Mỹ đi sau Trung Quốc 15 năm về năng lượng hạt nhân?

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Theo một nghiên cứu mới công bố, Trung Quốc được cho là đang vượt mặt Mỹ trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân công nghệ cao.

Kết quả một nghiên cứu mới cho thấy Bắc Kinh có lợi thế hơn Washington trong vấn đề năng lượng hạt nhân công nghệ cao. Ảnh minh họa: Reuters

Kết quả một nghiên cứu mới cho thấy Bắc Kinh có lợi thế hơn Washington trong vấn đề năng lượng hạt nhân công nghệ cao. Ảnh minh họa: Reuters

Nghiên cứu của Tổ chức Công nghệ Thông tin và Đổi mới - ITIF (một viện nghiên cứu có trụ sở ở Washington), công bố ngày 17/6, cho rằng, Mỹ đi sau Trung Quốc 15 năm trong việc phát triển năng lượng hạt nhân công nghệ cao. Cách tiếp cận công nghệ với sự hậu thuẫn của nhà nước và nguồn tài chính dồi dào là lý do giúp Trung Quốc có được lợi thế.

Nghiên cứu đã chỉ ra thực trạng trong lĩnh vực phát triển năng lượng hạt nhân của Trung Quốc và Mỹ.

Theo đó, Trung Quốc có 27 lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng với thời gian trung bình khoảng 7 năm, nhanh hơn nhiều so với các nước khác.

"Việc Trung Quốc triển khai nhanh chóng các nhà máy điện hạt nhân hiện đại, tạo ra hiệu quả kinh tế và hiệu quả học hỏi từ thực tiễn đáng kể. Đồng thời, điều này cho thấy các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ đạt được lợi thế nhờ sự đổi mới liên tục trong lĩnh vực này", nghiên cứu của ITIF chỉ ra.

Trong khi đó, Mỹ có các nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới. Chính quyền của ông Biden xem đây là nguồn điện gần như không có khí thải, rất quan trọng trong việc hạn chế biến đổi khí hậu.

Nhưng sau khi 2 nhà máy điện hạt nhân ở Georgia hoạt động vào các năm 2023 và 2024 vượt quá ngân sách hàng tỷ USD và bị trì hoãn nhiều năm, Mỹ không xây dựng thêm lò phản ứng hạt nhân nào khác. 

Nghiên cứu của ITIF cũng chỉ ra khó khăn và lợi thế của Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân tiên tiến.

Các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc có thể cung cấp các khoản vay với lãi suất thấp tới 1,4% - mức thấp hơn nhiều so với lãi suất của các nền kinh tế phương Tây. Ngành công nghiệp điện hạt nhân của nước này cũng được hưởng lợi từ sự hỗ trợ bền vững của nhà nước và các chiến lược nội địa hóa, cho phép Trung Quốc thống trị các lĩnh vực như năng lượng tái tạo (được khai thác từ nước, gió, ánh sáng mặt trời, địa nhiệt...) và xe điện.

Nhà máy điện hạt nhân thế hệ 4 đầu tiên trên thế giới tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, đã hoạt động từ tháng 12/2023. Hiệp hội Năng lượng Hạt nhân Trung Quốc tuyên bố, dự án này có liên quan đến việc phát triển hơn 2.200 bộ thiết bị mà trước đó chưa từng được sử dụng ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Trong đó, tổng tỷ lệ nội địa hóa vật liệu sản xuất trong nước là 93,4%.

Theo nghiên cứu, không phải mọi chuyện trong lĩnh vực này đều thuận lợi với Trung Quốc. Hiệp hội Năng lượng Hạt nhân Trung Quốc đã cảnh báo, có tình trạng dư thừa nghiêm trọng trong sản xuất linh kiện hạt nhân và "cạnh tranh quá mức" đang khiến giá cả giảm và gây thua lỗ. 

Stephen Ezell, tác giả chính trong nghiên cứu của ITIF, cho rằng, nếu Mỹ nghiêm túc về vấn đề hạt nhân, nước này nên phát triển một chiến lược quốc gia mạnh mẽ, bao gồm đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu - phát triển các công nghệ đầy hứa hẹn cũng như hỗ trợ phát triển lực lượng lao động lành nghề.

"Dù Mỹ đang tụt lại phía sau so với Trung Quốc nhưng chắc chắn Washington có thể bắt kịp về mặt công nghệ", ông Ezell nói.

Bộ Năng lượng Mỹ không bình luận về kết quả nghiên cứu của ITIF.

Trong bối cảnh môi trường địa chính trị quốc tế bất ổn như hiện nay, đặc biệt kể tới cạnh tranh Mỹ-Trung, các cường quốc nên có cách tiếp cận thận trọng và khéo léo hơn, thể hiện trách nhiệm của mình trong quản trị toàn cầu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tâm Hoa - Reuters ([Tên nguồn])
Tin tức Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN