Mỹ còn bao nhiêu tiền để gửi cho Ukraine?
Chính quyền Mỹ còn bao nhiêu tiền dành gửi cho Ukraine trước khi quốc hội duyệt gói ngân sách bổ sung?
Tờ The New York Times dẫn thông báo từ Quốc hội Mỹ ngày 19-12 rằng gói viện trợ bổ sung mà Tổng thống Joe Biden đề xuất cho Ukraine và Israel sẽ không thể được thông qua trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh mà phải chờ đến đầu năm 2024.
Trong đề xuất viện trợ bổ sung, Nhà Trắng đã liên kết yêu cầu viện trợ cho cả Israel và Ukraine. Tuy nhiên đề xuất này vẫn đang kẹt tại Quốc hội do vấp sự phản đối của nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa.
Nhiều quan chức chính phủ Mỹ thừa nhận thực tế sự chú ý đến cuộc chiến ở Ukraine đã giảm đáng kể kể từ khi xung đột Israel - Hamas nổ ra. Các quan chức Mỹ lo ngại rằng sự thay đổi đó có thể khiến việc đảm bảo viện trợ bổ sung cho Ukraine trở nên khó khăn hơn, theo NBC News.
Trước khi cuộc chiến Israel - Hamas bùng phát, nhiều quan chức Nhà Trắng công khai bày tỏ sự tin tưởng rằng khoản viện trợ bổ sung cho Ukraine sẽ được Quốc hội thông qua trước cuối năm nay. Tuy nhiên, thời điểm này nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa cho biết họ sẽ chỉ bỏ phiếu cho gói viện trợ dành riêng cho Israel.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (giữa) đến tòa nhà Quốc hội Mỹ ngày 12-12 để thuyết phục các nghị sĩ Mỹ duy trì viện trợ cho Ukraine. Ảnh: AP
Theo Lầu Năm Góc, chính quyền ông Biden đã chi 43,9 tỉ USD để hỗ trợ an ninh cho Ukraine kể từ khi xung đột bắt đầu vào tháng 2-2022. Một quan chức Mỹ cho biết chính quyền Mỹ còn khoảng 5 tỉ USD để gửi tới Ukraine trước khi hết tiền, theo thông tin NBC News thu thập được.
Việc thiếu tiến triển trên chiến trường Ukraine cũng khiến người dân Mỹ nản lòng trong việc ủng hộ gửi thêm viện trợ. Thăm dò của Gallup công bố tháng 11 cho thấy sự ủng hộ dành cho việc gửi viện trợ bổ sung cho Ukraine ngày càng giảm. 41% người Mỹ cho rằng Mỹ đang làm quá nhiều để giúp đỡ Kiev, sự thay đổi đáng kể so với chỉ ba tháng trước khi 24% người Mỹ cho biết cảm thấy như vậy. 33% người Mỹ cho rằng Mỹ đang làm đúng mức cho Ukraine. 25% cho rằng Mỹ làm chưa đủ.
NBC News hồi tháng 11 dẫn dự đoán một số quan chức phương Tây rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể “chờ đợi phương Tây” ra tín hiệu đàm phán trước hoặc tiếp tục chiến đấu cho đến khi Mỹ và các đồng minh không còn khả năng viện trợ cho Ukraine hoặc việc cung cấp vũ khí và đạn dược cho Kiev trở nên quá tốn kém.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 20/12 nói Washington có chiến lược rõ ràng đối với tương lai của Ukraine, nhưng cảnh báo triển vọng hỗ trợ tài chính đang ngày càng mờ dần.
Nguồn: [Link nguồn]