Mỹ có thể đem quân tới Haiti sau vụ ám sát Tổng thống?
Mỹ có thể đem quân trở lại Haiti sau gần 20 năm, trong bối cảnh vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise có thể khiến quốc gia vùng Caribe trùm trong bạo loạn.
Lính thủy đánh bộ Mỹ tuần tra ở Haiti năm 2004.
Tổng thống Haiti Jovenel Moise bị bắn chết khi những tay súng đột nhập vào dinh thự lúc 1 giờ sáng ngày 7.7. Đệ nhất phu nhân cũng bị thương nặng do trúng đạn và đang được điều trị tại Florida, Mỹ.
Vụ ám sát đã tạo nên cơn địa chấn trên thế giới, tiềm ẩn nguy cơ khiến quốc gia nghèo vùng Caribe chìm trong bạo loạn. Các chuyên gia nêu khả năng quân đội Mỹ có thể can thiệp, theo The Sun.
Fobert Fatton, giáo sư Đại học Virginia, người đã viết nhiều cuốn sách về lịch sử đầy bất ổn của Haiti, nói trên tờ France24: “Tôi cho rằng các cường quốc nước ngoài rất quan ngại về tình hình tại Haiti, trong đó có Mỹ".
"Chúng ta biết rằng trong 20-30 năm trước, Liên Hợp quốc và Mỹ, thậm chí cả Pháp, đã đưa quân tới Haiti vì những bất ổn và hỗn loạn tại quốc gia này", ông Fatton nói thêm. “Nếu mọi chuyện tiếp tục chuyển biến xấu, tôi cho rằng Mỹ sẽ tiếp tục can thiệp”.
Tuy nhiên, ông Fatton nhận định, người Haiti có thể không đồng thuận với khả năng này. Nhiều người cho rằng chính những sự can thiệp của Mỹ và nước ngoài trong quá khứ là nguyên nhân Haiti chìm trong bất ổn không có hồi kết.
Binh sĩ Mỹ tuần tra ở Haiti năm 1994.
"Chúng ta không rõ điều gì sẽ xảy ra, chỉ có thể đoán rằng tình hình sẽ xấu đi do thiếu an ninh, lực lượng cảnh sát thiếu năng lực và sự trỗi dậy của các băng đảng", ông Fatton nói. "Điều này có thể khiến Haiti rơi vào hỗn loạn. Một số người Haiti lo rằng điều này dẫn tới việc quân đội nước ngoài chiếm đóng".
Năm 1994, Mỹ từng can thiệp quân sự vào Haiti để lật đổ chính quyền quân sự trong Chiến dịch Duy trì Dân chủ, sau đó trao quyền kiểm soát cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc. Năm 2004, Mỹ và Pháp lại đem quân tới Haiti để đối phó với một cuộc đảo chính. Liên Hợp Quốc sau đó triển khai chiến dịch gìn giữ hòa bình mới tại Haiti để kiểm soát tình trạng bạo lực tồi tệ tại quốc gia này cho đến khi Haiti hoàn tất cuộc tổng tuyển cử năm 2006.
Tuy nhiên, hòa bình tại Haiti chỉ diễn ra trong thời gian ngắn trước khi quốc gia này hứng chịu thiên tai, dịch bệnh, thiếu lương thực, biểu tình, bạo lực và nạn tham nhũng. Vụ ám sát Tổng thống Moise là sự kiện mới nhất trong chuỗi lịch sử đầy hỗn loạn của Haiti.
Haiti đang chìm trong bất ổn do cái chết của ông Moise tạo nên khoảng trống quyền lực vô cùng lớn.
Claude Joseph, người được ông Moise bổ nhiệm làm thủ tướng tạm quyền vào tháng 4, tự tuyên bố trở thành quyền Tổng thống. Tuy nhiên, Joseph không thể tuyên thệ nhậm chức do quốc hội Haiti đã giải tán và cuộc bầu cử mới chưa diễn ra.
Nguồn: [Link nguồn]
Tổng thống Haiti Jovenel Moise gần đây bị ám sát không phải là nạn nhân duy nhất của bạo lực chính trị kể từ khi quốc...