Mỹ chỉ mất 11 phút để hủy diệt hoàn toàn 5 căn cứ quân sự lớn của Libya
Chỉ mất 11 phút để Mỹ gần như "san phẳng" Libya bằng phương thức tác chiến hiện đại trong chiến dịch "Hẻm núi Dorado". Chiến dịch của Mỹ đã mở ra "cuộc cách mạng quân sự" của thế giới về tác chiến điện tử.
Chỉ mất 11 phút để Mỹ "san phẳng" Libya bằng phương thức không kích hiện đại. Nguồn: Sohu.
Theo Sohu ngày 4/12, trước Chiến tranh vùng Vịnh, tháng 4/1986 Mỹ đã tiến hành một chiến dịch phối hợp Hải quân và Không quân tấn công “chớp nhoáng” ở Libya, mang tên là “hẻm núi Dorado”, với lý do tấn công các lực lượng vũ trang bất hợp pháp. Đây được coi là cuộc chiến đấu không kích hiện đại đầu tiên trên thế giới. Đáng chú ý, trong chiến dịch chớp nhoáng này, Mỹ đã tiêu diệt 5 căn cứ quân sự lớn nhất của đối phương chỉ trong 11 phút và khiến Libya bị tổn thất nặng nề.
Kể từ khi Gaddafi trở thành lãnh đạo cao nhất của Libya, ông đã mạnh mẽ ủng hộ chính sách “chống Mỹ thân Liên Xô”, điều này làm quan hệ Libya – Mỹ ngày càng xấu đi. Sau khi Mỹ tiến hành hành động “ngọn lửa thảo nguyên” đồng thời đánh chìm 5 tàu hộ vệ tên lửa của Libya và hủy diệt nhiều trạm radar dẫn đường, phía Libya đã tiến hành nhiều vụ đánh bom tự sát ở lãnh thổ Mỹ để trả đũa. Đặc biệt Tổng thống Mỹ khi đó Ronald Reagan cáo buộc Libya chịu trách nhiệm trực tiếp vào hành động khủng bố đánh bom sàn nhảy La Belle làm hơn 200 người bị thương, trong đó 63 quân nhân Mỹ là nạn nhân trong vụ đánh bom.
Các cuộc tấn công được cho là của Libya đã làm Mỹ “tức giận” và Washington nhanh chóng đưa ra kế hoạch tác chiến không kích “hẻm núi Dorado”. Trong quá trình thực hiện kế hoạch, Hải quân và Không quân Mỹ đã sử dụng máy bay tác chiến điện tử làm quân tiên phong, tiến hành chế áp hệ thống phòng không của Libya và đã làm tê liệt hoàn toàn hệ thống phòng không, radar của nước này.
Máy bay ném bom chiến đấu F-111 của Mỹ. Nguồn: Sohu.
Khi đó hệ thống radar cảnh giới và dẫn đường của Libya, chủ yếu sử dụng các khí tài của Liên Xô và được coi là tiên tiến lúc bấy giờ, như các đài radar P-14, P-35, P-37, P-18, ngoài ra còn các đài P-12, P-40, P-19, P-15, đài đo cao PRV-11, PRV-13, PRV-16… Các cơ sở radar bố trí sẵn của Libya đã tạo ra vùng phủ sóng liên tục, bao quát, giám sát độ cao thấp từ 300 đến 500m trở lên, dọc theo bờ biển Địa Trung Hải, và gần thành phố Tripoli và Tobruk. Trên biển có một giới hạn quan sát thấp dưới 100m dựa trên công nghệ của Liên Xô, kết hợp hệ thống tự động thu thập và hiển thị thông tin.
Về hỏa lực phòng không, Libya sở hữu các bệ phóng S-75MZ, C-125M1A, C-200VE, OSA-AK của Liên Xô và xuất xứ từ Pháp như Crotal. Quân đội Libya có không dưới 4 đại đội (24 bệ phóng) S-200А Angara 132, bệ phóng S-125 Pechora. Ngoài ra, Libya có một số lượng lớn các tên lửa vác vai như Strela-2 và pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 Shilka và pháo cao xạ ZU-23-2. Trọng tâm của nhóm phòng không gần Benghazi tập trung ở phía Tây Bắc. Các bộ phận tập trung quan sát, phát hiện theo dõi máy bay tiếp cận từ hướng biển.
Máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không E-2C của Hải quân Mỹ. Nguồn: Sohu.
Sau khi hoàn toàn chế áp hệ thống phòng không, radar của Libya, 66 máy bay các loại của Mỹ đã lao vào vùng trời thủ đô Tripoli và thành phố Benghazi của Libya, tiến hành cuộc tập kích đường không quy mô lớn. Khu nhà ở của nhà lãnh đạo Libya là Đại tá Muamar Gaddafi và nhiều địa điểm trở thành mục tiêu trực tiếp bị máy bay Mỹ tấn công trong vụ đột kích.
Tên lửa của Mỹ đã phóng xuống Bin Ashur, vùng ngoại ô có mật độ dân cư dày đặc của Tripoli. Khu sứ quán nước ngoài và vùng dân cư ở thành phố Tripoli cũng chịu thiệt hại nặng nề. Mục tiêu của máy bay Mỹ còn là học viện hải quân, sân bay quân sự Tripoli, các doanh trại quân đội ở Aziziyah, căn cứ quân sự Side Bilal và các cơ sở ở Benghazi.
Trong tình huống không có bất kỳ sự chống trả nào từ Libya, Mỹ đã nhanh chóng hủy diệt hoàn toàn 5 căn cứ quân sự lớn bằng bom dẫn đường laser GBU-10, trong đó đã tiêu diệt 6 máy bay vận tải Il-76 có giá trị cao vào thời điểm đó và 14 máy bay chiến đấu của Libya, đồng thời làm cho hơn 700 người thương vong, tổng thời gian tấn công chỉ diễn ra trong 11 phút. Chỉ có máy bay ném bom chiến đấu F-111F của Mỹ bị pháo phòng không Libya làm hỏng nhẹ, ngoài ra không có bất kỳ thương vong hay thiệt hại nào về vũ khí trang bị.
Trong quá trình không kích, quân đội Mỹ đã áp dụng rộng rãi các thành tựu công nghệ cao như tác chiến điện tử và vũ khí dẫn đường chính xác, điều này đã phá vỡ hình thức chiến tranh truyền thống, đồng thời cho phép các quân binh chủng trong quá trình chiến đấu tăng cường khả năng hỗ trợ nhau và mở rộng không gian sinh tồn. Qua đó, tận dụng tối đa sức mạnh của các lực lượng chiến đấu khác nhau để đạt được lợi thế, đây là nguyên nhân quan trọng để chiến dịch “Hẻm núi Dorado” kết thúc nhanh chóng và suôn sẻ.
Bom dẫn đường laser GBU-10 Mỹ sử dụng trong cuộc không kích Libya. Nguồn: Sohu.
Cuộc không kích mang tính thời đại của Mỹ đã thu hút sự quan tâm chú ý đặc biệt của các nước trên thế giới tại thời điểm đó, nhiều tổ chức quân sự của Chính phủ các nước đã nhanh chóng tiến hành nghiên cứu phương pháp tấn công hiện đại của Mỹ để cải thiện khả năng tác chiến của lực lượng không quân và Hải quân nước mình.
Ngoài ra, cuộc không kích không chỉ nhận được sự đánh giá cao của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, mà còn mở ra “cuộc cách mạng quân sự mới” ở Mỹ, từ đó chính thức xác lập phương thức tấn công mới dựa trên tác chiến không quân chiến lược với độ chính xác cao và cũng khiến khái niệm chiến tranh điện tử được biết đến rộng rãi.
Đối với Trung Quốc, cuộc không kích này được coi là một “lời cảnh tỉnh”, sau khi kết thúc cuộc không kích, Quân đội Trung Quốc nhận ra rằng, cần phải đẩy nhanh sự phát triển Không quân nếu không muốn là một “Libya thứ 2”. Các chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng, cuộc không kích của Mỹ không chỉ là tấn công Libya mà còn là một “đòn phủ đầu”, đánh thức Không quân Trung Quốc.
Nguồn: [Link nguồn]
Hạ viện Mỹ mới đây đã kêu gọi mở cuộc điều tra về việc liệu sự lây lan của dịch bệnh Lyme có nguồn gốc từ một...