Mỹ chuẩn bị "chiến tranh lớn" với Nga?

Các nhà hoạch định quân sự Mỹ tập trung vào Nga và khu vực Thái Bình Dương như là những điểm nóng xung đột trong tương lai

Nga đẩy mạnh hoạt động tàu ngầm đáng kể xung quanh khu vực các đường cáp ngầm ở Bắc Đại Tây Dương, một phần trong chiến lược về hải quân quyết đoán hơn, thôi thúc NATO phục hồi sở chỉ huy thời Chiến tranh lạnh.

Đối phó tàu ngầm Nga

Báo The Washington Post hôm 23-12 cho biết giới chức quân sự Mỹ khẳng định hoạt động tàu ngầm Nga gia tăng ở mức chưa từng thấy kể từ thời Chiến tranh lạnh, châm ngòi các vụ săn đuổi nhiều tháng nay. "Nga rõ ràng đang quan tâm đến NATO và cơ sở hạ tầng ngầm của các nước thuộc khối này" - Đô đốc Hải quân Mỹ Andrew Lennon, tư lệnh lực lượng tàu ngầm NATO, nhấn mạnh.

Từ đó, NATO đã đưa ra các kế hoạch tái lập một sở chỉ huy - đã đóng cửa sau khi chấm dứt Chiến tranh lạnh - để giúp bảo đảm an toàn cho khu vực Bắc Đại Tây Dương. Các đồng minh NATO cũng dốc sức tăng cường năng lực tác chiến đối ngầm và phát triển các máy bay dò tàu ngầm tối tân.

Trước đó, Tư lệnh Không quân Anh Stuart Peach hôm 15-12 lên tiếng khuyến cáo Nga có thể gây nguy hiểm cho các đường cáp tạo thành xương sống của nền kinh tế toàn cầu hiện đại. Theo đó, một sự gián đoạn hệ thống cáp này có thể cắt đứt 97% thông tin trao đổi toàn cầu, cùng khoảng 10.000 tỉ USD giao dịch tài chính được chuyển qua con đường đó mỗi ngày.

Vấn đề này từng được các quan chức phương Tây nêu ra trước đây nhưng lần này, thông điệp kêu gọi NATO bảo vệ đường cáp ngầm được nêu lên một cách cấp bách hơn. Cảnh báo này diễn ra trong bối cảnh Điện Kremlin gia tăng sức ép lên NATO trên không lẫn đất liền. Máy bay Nga thường xuyên tiến vào không phận NATO ở khu vực Baltic, binh sĩ Nga từng tập trận gần lãnh thổ NATO hồi tháng 9 năm nay.

Nga đã bắt tay hiện đại hóa đội tàu ngầm thời Liên Xô của mình, đại tu 13 chiếc kể từ năm 2014. Hiện Nga có khoảng 60 tàu ngầm trong khi Mỹ có 66. Ngoài ra, Đô đốc Lennon thừa nhận Nga còn có các con tàu nghiên cứu biển sâu, bao gồm một tàu ngầm đạn đạo chở theo các tàu ngầm nhỏ hơn. "Chúng có thể nghiên cứu đại dương, thu thập thông tin tình báo dưới nước" - ông khẳng định.

Mỹ chuẩn bị "chiến tranh lớn" với Nga? - 1

Tàu ngầm hạt nhân Orel thuộc Đề án 949А Antei của NgaẢnh: PODLODKA

Nga "can thiệp nội bộ" nhiều nước?

Tướng Robert Neller, Tư lệnh Lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ, tuyên bố "có một cuộc chiến tranh lớn đang đến gần" khi ông đến thăm khoảng 300 binh sĩ Mỹ đồn trú tại Na Uy hôm 22-12. Trang Military.com cho biết ông Neller nhấn mạnh rằng các nhà hoạch định quân sự Mỹ tập trung vào Nga và khu vực Thái Bình Dương như là những điểm nóng xung đột trong tương lai.

