Mỹ điều 'căn cứ nổi' chở trực thăng, thủy phi cơ đến căn cứ tại Okinawa, Nhật

Sự kiện: Vũ khí quân sự

Mỹ triển khai “căn cứ nổi” USS Miguel Keith tới tỉnh Okinawa của Nhật, động thái được cho sẽ giúp tăng cường khả năng phòng thủ của nước này ở châu Á – Thái Bình Dương.

Tờ South China Morning Post đưa tin Mỹ mới đây đã triển khai “căn cứ nổi” USS Miguel Keith tới tỉnh Okinawa (Nhật).

Động thái này được cho sẽ giúp tăng cường khả năng phòng thủ của nước này ở châu Á – Thái Bình Dương trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc gia tăng.

Hải quân Mỹ thông báo đã triển khai tàu USS Miguel Keith - một căn cứ viễn chinh có thể vận chuyển số lượng lớn thiết bị, đồng thời là “căn cứ nổi” có thể chở theo máy bay trực thăng và thủy phi cơ - tới căn cứ hải quân White Beach trên quần đảo Okinawa hôm 8-10.

Tàu USS Miguel Keith của Mỹ tại Okinawa. Ảnh: SCMP

Tàu USS Miguel Keith của Mỹ tại Okinawa. Ảnh: SCMP

Theo thông báo, USS Miguel Keith sẽ tham gia Nhóm tác chiến viễn chinh của Hạm đội 7 và Lực lượng viễn chinh trên biển.

Tàu USS Miguel Keith - thuộc lớp Lewis B Puller - có chiều dài 240 mét và có thể hỗ trợ hậu cần cho các hoạt động hải quân.

South China Morning Post dẫn lời nhà quan sát quân sự Antony Wong Tong tại Macau nhận định sự hiện diện của “căn cứ nổi” này càng củng cố thêm khả năng phòng thủ của Mỹ dọc theo chuỗi đảo thứ nhất - tuyến các đảo ở Thái Bình Dương kéo dài từ Nhật đến bán đảo Mã Lai, gồm cả Đài Loan.

Chuỗi đảo thứ nhất đóng vai trò quan trọng trong tư duy chiến lược của Mỹ đối với khu vực. Trong khi đó, các lực lượng của Trung Quốc phải đi qua chuỗi đảo này để ra khu vực Thái Bình Dương rộng lớn hơn.

“Tại Okinawa, tàu USS Miguel Keith sẽ đóng vai trò như một hàng không mẫu hạm cho các lực lượng đổ bộ của Mỹ, điều này sẽ giúp Washington ngăn chặn quân đội Trung Quốc tìm cách chiếm quần đảo Senkaku (cách Nhật gọi) / Điếu Ngư (cách Bắc Kinh gọi)” – ông Wong nói.

Theo South China Morning Post, động thái triển khai trên được đưa ra trong bối cảnh các lực lượng hải quân của Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ hôm 12-10 đã bắt đầu cuộc tập trận chung Malabar trong khuôn khổ nhóm “Bộ Tứ (QUAD)” tại Vịnh Bengal.

Tuần trước, tàu sân bay USS Carl Vinson và USS Ronald Reagan của Mỹ, cùng tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh và các tàu của bốn quốc gia khác đã tham gia một cuộc tập trận ở Biển Đông.

Theo ông Lu Li-Shih - cựu giảng viên tại Học viện Hải quân Đài Loan ở TP. Cao Hùng, việc triển khai tàu USS Miguel Keith của Mỹ và các cuộc tập trận hải quân chung gần đây nhằm nhắc nhở Trung Quốc rằng Mỹ có thể tập hợp lực lượng mạnh hơn.

“Quân đội Trung Quốc dự kiến sẽ đưa tàu sân bay thứ ba của mình vào hoạt động sớm nhất là vào năm 2030” - ông Lu nói.

Tàu chiến sáu nước Mỹ, Anh, Nhật, New Zealand, Canada, Hà Lan tại khu vực gần quần đảo Okinawa và biển Philippines. Ảnh: FT

Tàu chiến sáu nước Mỹ, Anh, Nhật, New Zealand, Canada, Hà Lan tại khu vực gần quần đảo Okinawa và biển Philippines. Ảnh: FT

Theo ông Lu, Mỹ cho thấy nước này có thể huy động ít nhất ba nhóm tác chiến tàu sân bay và các tàu chiến khác trong một cuộc tập trận, qua đó gửi một thông điệp rõ ràng tới quân đội Trung Quốc về năng lực của Washington.

Để đối phó việc ngày càng có nhiều tàu hải quân nước ngoài tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, quân đội Trung Quốc gần đây đã tổ chức một cuộc tập trận ở vùng biển khu vực.

Theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc, nội dung của cuộc tập trận liên quan hoạt động diễn tập ném bom tấn công không đối hạm và đặt mìn tấn công.

Ông Collin Koh - chuyên gia tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore (RSIS) – nhận định quân đội Trung Quốc đã nâng cấp máy bay chiến đấu và vũ khí không đối hạm.

Tuy nhiên, ông cho rằng tàu USS Miguel Keith và các tàu chiến tương tự khác có “khả năng tự vệ hạn chế” trong các cuộc tấn công của các khí tài có hiệu năng cao.

Ông Koh nói thêm "cũng có một mối đe dọa mới" đối với Mỹ, đề cập hình dạng của máy bay phản lực tác chiến điện tử J-16D được Trung Quốc "trình làng" tại triển lãm hàng không Chu Hải mới đây.

Máy bay này có thể gây nhiễu hệ thống phòng không và radar của đối phương, tương tự với máy bay EA-18G Growler của Mỹ.

Tàu chiến Mỹ thách thức luật an toàn hàng hải mới của Trung Quốc

Sự xuất hiện của tàu chiến Mỹ diễn ra ít ngày sau khi Trung Quốc thực thi luật an toàn hàng hải mới nhằm củng cố những...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HÒA ĐẶNG ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN