Mỹ cho Ukraine bắn tên lửa sâu cỡ nào vào đất Nga?
Quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell xác nhận Mỹ sẽ cho phép Ukraine sử dụng tên lửa Mỹ tập kích các mục tiêu trong phạm vi 300km trong lãnh thổ Nga.
KyivIndependent dẫn lời quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của EU, ông Josep Borrell, tại cuộc họp cấp ngoại trưởng EU ngày 18/11 chính thức xác nhận việc Mỹ cấp phép cho Ukraine sử dụng tên lửa do Washington cung cấp để tấn công các mục tiêu quân sự nằm sâu trên lãnh thổ Nga.
Tên lửa ATACMS tầm bắn 300km được khai hỏa từ bệ phóng mặt đất. Ảnh: New York Times
"Chính quyền của Tổng thống Biden cho phép (Ukraine) sử dụng vũ khí của mình trong phạm vi 300 km bên trong lãnh thổ Nga", ông Borrell tuyên bố. "Chính quyền Mỹ đã từ chối làm vậy trong một thời gian dài và cuối cùng họ lại đồng ý".
Theo quan chức EU, khoảng cách 300km "không quá xa" và tên lửa sẽ không đi sâu vào lãnh thổ Nga. "Đây là động thái hợp lý, không chỉ để ngăn chặn mũi tên bắn đi mà còn nhằm vào cả cung thủ ở phía sau", ông Borrel ẩn dụ, đề cập đến các vị trí quân sự nằm phía sau tiền tuyến của Nga.
Về phía châu Âu, ông Borrell nêu rõ, quyết định cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa thế nào sẽ do mỗi nước tự cân nhắc. Pháp và Anh đã cung cấp tên lửa tầm xa Storm Shadow/SCALP cho Ukraine, song chưa chính thức cho phép Ukraine dùng chúng để tập kích mục tiêu trong lãnh thổ Nga.
Bình luận của ông Borrell được đưa ra sau khi truyền thông Mỹ dẫn lời các quan chức nước này ngày 17/11 cho biết Tổng thống Joe Biden đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do Mỹ chuyển giao để tập kích mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga, tức chỉ 2 tháng trước khi ông mãn nhiệm.
Một số hãng tin sau đó nói rằng, Washington có thể đã giới hạn các mục tiêu mà Ukraine được tập kích chỉ ở bang Kursk của Nga. Cuộc tấn công đầu tiên có thể diễn ra trong những ngày tới, sử dụng tên lửa đạn đạo ATACMS với tầm bắn tối đa 300 km.
Cùng ngày, Điện Kremlin cảnh báo Mỹ sẽ tiếp tục thổi bùng căng thẳng nếu cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa tập kích mục tiêu trong lãnh thổ Nga. "Rõ ràng chính quyền sắp mãn nhiệm ở Washington có ý định thêm dầu vào lửa", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov chỉ trích.
Hồi tháng 9, Tổng thống Vladimir Putin nói việc phương Tây cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa để tập kích Nga đồng nghĩa Mỹ và các nước NATO trực tiếp tham chiến ở Ukraine. Ông cảnh báo động thái này sẽ thay đổi bản chất cuộc xung đột và buộc Nga phải có biện pháp đối phó thích hợp.
Người dân địa phương ở vùng Odesa hôm 17/11 quay được cảnh các tên lửa hành trình tầm xa Kalibr của Nga bay trên bầu trời Ukraine trước khi tập kích...
Nguồn: [Link nguồn]