Mỹ có động thái bất ngờ ở Iraq
Sau những ngày xuất hiện thông tin trái ngược về việc Iraq muốn Mỹ chấm dứt hiện diện quân sự, cả Mỹ và Iraq đã đưa ra câu trả lời vào ngày 25/1.
Binh sĩ Mỹ đứng bên ngoài xe bọc thép tại một căn cứ quân sự ở Iraq năm 2019. Ảnh: AP
Al Jazeera ngày 25/1, chính phủ Mỹ và Iraq tuyên bố 2 nước đã đồng ý bắt đầu các cuộc thảo luận về tương lai của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu ở Iraq, với mục đích đặt ra thời gian biểu cho việc rút quân theo từng giai đoạn và kết thúc liên minh quân sự.
Bộ Ngoại giao Iraq ngày 25/1 tuyên bố, Baghdad hướng tới mục tiêu "xây dựng một thời gian biểu cụ thể và rõ ràng, trong đó chỉ rõ thời gian hiện diện và bắt đầu giảm dần sự hiện diện của các cố vấn liên minh quốc tế tại Iraq", cuối cùng dẫn đến việc kết thúc sứ mệnh của liên minh.
Bộ Ngoại giao Iraq nói thêm, nước này cam kết đảm bảo "sự an toàn của các cố vấn liên minh quốc tế trong suốt thời gian đàm phán ở mọi miền đất nước", "duy trì sự ổn định và ngăn chặn leo thang".
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 25/1 cũng tuyên bố, các cuộc thảo luận giữa Mỹ và Iraq sẽ diễn ra như một phần của kế hoạch đã được thống nhất trước thời điểm xung đột Israel - Hamas nổ ra. Đồng thời, 2 bên sẽ thảo luận về việc "chuyển sang quan hệ đối tác an ninh song phương dâu dài giữa Iraq và Mỹ".
Chính phủ Iraq cho biết, IS đã bị đánh bại và nhiệm vụ của liên minh đã kết thúc, nhưng Iraq mong muốn tìm cách thiết lập quan hệ song phương với các thành viên trong liên minh quân sự quốc tế do Mỹ dẫn đầu, bao gồm cả hợp tác quân sự về huấn luyện và trang bị.
Iraq cũng cho biết, sự hiện diện của liên minh quân sự quốc tế đã trở thành "nam châm" thu hút sự bất ổn, trong bối cảnh các nhóm vũ trang được cho là có liên kết với Iran thường xuyên tấn công vào các căn cứ ở Iraq có lực lượng binh sĩ nước ngoài đồn trú, cũng như các cuộc tấn công trả đũa của Mỹ vào các nhóm vũ trang ở Iraq kể từ khi xung đột leo thang ở Gaza.
Các quan chức Mỹ và Iraq cho biết, quá trình liên minh quân sự quốc tế rút quân khỏi Iraq dự kiến mất nhiều tháng hoặc lâu hơn. Washington lo ngại, việc rút quân nhanh chóng có thể tạo ra lỗ hổng an ninh, dễ dàng để IS hoặc một số nhóm vũ trang trong khu vực khai thác.
Động thái mới của Mỹ ở Iraq được cho là bất ngờ khi ngày 8/1, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố nước này không có kế hoạch rút khoảng 2.500 binh sĩ khỏi Iraq.
Trước đó, Thủ tướng Iraq Mohamed Shia al-Sudani tuyên bố có kế hoạch chấm dứt sự hiện diện của liên minh quân sự quốc tế do Mỹ dẫn đầu tại nước này sau vụ tấn công của quân đội Mỹ nhằm vào Harakat al-Nujaba, nhóm vũ trang đã hợp nhất vào lực lượng vũ trang Iraq.
Mỹ hiện diện quân sự ở Iraq kể từ lần đưa quân tới đây vào năm 2003. Quân Mỹ rút khỏi Iraq năm 2011 nhưng hàng nghìn binh sĩ Mỹ đã trở lại vào năm 2014 để giúp chính phủ Iraq đối phó IS.
Kể từ đó, sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Iraq được ví như "cột thu lôi" thu hút các cuộc tấn công vào Iraq.
Quân đội Mỹ ngày 23/1 đã giáng đòn tập kích các mục tiêu có liên hệ với lực lượng dân quân thân Iran ở Iraq. Đây là đòn đáp trả trực tiếp sau vụ lực lượng Mỹ bị tấn công, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết.
Nguồn: [Link nguồn]