Theo The Washington Post, với vai trò là tướng cấp cao của Thủy quân lục chiến Mỹ, ông Neller là thành viên Hội đồng tham mưu trưởng - đội lãnh đạo cao cấp nhất của Lầu Năm Góc, chịu trách nhiệm cho các kế hoạch quan trọng. Vì vậy, những chia sẻ của ông về một cuộc chiến sắp xảy đến không khỏi gây chú ý mạnh mẽ. Song, người phát ngôn của vị tướng này chưa đưa ra bất cứ bình luận nào.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump hôm 18-12 cũng đã thẳng thừng cáo buộc Nga can thiệp vào các vấn đề nội bộ chính trị của nhiều quốc gia. Sự chỉ trích Nga - được nêu trong chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ dựa trên quan điểm "Nước Mỹ trước hết" - phản ánh lập trường lâu đời của các nhà ngoại giao Mỹ, rằng Nga tích cực hủy hoại quyền lợi của Mỹ ở trong nước và nước ngoài, bất chấp nỗ lực của Tổng thống Donald Trump muốn xây dựng mối quan hệ nồng ấm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tuy nhiên, tại đại hội lần thứ 17 của Đảng Nước Nga thống nhất cầm quyền hôm 23-12, ông Putin nói rõ Moscow sẽ tiếp tục theo đuổi một chính sách đối ngoại trung thực và cởi mở. "Chúng ta sẵn sàng hợp tác với tất cả các nước ở phương Tây và phương Đông, dựa trên nguyên tắc tin cậy và bình đẳng" - ông chủ Điện Kremlin nhấn mạnh.

Tổng thống Putin cho biết Nga sẽ làm việc với các đối tác nhằm củng cố Liên minh Kinh tế Á - Âu (EEU) và xây dựng mối quan hệ đối tác Á - Âu vĩ đại. Đảng cầm quyền của Nga cũng cam kết sẽ hỗ trợ ông Putin hết mức có thể để chiến thắng chung cuộc trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 3-2018. 

Ý đồ thực sự

Theo nhà phân tích chính trị Andrew Korybko, thành viên hội đồng chuyên gia của Viện Nghiên cứu Chiến lược - Dự báo tại ĐH Hữu nghị Nhân dân Nga, chiến dịch truyền thông mới khơi lại về "mối đe dọa Nga" đối với hệ thống cáp ngầm dưới biển của thế giới thực ra là vỏ bọc để Mỹ và NATO gia tăng hiện diện hải quân dọc duyên hải khu vực Phi - Á - Âu, nhằm giám sát các tuyến thương mại hàng hải "Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI" của Trung Quốc.

Chuyên gia Korybko chỉ rõ kết hợp với sự dè chừng từ lâu của phương Tây về Nga, không khó để truyền thông khoét sâu mối lo ngại rằng Tổng thống Putin bất cứ lúc nào cũng có thể lệnh cho tàu ngầm nước này... cắt cáp, đẩy nền văn minh nhân loại vào hỗn loạn và đảo lộn hoàn toàn cuộc sống thường nhật của hàng tỉ người. Nga đang bị mô tả lệch lạc như một mối đe dọa thường trực, qua đó lý giải và hợp thức hóa việc Mỹ cùng NATO gia tăng triển khai lực lượng hải quân ở khắp thế giới nhằm bảo vệ hơn 877.000 km cáp nằm dưới đáy đại dương.

Không phủ nhận rằng cái cớ này thuận tiện, ít tốn kém và giàu sức thuyết phục song ông Korybko khẳng định không lực lượng nào có thể bảo đảm an ninh hoàn toàn cho mạng lưới cáp dài gấp gần 22 lần chu vi trái đất. Từ đó, vị chuyên gia Nga chỉ rõ cái đích thực sự cho nước cờ này của Mỹ là Trung Quốc chứ không phải Nga. Tầm nhìn toàn cầu của sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc (OBOR) về Con đường Tơ lụa mới bao gồm một tuyến hàng hải tập trung ở khu vực châu Phi - Ấn Độ Dương. Trong khi đó, việc gia tăng hiện diện hải quân ở đây là một trục cơ bản trong chiến lược lớn của Mỹ trong thế kỷ XXI, với mục tiêu rõ ràng là giám sát tuyến hàng hải con đường tơ lụa biển của Trung Quốc và sẵn sàng các vị trí cho phép làm gián đoạn, kiểm soát hoặc tác động lên tuyến đường biển này trong tương lai.

Thu Hằng

Tướng Mỹ bất ngờ kêu gọi chuẩn bị chiến tranh lớn với Nga

Tư lệnh Hải quân Mỹ nói trước khoảng 300 binh lính thủy quân lục chiến Mỹ tại Na Uy hồi tuần rồi rằng họ nên chuẩn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lục San (Người lao động)
Quan hệ Nga - Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN