Mỹ cho phép Ukraine dùng tên lửa tầm xa: Vì sao Tổng thống Putin chưa lên tiếng?
Phía Nga chỉ trích quyết định của Mỹ cho phép Ukraine dùng tên lửa tầm xa, song Tổng thống Vladimir Putin hiện vẫn im lặng
“Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden (…) đã đưa ra một trong những quyết định khiêu khích, thiếu tính toán nhất trong nhiệm kỳ, có nguy cơ gây ra hậu quả thảm khốc". Tờ Rossiyskaya Gazeta viết như vậy hôm 18-11, nhắc tới việc Nhà Trắng cho phép Ukraine dùng tên lửa tầm xa tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga.
Leonid Slutsky - đại biểu Quốc hội Nga, người đứng đầu Đảng Dân chủ Tự do ủng hộ Điện Kremlin - cho rằng động thái này “chắc chắn sẽ gây leo thang nghiêm trọng" và lo ngại "hậu quả khủng khiếp”.
Tuy tức giận nhưng nhiều người ủng hộ Nga lại không ngạc nhiên trước quyết định nêu trên. Tờ Komsomolskaya Pravda gọi đây là "sự leo thang có thể dự đoán được".
Đài BBC nhận định quan trọng nhất vẫn là cách Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu và phản ứng thế nào. Song, đến nay ông vẫn im lặng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TASS
Hôm 18-11, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhận định nếu thông tin được xác nhận, “điều này sẽ dẫn tới một vòng xoáy căng thẳng và là bước tiến mới liên quan sự can dự của Mỹ vào cuộc xung đột”.
“Rõ ràng chính quyền sắp mãn nhiệm của Mỹ có ý định đổ thêm dầu vào lửa và tiếp tục thổi bùng căng thẳng” - người phát ngôn Điện Kremlin nhìn nhận.
Dù ông Putin chưa lên tiếng về vụ việc mới nhất, những tháng gần đây, Điện Kremlin đã nhiều lần gửi thông điệp rõ ràng: Không được dỡ bỏ các hạn chế sử dụng vũ khí tầm xa, không được để Kiev tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bằng những tên lửa này.
Ngày 12-9, ông Putin đã cảnh báo nếu phương Tây chấp thuận cho Ukraine dùng vũ khí tầm xa, đồng nghĩa “các nước NATO, Mỹ và các nước châu Âu tham gia trực tiếp vào xung đột ở Ukraine”.
Ngày 19-11, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh phê duyệt bản cập nhật học thuyết hạt nhân của Nga, nêu rõ các điều kiện tiên quyết mà Moscow có thể sử dụng vũ khí hạt nhân.
Trước đó, hồi tháng 6, khi được hỏi Moscow sẽ phản ứng thế nào nếu Ukraine được tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga bằng vũ khí do châu Âu cung cấp, Tổng thống Putin trả lời: "Đầu tiên, chúng tôi sẽ cải thiện hệ thống phòng không. Chúng tôi sẽ phá hủy tên lửa của họ".
"Nếu bên nào đó gửi vũ khí tới khu vực chiến sự, tấn công lãnh thổ của chúng tôi và gây ra vấn đề, sẽ ra sao nếu chúng tôi cũng gửi vũ khí cùng loại tới những nơi trên khắp thế giới, cũng nhắm vào các cơ sở nhạy cảm của các quốc gia đang làm điều này với Nga?" - Tổng thống Putin đặt vấn đề.
Nói cách khác, Moscow có thể cân nhắc trang bị vũ khí cho đối thủ của các quốc gia phương Tây để họ tấn công các mục tiêu tại nước ngoài. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, đồng minh thân cận của Nga, cũng ngầm ám chỉ Điện Kremlin có suy nghĩ theo hướng này.
Trong khi đó, một số phương tiện truyền thông Nga không lo ngại trước những diễn biến mới. “Lực lượng vũ trang Nga từng đánh chặn tên lửa ATACMS trong các đợt tấn công vào bờ biển Crimea" - một chuyên gia quân sự nói với tờ Izvestia.
Izvestia cho rằng Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể “lật ngược” quyết định của người tiền nhiệm.
Hai tháng nữa, Tổng thống Joe Biden sẽ rời nhiệm sở và ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng. Điện Kremlin cho rằng ông Trump cẩn trọng hơn tổng thống đương nhiệm trong vấn đề viện trợ quân sự cho Ukraine. Đây có thể một trong những yếu tố mà Điện Kremlin xem xét khi đáp trả động thái mới nhất từ Mỹ.
Có nhiều lý do chiến lược và chính trị có thể dẫn đến việc ông Trump và các quan chức được ông lựa chọn vào nội các mới vẫn chưa chính thức lên tiếng...
Nguồn: [Link nguồn]