Mỹ chuyển “hàng nóng” gây tranh cãi cho Ukraine
Truyền thông Mỹ hôm 22-9 dẫn lời nhiều quan chức thạo tin rằng Mỹ dự kiến cung cấp một số lượng nhỏ tên lửa đất đối đất ATACMS tầm xa cho Ukraine.
Cam kết này được cho là do Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra trong cuộc gặp với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky một ngày trước đó.
Các quan chức không tiết lộ khi nào thông báo về gói viện trợ tên lửa ATACMS sẽ được công bố hoặc khi nào tên lửa sẽ được chuyển tới Ukraine mà chỉ mô tả "số lượng nhỏ sẽ được chuyển giao".
Cam kết này được cho là do Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra trong cuộc gặp với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Reuters
Theo đài RT, tên lửa ATACMS có tầm bắn hơn 300 km sẽ giúp tăng cường khả năng tấn công tầm xa của Ukraine hơn nữa.
Kiev đã nhiều lần yêu cầu Washington cung cấp loại vũ khí này. Trong khi đó, quan điểm của chính quyền Tổng thống Joe Biden về vấn đề này dường như đã thay đổi trong vài tháng qua từ thẳng thừng từ chối sang cân nhắc.
Hiện chưa rõ liệu Washington có cung cấp thêm bệ phóng cho Kiev để bắn tên lửa ATACMS hay không. Nếu không, các tên lửa ATACMS sẽ được phóng ra từ bệ phóng tên lửa đa nòng HIMARS và các hệ thống khác cùng dòng, từng được Washington và các đồng minh NATO khác cung cấp cho Kiev.
Một số nguồn tin nói với tờ Washington Post rằng các tên lửa này dự kiến có đầu đạn chùm gây tranh cãi, trong đó chứa hàng chục quả bom nhỏ hơn.
Tên lửa ATACMS có tầm bắn hơn 300 km. Ảnh: Reuters
Đầu năm nay, Mỹ đã đồng ý cung cấp cho Kiev các loại đạn pháo cỡ nòng 155 mm tiêu chuẩn NATO, thừa nhận đây là "biện pháp tạm thời" để bù đắp cho sự thiếu hụt đạn dược thông thường.
Gói viện trợ quân sự này đã bị chỉ trích gay gắt, thậm chí từ các đồng minh thân cận nhất của Mỹ, do tính chất gây tranh cãi của những loại đạn như vậy.
Trong diễn biến khác, tờ Sky News đưa tin Ukraine đã sử dụng tên lửa Storm Shadow do Anh cung cấp để tấn công căn cứ hải quân Nga ở Crimea hôm 22-9.
Các tên lửa hành trình này - do Anh và Pháp phát triển - đã được London và Paris chuyển giao cho Ukraine vào đầu năm nay. Loại vũ khí này, được biết đến ở Pháp với tên gọi SCALP-EG, có thể bay xa hơn 241 km.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, trụ sở Hạm đội Biển Đen ở Sevastopol đã bị hư hại, trong khi 5 tên lửa không xác định bị phá hủy giữa không trung.
Truyền thông Anh trước đó đưa tin tên lửa Storm Shadow cũng được sử dụng trong vụ tấn công vào xưởng đóng tàu ở Crimea hôm 13-9, khiến hai tàu hải quân Nga bị hư hại.
Kiev đã nhiều lần kêu gọi các nước phương Tây cung cấp vũ khí tầm xa tiên tiến hơn khi cho rằng chúng sẽ là công cụ để giành thế thượng phong trong cuộc xung đột với Nga.
Trong khi đó, các quan chức Nga cũng nhấn mạnh rằng viện trợ nước ngoài sẽ không làm thay đổi cục diện cuộc xung đột và quân đội Nga sẽ sử dụng biện pháp đối phó hiệu quả chống lại bất kỳ hệ thống vũ khí nào.
Nguồn: [Link nguồn]
Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố đạt được thỏa thuận quan trọng sau khi kết thúc chuyến thăm Mỹ.