Mỹ đi loạt bước rắn với TQ về Biển Đông ngay đầu 2022
Mỹ đi loạt bước rắn với Trung Quốc về Biển Đông ngay đầu năm 2022 khi cùng lúc công bố báo cáo bác yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông và điều hai nhóm tàu sân bay tới vùng biển này.
Năm 2021 khép lại với sự kiện Tổng thống Mỹ Joe Biden ban hành Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) vào ngày 27-12. Theo đó, Mỹ sẽ chi 770 tỉ USD cho chi tiêu quốc phòng, trong đó dành 7,1 tỉ USD cho chiến lược chống Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Có lẽ đây là bước chuẩn bị cho một năm 2022 đầy căng thẳng giữa hai siêu cường ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mà một trong những trọng tâm là ở Biển Đông.
Chưa đầy nửa tháng đầu của năm 2022, Mỹ đã có những động thái quyết liệt thách thức yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Bác yêu sách “chủ quyền”, “quyền lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông
Hôm 12-1, Cục Đại dương, Môi trường Quốc tế và Các vấn đề khoa học thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố báo cáo “Limits in the Seas” (Giới hạn trên các vùng biển) về vấn đề các yêu sách của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Đầu tiên, báo cáo này bác bỏ cái gọi là “chủ quyền” của Trung Quốc đối với các thực thể trên Biển Đông như bãi Tư Chính, đá Vành Khăn… Theo báo cáo, những thực thể chìm khi thuỷ triều lên này không đáp ứng định nghĩa của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) là các “đảo” và chúng nằm ngoài lãnh hải hợp pháp của Trung Quốc, do đó việc tuyên bố chủ quyền với các thực thể này là trái luật và tập quán quốc tế.
Báo cáo “Limits in the Seas” (Giới hạn trên các vùng biển) của Mỹ.
Thứ hai, việc Trung Quốc vẽ đường cơ sở thẳng bao quanh quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) và dựa vào đường này để tuyên bố chủ quyền với các vùng biển, nhóm đảo xung quanh là trái UNCLOS. Không nhóm đảo nào trong bốn nhóm đảo tại Biển Đông đáp ứng các tiêu chí địa lý để áp dụng vẽ "đường cơ sở thẳng" theo điều 7 UNCLOS. Hơn nữa, cũng không có tập quán quốc tế nào cho phép Trung Quốc vẽ đường cơ sở thẳng cho nhóm đảo.
Thứ ba, yêu sách về các vùng biển như nội thuỷ, lãnh hải,... của Trung Quốc đi ngược lại với luật quốc tế. Do các nhóm đảo ở Trường Sa không được phép vẽ đường cơ sở thẳng nên việc Trung Quốc xác định các vùng biển này cũng trái luật. Trong các vùng biển yêu sách, Trung Quốc cũng ra những tuyên bố về quyền tài phán không phù hợp với luật pháp quốc tế.
Thứ tư, báo cáo khẳng định cái gọi là “quyền lịch sử” của Trung Quốc là trái pháp luật và điều này đã được Toà trọng tài quốc tế (PCA) ở Hà Lan bác bỏ trong phán quyết năm 2016 trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc.
Đưa hai đội tàu sân bay “khủng” tới Biển Đông
Tổ chức Sáng kiến Đo lường Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSSSPI) ở Bắc Kinh cho biết Mỹ đã điều hai nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson lớp Nimitz và tàu sân bay USS Essex lớp Wasp cùng các tàu hộ tống tới Biển Đông vào tối 11-1, tờ South China Morning Post đưa tin.
Tàu sân bay USS Carl Vinson được triển khai ngoài khơi thành phố San Diego, Mỹ. Ảnh: US NAVY
Mặc dù đến thời điểm hiện tại, Hải quân Mỹ vẫn chưa thông báo về kế hoạch liên quan đến hai đội tàu nói trên nhưng SCSSSPI cho rằng hai đội tàu này sẽ phối hợp tập trận cùng nhau.
Theo thông tin từ Hải quân Mỹ, nhóm tấn công của tàu Carl Vinson đã ở vùng biển nằm giữa Philippines, Indonesia và Malaysia vào tuần trước.
Nhóm tấn công tàu Carl Vinson gồm các phi đội máy bay chiến đấu, tàu tuần dương USS Lake Champlain và đội khu trục hạm Destroyer Squadron 1 gồm năm tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường.
Còn nhóm đổ bộ của tàu USS Essex đã qua eo biển Malacca để đi tới địa điểm dự kiến tập trận sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Trung Đông.
Mỹ điều hai đội tàu “khủng” vào Biển Đông diễn ra ngay sau khi hai tàu sân bay Trung Quốc tập trận cùng lúc ở khu vực này. Cụ thể, tàu Sơn Đông diễn tập ở Biển Đông còn tàu Liêu Ninh tập trận ở phía tây Thái Bình Dương.
Nguồn: [Link nguồn]
Bộ Ngoại giao Mỹ công bố báo cáo bác bỏ yêu sách “quyền lịch sử” và "chủ quyền" của Trung Quốc đối với...