Mỹ có cách dập mộng xây căn cứ quân sự hải ngoại của Trung Quốc

Sự kiện: Tin tức Mỹ

Trung Quốc gần đây tăng tốc tìm kiếm nơi đặt căn cứ quân sự hải ngoại mới để kiểm soát Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhưng Mỹ sẽ không ngồi yên.

Trung Quốc (TQ) đang tăng tốc nỗ lực tìm kiếm các địa điểm tiềm năng xung quanh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để xây dựng căn cứ quân sự mới, tiến tới mục tiêu thiết lập sự hiện diện quân sự thường trực và kiểm soát hiệu quả khu vực này. Đây là lời cảnh báo của cựu quan chức ngoại giao Mỹ Craig Singleton và từng là chuyên gia về an ninh quốc gia Mỹ trong bài viết mới đây cho tạp chí Foreign Policy.

Việc TQ tìm cách xây dựng căn cứ hải ngoại hiện nay có nhiều điểm tương đồng với những gì mà Bắc Kinh từng thực hiện để mở căn cứ quân sự ở hải ngoại đầu tiên (và duy nhất cho đến thời điểm hiện tại) vào năm 2017 ở Djibouti. TQ đã tìm cách lôi kéo sự ủng hộ của giới lãnh đạo cấp cao với việc “mời chào” các khoản đầu tư chiến lược và cho vay ưu đãi để có được sự chấp thuận của nước chủ nhà.

Cựu quan chức ngoại giao Mỹ CRAIG SINGLETON 

Tham vọng mở rộng căn cứ hải ngoại của Trung Quốc

Theo ông Singleton, một số quốc gia và vùng lãnh thổ chiến lược đáng chú ý đang được TQ nhắm tới cho ý đồ đặt căn cứ quân sự có thể kể đến là Tanzania, Kiribati, Pakistan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Myanmar và Campuchia.

Đối với UAE, tờ The Wall Street Journal hồi cuối tháng 5 dẫn nguồn tình báo Mỹ tiết lộ TQ cho cử hai máy bay vận tải quân sự bí mật đáp xuống một sân bay ở thủ đô Abu Dhabi. Dù UAE lâu nay thường được đánh giá là một trong những đối tác thân cận của Mỹ ở khu vực Trung Đông, song nước này thời gian gần đây cũng liên tục nhích lại gần hơn với TQ. Năm 2020, Đại sứ TQ tại UAE - ông Ni Jian từng cho biết TQ 10 năm qua “đã gửi 31 hạm đội, 100 tàu hải quân cùng 26.000 sĩ quan” tới các vùng biển xung quanh UAE để chống lại nạn cướp biển và ứng cứu nhân đạo.

Tại Campuchia, giới quan sát phương Tây ngày càng lo ngại về kịch bản sự hiện diện quân sự TQ sẽ gia tăng ở nước này, dù chính quyền Phnom Penh đến nay vẫn liên tục bác bỏ các luận điệu như vậy. Tuy nhiên, hãng tin Reuters ngày 2-6 dẫn nguồn truyền thông Campuchia cho hay Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia - ông Tea Banh bất ngờ lên tiếng cám ơn TQ hỗ trợ, giúp đỡ nâng cấp căn cứ hải quân Ream nằm hướng ra khu vực nam Biển Đông. Ông còn nhấn mạnh rằng Phnom Penh rất cảm kích sự giúp đỡ vô điều kiện của TQ. Đáng chú ý, trước đó Campuchia bác tin Bắc Kinh sẽ tham gia hoạt động nâng cấp.

Binh sĩ Trung Quốc đứng gác tại một hải cảng quân sự ở TP Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông hồi tháng 9-2018. Ảnh: AP

Binh sĩ Trung Quốc đứng gác tại một hải cảng quân sự ở TP Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông hồi tháng 9-2018. Ảnh: AP

Trong khi đó, hồi tháng 10-2020, giới chức Campuchia từng xác nhận nước này đã san phẳng một cơ sở nhỏ do Mỹ xây dựng tại căn cứ hải quân Ream - vốn là một phần trong kế hoạch nâng cấp căn cứ này. Theo hình ảnh vệ tinh do tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI, Mỹ) cung cấp, vị trí từng là cơ sở Mỹ xây dựng hiện xuất hiện hai tòa nhà mới mà nhiều khả năng là nằm trong chương trình hỗ trợ của TQ.

Một trường hợp đáng quan ngại khác là Kiribati - một quốc đảo ở khu vực trung tâm Thái Bình Dương. Dù chỉ là một nước nhỏ với dân số khoảng 120.000 người, song Kiribati lại ở giữa Thái Bình Dương với lãnh thổ trải dài trên bốn bán cầu và chỉ cách đảo Guam (nơi đặt căn cứ hải quân chiến lược của Mỹ) chưa đầy 3.000 km về phía tây nam.

Thực tế, Kiribati từng có thời gian là một căn cứ quân sự và hậu cần của Mỹ trong giai đoạn Thế chiến II và đến nay vẫn còn giữ lại hệ thống đường bay quân sự do Mỹ xây dựng. Hiện TQ đã đàm phán thành công với chính quyền sở tại để được phép hiện đại hóa đường băng trên, cũng như xây dựng thêm một cây cầu ở Kiribati. Một khi kiểm soát được, Kiribati sẽ giống như “một tàu sân bay trên cạn” và có thể giúp TQ mở rộng tầm quan sát ra toàn bộ Thái Bình Dương, cũng như có thể tấn công phủ đầu Guam dễ dàng trong trường hợp nổ ra xung đột vũ trang mà không cần lo lắng về vấn đề tiếp vận từ đất liền.

