Mỹ chi 553 triệu USD hỗ trợ Ấn Độ: Chiến lược mới đối phó Trung Quốc?
Dự án xây cảng container ở Sri Lanka do chính phủ Mỹ tài trợ phần lớn, đang được công ty Ấn Độ xúc tiến thi công, có thể là dấu hiệu cho thấy một chiến lược mới của Mỹ và đối tác nhằm đối phó ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tập đoàn Adani của Ấn Độ đang xây cảng container ở Sri Lanka dựa vào nguồn tiền đầu tư do chính phủ Mỹ cung cấp.
Tập đoàn Adani thuộc sở hữu của tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani, hiện đang xúc tiến xây cảng container ở Colombo, thủ đô của Sri Lanka. Tập đoàn nắm 51% cổ phần trong dự án. 49% còn lại thuộc về công ty quản lý cảng biển thuộc sở hữu của Sri Lanka.
Dự án ước tính tiêu tốn số tiền khoảng 700 triệu USD, trong đó chính phủ Mỹ nhất trí tài trợ 553 triệu USD.
Động thái này diễn ra sau khi các lãnh đạo nhóm Bộ Tứ nhất trí cung cấp giải pháp thay thế cho các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc dành cho cho các nước đang phát triển. Mỹ và Ấn Độ là hai quốc gia trong nhóm Bộ Tứ.
Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), dự án xây dựng mới do công ty Ấn Độ thực hiện với phần lớn nguồn tiền do Mỹ cung cấp, có thể được coi là nỗ lực cụ thể đầu tiên.
Cedomir Nestrovic, giáo sư địa chính trị tại Trường Kinh doanh ESSEC Châu Á-Thái Bình Dương ở Singapore, cho biết sẽ là quá đơn giản nếu nghĩ rằng dự án do Mỹ tài trợ chỉ đơn thuần là thỏa thuận kinh doanh.
Giáo sư Nestrovic nhận định, Mỹ chấp nhận chi 553 triệu USD, tương đương 4/5 chi phí dự án là vì lợi ích địa chính trị. Khoản tiền được giải ngân từ Tập đoàn Tài chính phát triển quốc tế, một cơ quan thuộc chính phủ Mỹ.
"Không có nhiều trường hợp mà chính phủ Mỹ đầu tư theo cách này, với số tiền đáng kể như vậy", giáo sư Nestrovic nói. "Đây là dấu hiệu cho thấy sự cạnh tranh Mỹ - Trung trên phương diện đầu tư".
"Tạo một chút sức ép với Trung Quốc có thể là mục đích khiến chính phủ Mỹ quyết định đầu tư cho dự án", ông Nestrovic nói. "Mỹ cũng tỏ ý sẵn sàng hỗ trợ các nước đang phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng như một lựa chọn bên cạnh các khoản đầu tư từ Trung Quốc".
Nếu mô hình đầu tư kiểu này thành công, Mỹ có thể rót tiền vào các dự án khác do công ty của các nước đối tác đảm nhận, theo CSMP. "Đây có thể là một phần trong bức tranh lớn hơn. Không chỉ là một khoản đầu tư đơn giản", ông Nestrovic nói thêm.
Dự án xây cảng container dự kiến sẽ được hoàn thiện trong năm tới.
Trong nhiều năm, Ấn Độ và Trung Quốc đã cạnh tranh ảnh hưởng ở Sri Lanka - quốc gia có vị trí chiến lược gần các tuyến đường biển lớn của Ấn Độ Dương.
Chỉ riêng trong năm ngoái, Ấn Độ đã chi khoảng 4 tỷ USD để hỗ trợ kinh tế và nhân đạo cho Sri Lanka. Ấn Độ cũng cam kết theo đuổi đầu tư lâu dài ở Sri Lanka, bao gồm lĩnh vực năng lượng xanh và mở rộng bến cảng tại Trincomalee - vùng đông bắc Sri Lanka - để biến khu vực này trở thành một cảng biển lớn.
"Trung Quốc đã vận hành một cảng biển ở Sri Lanka và nếu không có tập đoàn Adani, Trung Quốc có thể thâu tóm chuỗi hàng hóa vận chuyển nhờ cạnh tranh về chi phí", một giám đốc điều hành ngành vận tải ở Ấn Độ nói, bày tỏ hi vọng tập đoàn sẽ tiếp tục tham gia các dự án xây cảng biển trên khắp châu Á.
Theo các nhà phân tích, lý do chính phủ Mỹ đầu tư vào dự án xây cảng container của tập đoàn Adani là vì dự án sẽ được xúc tiến nhanh hơn so với nếu như do công ty nhà nước Ấn Độ đảm nhận.
Aditya Gowdara Shivamurthy, thành viên Quỹ Nghiên cứu Quan sát viên có trụ sở tại Delhi (Ấn Độ), nói hợp tác Mỹ - Ấn Độ theo cách này đang là xu hướng mới. "Ấn Độ biết Mỹ có công nghệ và nguồn tài chính. Mỹ biết Ấn Độ có kinh nghiệm và am hiểu môi trường kinh đoanh ở các nước được đầu tư".
Harsh Pant, giáo sư quan hệ quốc tế tại trường King College ở London (Anh), nói: "Mỹ nhìn nhận thực tế là Trung Quốc đã mở rộng đầu tư ở các nước đang phát triển từ trước và đang phối hợp với Ấn Độ để tạo ra một kết quả tích cực".
Ngược lại, Ấn Độ cũng không thể tự mình cạnh tranh với nguồn đầu tư khổng lồ của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương. "Nếu không hợp tác với các nước đối tác như Mỹ, rất khó để tạo ra sự cân bằng", giáo sư Pant nói.
"Ấn Độ cùng với nhóm Bộ Tứ, bên cạnh Mỹ, Nhật Bản và Úc đang cụ thể hóa chiến lược đối phó ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Sẽ còn có thêm các dự án đầu tư tương tự", ông Pant nói thêm.
Nguồn: [Link nguồn]
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình thể hiện sự thân thiện và sẵn sàng cải thiện quan hệ với Mỹ khi ông có cuộc gặp mang tính dấu ấn với Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày...