biển của Mỹ, đã đóng góp vai trò ngày càng lớn ở khu vực Tây Thái Bình Dương và ở Biển Đông nhằm ngăn chặn Bắc Kinh mở rộng tầm ảnh hưởng. 

Cụ thể, Tuần duyên Mỹ đã điều tàu đi qua eo biển Đài Loan hồi tháng Ba, thực hiện chuyến thăm Hong Kong lần đầu tiên trong vòng 17 năm hồi tháng Tư và chuyển giao 3 tàu an ninh tới Sri Lanka, Việt Nam và Philippines.

Giới phân tích nhận định, sự hiện diện tăng cường của Lực lượng Tuần duyên Mỹ đã phản ánh mức độ quan ngại ngày càng lớn của Washington đối với sự lớn mạnh của Lực lượng Tuần duyên Trung Quốc. Theo đó, Bắc Kinh vận dụng kế sách tăng cường triển khai các “tàu vỏ trắng” thuộc Lực lượng Tuần duyên nhằm giảm thiếu nguy cơ bùng nổ xung đột tại những khu vực mà trước đó các “tàu vỏ xám” của Mỹ - Trung cùng hoạt động.

“Việc triển khai Lực lượng Tuần duyên đã phát đi tín hiệu về sức mạnh, nhưng cũng cho phép giảm bớt leo thang căng thẳng và mở đường cho các cuộc trao đổi ngoại giao, chính trị”, ông Patrick Gerald Buchan, cựu đại diện của Australia trong nhóm tham mưu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chia sẻ. 

Trong khi đó, Đô đốc Schultz cho hay một phần trong chiến lược của Lực lượng Tuần duyên Mỹ là tăng cường quan hệ đối tác với các nước Nam Thái Bình Dương gồm Australia, New Zealand và Nhật Bản.

Ông Alan Tidwell, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Australia, New Zealand và Thái Bình Dương tại Đại học Georgetown cho rằng, “sự quan tâm hiện nay của Mỹ tới các đảo Thái Bình Dương là sâu sắc và mạnh mẽ hơn bất kỳ thời điểm nào trong 30 năm qua”.

Theo chuyên gia Tidwell, việc triển khai Lực lượng Tuần duyên là một phần trong “cách tiếp cận toàn bộ chính phủ” được Mỹ triển khai với các nước Thái Bình Dương. Cách tiếp cận này bao gồm việc lần đầu tiên bổ nhiệm một cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng chuyên phụ trách khu vực Thái Bình Dương, đồng thời tăng cường hoạt động của ít nhất 17 cơ quan chính phủ Mỹ trong khu vực.

Cũng theo Tướng Schultz, Lực lượng Tuần duyên Mỹ sẽ hỗ trợ quyền của các quốc gia có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông nhằm thực thi quyền chủ quyền tại vùng biển thuộc lãnh thổ quốc gia. Hoạt động hỗ trợ gồm đấu tranh chống các hành vi đánh bắt cá trái phép, không thông báo và không kiểm soát, thực hiện các sứ mệnh tìm kiếm và cứu hộ và thực thi luật hàng hải quốc tế.

Cũng theo Đô đốc Schultz, Lực lượng Tuần duyên Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện rõ rệt thông qua số lượng lớn tàu hoạt động trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương bao gồm các tàu thuộc hải quân Trung Quốc. Tuy nhiên, sự hiện diện của các tàu Trung Quốc vẫn chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn của Mỹ về việc duy trì luật pháp quốc tế.

“Chúng ta nhận thấy rằng, thái độ của các tàu Trung Quốc không tuân thủ luật pháp quốc tế. Chúng ta cần có sự phản kháng quốc tế để Trung Quốc thấy được sự phản đối trước các hành vi đối kháng và hung hăng”, Tư lệnh Tuần duyên Mỹ nhấn mạnh.

Song theo ông Jian Zhang tại Học viên Quốc phòng Australia, bất chấp mối quan ngại của Mỹ, các quốc đảo ở Thái Bình Dương dường như sẽ không hoàn toàn phản đối việc Trung Quốc tăng cường sự hiện diện trong khu vực.

“Đây chính là cơ hội để các quốc đảo ở Thái Bình Dương tiếp cận nguồn hỗ trợ, phát triển kinh tế và tạo mối quan hệ thân thiết hơn với một cường quốc như Trung Quốc”, ông Zhang chia sẻ.

Cũng theo ông Zhang, mối quan hệ giữa Trung Quốc với các đảo quốc ở Thái Bình Dương được thúc đẩy từ cả mục đích kinh tế và chính trị.

“Nếu Mỹ muốn duy trì các lợi ích truyền thống ở khu vực Thái Bình Dương, Mỹ cần phải tăng cường các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng và kinh tế ngang bằng với Trung Quốc”, ông Zhang kết luận.

Báo Mỹ: TQ không nên hành xử với Việt Nam như Philippines ở Biển Đông

Trung Quốc không nên hành xử với Việt Nam như cách mà nước này áp đặt lên Philippines, vì đơn giản là cách tiếp cận này...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Thu (lược dịch) ([Tên nguồn])
Tin tức Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN