Mỹ đã làm gì ở biển Đông thời gian qua?
Chuyên gia Mỹ hệ thống hóa và phân tích các bước đi của Mỹ ở biển Đông trong việc đối đầu với Trung Quốc.
Ảnh: US Navy
Hoạt động khai thác dầu của Malaysia ở biển Đông đồng nghĩa với việc các tàu thuyền của Malaysia, Việt Nam, Trung Quốc, Mỹ và Úc di chuyển trong khoảng cách tương đối gần.
Khi nhóm tàu tấn công viễn chinh của hải quân Mỹ rời đi sau khi lưu lại vài ngày trong khu vực, một số nhà quan sát cho rằng phản ứng của Mỹ là không đủ, và khiến Trung Quốc trở nên bạo gan hơn.
Một vài tuần trôi qua đã cho thấy những nhận định này là hơi vội vã, nhưng cũng nhấn mạnh một điểm yếu cố hữu trong cách tiếp cận của Mỹ đối với an ninh hàng hải ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. Trong khi nhóm tàu tấn công của Mỹ có thể đã rời đi, thì các lực lượng Mỹ khác từ cả hai địa điểm được triển khai ở các vị trí tiền tiêu và từ lục địa nước Mỹ vẫn thể hiện duy trì sự hiện diện lâu dài trên biển Đông với các nền tảng từ tàu chiến mặt nước cỡ nhỏ đến máy bay ném bom chiến lược.
Trong khi đó, sự hiện diện của Trung Quốc vẫn chủ yếu là tĩnh.
“Nhìn chung, Mỹ cho thấy sự tiến bộ trong cách tiếp cận nhưng cũng là cơ hội bị bỏ lỡ trong việc tiếp cận các đối tác Đông Nam Á”, chuyên gia về chính sách quốc phòng Mỹ Blake Herzinger viết trên War on the rocks.
“Khi công ty dầu khí quốc gia Malaysia, Petronas, ký hợp đồng với tàu thăm dò West Capella, Trung Quốc đã đáp trả bằng cách phái tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 cùng một đội tàu bảo vệ bờ biển và tàu bán quân sự tới khu vực”, ông viết tiếp. (Khu vực nơi tàu West Capella đang hoạt động cũng nằm trong “đường chín đoạn” phi lý mà Trung Quốc đưa ra và đã bị quốc tế bác bỏ).
Đáp lại, lực lượng Mỹ duy trì sự hiện diện chung liên tục gần tàu West Capella trong gần một tháng.
Đầu tiên, tàu chiến đấu duyên hải USS Gabrielle Giffords, được triển khai tới Ấn Độ-Thái Bình Dương kể từ tháng 9 năm 2019, đã thực hiện một cuộc tuần tra trong khu vực từ ngày 26-28/4. Vào ngày 29/4, hai máy bay ném bom B-1B Lancer của Không quân Mỹ đã cất cánh từ căn cứ không quân Ellsworth, Nam Dakota và thực hiện một nhiệm vụ kéo dài 32 giờ đưa chúng tới biển Đông.
Hơn một tuần sau, tàu tác chiến duyên hải USS Montgomery và tàu hậu cần USNS Cesar Chavez đã tiến hành một cuộc tuần tra qua khu vực (USS Montgomery là chiếc thứ hai trong số hai tàu chiến đấu duyên hải được triển khai luân phiên tới Singapore.)
Máy bay ném bom B-52 và B-2 trú đóng tại Mỹ đã thực hiện một nhiệm vụ răn đe chiến lược xuyên suốt các khu vực của Bộ Tư lệnh Châu Âu và Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương vào ngày 7/5. Ngày 8/5, hai máy bay ném bom khác được phái đi từ đảo Guam và bay qua biển Đông. Máy bay đã bay vào gần vị trí của tàu West Capella.
Lực lượng tàu ngầm Thái Bình Dương của Mỹ tuyên bố vào ngày 8/5 rằng tất cả các tàu ngầm được triển khai trên tiền tuyến của hạm đội đang tiến hành các hoạt động “đáp trả ngẫu nhiên”. Vì các tàu ngầm, do bản chất hoạt động dưới sâu, không phải là một cơ chế báo hiệu tốt, Hạm đội 7 của Mỹ đã công bố bức ảnh của một trong những tàu ngầm hoạt động trên mặt nước. Bức ảnh này kèm theo thông báo rằng ba tàu ngầm cùng với tàu mặt nước và máy bay đã tiến hành một cuộc tập trận ở biển Philippines vào ngày 9/4.
Ngoài ra Hải quân Mỹ cũng đã tiến hành hai hoạt động tự do hàng hải riêng biệt và hai lượt “quá cảnh” eo biển Đài Loan trong giai đoạn này. Cuối cùng, khi West Capella kết thúc hoạt động, USS Gabrielle Giffords đã thực hiện chuyến đi cuối qua khu vực.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy quy mô hoạt động không thể tưởng tượng của đội tàu Trung Quốc ở biển Đông.
Nguồn: [Link nguồn]