Mỹ sẽ phản ứng thế nào?

Theo ông Singleton, Washington dĩ nhiên sẽ không để yên cho Bắc Kinh muốn làm gì thì làm. Hiện Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ đang theo dõi chặt các bước đi của TQ. Để cản được tham vọng xây dựng căn cứ quân sự hải ngoại của TQ, thành công chủ yếu nằm ở việc tác động được đến các chính phủ sở tại và ngăn các nước này chấp nhận đàm phán đặt căn cứ của Bắc Kinh. Về mặt này, Mỹ vẫn có nhiều lợi thế, nhất là khi phần lớn các dự án đặt căn cứ của TQ vẫn chưa chính thức được thực hiện.

“Lầu Năm Góc có các mối quan hệ sâu sắc, cả trong quá khứ cũng như hiện tại, với các nhà lãnh đạo của những nước mà TQ muốn đặt căn cứ, ví dụ Kiribati và UAE. Những nước này đều nằm ở những khu vực cực kỳ bất ổn, bị ảnh hưởng từ nhiều tác nhân bên ngoài. Do đó, với các nước này, việc thiết lập quan hệ đối tác với quốc gia có quân đội mạnh nhất thế giới sẽ có lợi hơn là hợp tác với TQ” - ông Singleton nhận định.

Lịch sử cũng đóng một vai trò đáng kể. Ví dụ, Kiribati là nơi diễn ra trận Tarawa - một trong những trận chiến đẫm máu nhất của quân đội Mỹ trong Thế chiến II với hàng ngàn binh sĩ thiệt mạng để giải phóng quốc đảo này khỏi đế quốc Nhật. Trận chiến này vẫn được người dân Kiribati xem là minh chứng rõ ràng của việc Mỹ sẵn sàng hy sinh để duy trì hòa bình ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ngoài ra, nhận thức được ý đồ xây dựng quân sự của TQ thường được thực hiện dưới chiêu bài “phát triển thương mại”, Mỹ có thể lập kế hoạch để các nước sở tại tự “lật tẩy” ý đồ của TQ. Mỹ có thể tài trợ cho các cuộc kiểm toán độc lập và đánh giá pháp lý về các thỏa thuận thương mại mà TQ đề xuất. Mỹ cũng có thể làm việc với chính quyền các nước sở tại để đưa vào các thỏa thuận mà các nước này ký với TQ các điều khoản cụ thể như cấm cập cảng, hạ cánh, hay triển khai bất kỳ tài sản mang tính quân sự nào tại các địa điểm thỏa thuận hợp tác với TQ.

“Cuối cùng, cũng không cần phải thấy áp lực trong trường hợp TQ thành công tìm được địa điểm xây dựng căn cứ quân sự hải ngoại mới. Quân đội Mỹ lâu nay là bên duy nhất đủ khả năng và nguồn lực để thực hiện một loạt biện pháp cả công khai và bí mật để đảm bảo những căn cứ này và các căn cứ khác không bao giờ được động thổ khởi công, chứ đừng nói tới việc đi vào hoạt động chính thức” - chuyên gia Singleton kết luận. 

Trung Quốc nói gì chuyện Mỹ có phát ngôn rắn về Biển Đông?

Tờ Thời báo Hoàn Cầu đưa tin Bộ Ngoại giao TQ ngày 12-7 đã chỉ trích Mỹ “cố tình khuấy động tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và quyền hàng hải ở Biển Đông”. Tuyên bố này nhằm đáp trả phát ngôn của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken một ngày trước rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden ủng hộ lập trường của chính quyền người tiền nhiệm Donald Trump, bác bỏ gần như tất cả yêu sách hàng hải phi lý của TQ tại Biển Đông.

“Từ đầu năm đến nay, Mỹ đã tiến hành trinh sát TQ trên không và trên biển gần 2.000 lần, đồng thời tiến hành hơn 20 cuộc tập trận quân sự quy mô lớn trên biển. Mỹ cũng lạm dụng các thỏa thuận quân sự song phương với tâm lý chiến tranh lạnh để đe dọa sử dụng vũ lực chống lại TQ” - phát ngôn viên Triệu Lập Kiên tuyên bố.

Phát ngôn nói trên được đưa ra trong bối cảnh Philippines vừa kỷ niệm năm năm ngày Tòa Trọng tài thường trực ra phán quyết bác bỏ yêu sách quyền lịch sử đường chín đoạn (đường lưỡi bò) phi pháp của TQ ở Biển Đông.

Nguồn: [Link nguồn]

Chuyên gia Mỹ ”tiên tri”: Đưa quân vào Afghanistan, Trung Quốc sẽ thất bại

Trung Quốc có thể thay thế Hoa Kỳ ở Afghanistan, đưa quân đến đó, nhưng cũng sẽ bị đánh bại như người Mỹ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨ CƯỜNG ([Tên nguồn])
Tin tức Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN