Mỹ đảo ngược lệnh cấm bán vũ khí tấn công cho Ả-rập Xê-út
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí tấn công cho Ả-rập Xê-út, đảo ngược chính sách suốt 3 năm qua nhằm ép vương quốc này chấm dứt chiến tranh ở Yemen.
Một chiếc máy bay phản lực Ả-rập Xê-út bay qua Hafar Al-Batin trong cuộc tập trận Abdullah's Sword. (Ảnh: Reuters)
Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận lệnh cấm chuyển giao một số vũ khí không đối đất cho Ả-rập Xê-út đã được dỡ bỏ.
"Chúng tôi sẽ xem xét hoạt động chuyển giao mới trong từng trường hợp cụ thể, phù hợp với chính sách chuyển giao vũ khí thông thường", quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Trong tuần này, chính quyền Tổng thống Biden đã thông báo với Quốc hội về quyết định dỡ bỏ lệnh cấm. Reuters dẫn một nguồn tin cho biết, việc nối lại xuất khẩu có thể diễn ra ngay trong tuần tới.
"Ả-rập Xê-út đã hoàn thành phần việc của họ trong thỏa thuận, và chúng tôi đã chuẩn bị hoàn thành phần việc của mình", một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Biden cho biết.
Theo luật Mỹ, các thỏa thuận vũ khí quốc tế lớn phải được Quốc hội chấp thuận. Nhiều nghị sĩ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa không ủng hộ việc cung cấp vũ khí tấn công cho Ả-rập Xê-út trong những năm gần đây, với lý do chiến dịch quân sự của nước này ở Yemen gây thương vong lớn cho dân thường và vấn đề nhân quyền.
Tuy nhiên, sự phản đối đó dịu đi trong bối cảnh hỗn loạn ở Trung Đông, sau khi Hamas thực hiện cuộc tấn công bất ngờ vào Israel ngày 7/10 năm ngoái và những thay đổi của Ả-rập Xê-út trong chiến dịch ở Yemen.
Từ tháng 3/2022, khi Ả-rập Xê-út và Houthi chấp thuận lệnh ngừng bắn do Liên Hợp Quốc dẫn dắt, hai bên không thực hiện cuộc không kích và tấn công xuyên biên giới nào nữa.
Cuộc chiến Yemen được coi là một trong số nhiều cuộc chiến ủy nhiệm giữa Iran và Ả-rập Xê-út.
Lực lượng Houthi đã lật đổ chính phủ được Ả-rập Xê-út hậu thuẫn ở thủ đô Sanaa vào cuối năm 2014 và tham chiến chống lại liên minh quân sự do Ả-rập Xê-út lãnh đạo kể từ năm 2015. Cuộc xung đột đã giết chết hàng trăm nghìn người và khiến 80% dân số Yemen sống phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo.
Từ năm 2021, Tổng thống Biden theo đuổi lập trường cứng rắn về việc bán vũ khí cho Ả-rập Xê-út, với lý do chiến dịch quân sự của nước này tại Yemen gây thương vong nặng nề cho dân thường.
Sau đó, mối quan hệ giữa Ả-rập Xê-út và Mỹ dần nồng ấm trở lại, khi Washington phải hợp tác nhiều hơn với Riyadh để ứng phó với cuộc xung đột ở Dải Gaza.
Nhóm các quốc gia G7 nhiều khả năng sẽ từ bỏ kế hoạch của Mỹ về việc tịch thu tài sản của ngân hàng trung ương Nga do "đe dọa" từ phía Ả Rập Saudi, Bloomberg ngày 9/7 đưa tin.
Nguồn: [Link nguồn]