Mỹ chạy đua kiểm soát tác động từ vụ rò rỉ tài liệu mật

Mỹ đang gấp rút điều tra nguyên nhân và kiểm soát vụ rò rỉ tài liệu mật, trong khi nhiều đồng minh bày tỏ sự thất vọng trước vụ việc.

Hiện Mỹ đang thực hiện một nỗ lực liên ngành - Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, các cơ quan tình báo, điều tra - nhằm xử lý sự cố hàng trăm tài liệu tuyệt mật về tình báo và quân sự của Mỹ bị rò rỉ, theo hãng tin Reuters.

Bận rộn nỗ lực liên ngành

Đến thời điểm hiện tại, chính quyền Mỹ vẫn chưa xác định được chính xác mức độ ảnh hưởng của vụ rò rỉ. Tuy nhiên, ngày 10-4, ông Chris Meagher, trợ lý bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách truyền thông, thừa nhận vụ rò rỉ là một rủi ro “rất nghiêm trọng” với an ninh quốc gia Mỹ và cả với các đồng minh, đối tác. Hậu quả từ vụ rò rỉ có thể rất nghiêm trọng và khiến các nguồn tình báo của Mỹ gặp rủi ro. “Việc tiết lộ tài liệu mật, nhạy cảm có thể tác động lớn, không chỉ đối với an ninh quốc gia Mỹ mà còn có thể gây chết người” - ông nhấn mạnh.

Các tài liệu bao gồm hàng chục bức ảnh đã được tìm thấy trên Twitter, Telegram, Discord và các trang web khác trong thời gian qua. Một số có thể đã được lưu hành trên mạng trong nhiều tuần, nếu không muốn nói là vài tháng, trước khi giới chức và truyền thông Mỹ phát hiện ra.

Hiện Lầu Năm Góc đang khẩn trương xóa các tài liệu tồn tại nhiều ngày qua trên các trang mạng xã hội. Đến lúc này, một số tài liệu bị tiết lộ đã không còn có thể truy cập trên các trang mạng xã hội.

Khi được hỏi liệu Mỹ đã chặn đứng được nguy cơ xảy ra cho an ninh quốc gia sau vụ rò rỉ tài liệu hay không, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby trả lời: “Chúng tôi không biết, thật sự không biết”, theo đài CBS News.

Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Bộ Tư pháp Mỹ đã mở một cuộc điều tra về vụ rò rỉ theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng. Các quan chức của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết họ đã liên lạc với các quan chức của Bộ Quốc phòng để xác định ai có quyền tiếp cận các tài liệu, nguy cơ rò rỉ thông tin từ đâu và khả năng hệ thống tình báo của Mỹ bị tấn công hay không.

Lầu Năm Góc và các cơ quan tình báo Mỹ cũng chủ trương rà soát, siết giảm số lượng cá nhân được nhận các tài liệu dạng này trong tương lai nhằm hạn chế rủi ro rò rỉ.

Binh sĩ Ukraine mang các hệ thống tên lửa chống tăng Stugna gần Bakhmut, tỉnh Donetsk, vùng Donbass (miền Đông Ukraine) ngày 17-3. Có thông tin Ukraine đã điều chỉnh chiến lược quân sự sau vụ rò rỉ. Ảnh: AP

Binh sĩ Ukraine mang các hệ thống tên lửa chống tăng Stugna gần Bakhmut, tỉnh Donetsk, vùng Donbass (miền Đông Ukraine) ngày 17-3. Có thông tin Ukraine đã điều chỉnh chiến lược quân sự sau vụ rò rỉ. Ảnh: AP

Trấn an, xoa dịu đồng minh

Hơn 100 tài liệu tình báo của Mỹ chứa thông tin mật, nhạy cảm về cuộc chiến ở Ukraine, hoạt động quân sự của Nga, Trung Quốc và Trung Đông đã được đăng trên Discord - một ứng dụng nhắn tin an toàn từ ngày 2-3. Các tài liệu được đưa lên dưới dạng ảnh chụp, có vẻ như đã được gấp lại và sau đó được vuốt phẳng, chứa thông tin tối mật, bao gồm cả thông tin từ Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).

Theo tờ The Wall Street Journal, vụ rò rỉ đang có nguy cơ trở thành một trong những vụ bê bối tình báo gây thiệt hại nặng nề nhất trong nhiều thập niên qua. Việc tiết lộ thông tin nhạy cảm cao là một cảnh báo không chỉ với các quan chức an ninh hàng đầu của Mỹ mà còn với các đồng minh mà Washington chia sẻ thông tin tình báo bí mật. Các tài liệu dường như cũng có thông tin tình báo về các vấn đề nội bộ ở nhiều quốc gia, trong đó có các đồng minh của Mỹ là Israel, Hàn Quốc và Ukraine. Do đó, vụ rò rỉ có khả năng ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Mỹ trên toàn thế giới.

Vụ việc đã khiến mối quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh rơi vào tình trạng khủng hoảng. “Khủng hoảng” đặc biệt cao vì phần lớn các tài liệu đề cập cuộc chiến ở Ukraine - những thông tin mà Mỹ từng nhiều lần nói rằng có được nhờ nỗ lực hợp tác giữa các đồng minh ở khối quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), châu Âu và các nơi khác.

Hiện không chỉ Bộ Ngoại giao Mỹ mà cả Lầu Năm Góc, các cơ quan tình báo Mỹ cũng bận rộn liên lạc trấn an, xoa dịu các đồng minh, đối tác vốn đang bối rối, lo lắng và cả thất vọng vì vụ việc, theo hãng tin Politico.

Một trong những nguồn tin của Politico cho biết các thành viên của liên minh tình báo Ngũ Nhãn (Mỹ, Úc, Anh, New Zealand và Canada) đã yêu cầu Washington báo cáo về vụ việc nhưng chưa nhận được phản hồi. Các câu hỏi đã được gửi riêng đến Văn phòng giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ (ODNI), CIA và FBI.

Trong khi đó, các quan chức ở Anh, Bỉ, Đức và Ukraine đang đặt câu hỏi với Washington làm sao mà các tài liệu bị rò rỉ lên mạng, ai chịu trách nhiệm về vụ rò rỉ, Mỹ đang làm gì để đảm bảo thông tin được xóa khỏi mạng xã hội? Các nước cũng đặt câu hỏi liệu chính quyền Tổng thống Joe Biden có đang thực hiện các bước để hạn chế rủi ro rò rỉ thông tin tình báo trong tương lai hay không?

Giới quan sát vẫn còn bàng hoàng

Politico dẫn ý kiến của một cựu nhà phân tích tình báo Mỹ chuyên phân tích tập trung về Nga (đề nghị không nêu tên) rằng: “Cách thức rò rỉ và nội dung rất bất thường. Tôi không thể nhớ được có lúc nào Mỹ bị rò rỉ số lượng tài liệu quy mô thế này với mức độ thông tin xác thực rộng thế này, lại chỉ được đưa lên mạng xã hội chứ không phải như trường hợp hồ sơ Snowden vốn được cung cấp đến một nhóm nhà báo trước tiên”.

Theo ông Gavin Wilde, chuyên gia phân tích tại Viện Carnegie Endowment (Mỹ), vụ rò rỉ bộc lộ sự mâu thuẫn giữa năng lực thu thập thông tin tình báo và khả năng bảo mật thông tin nhạy cảm của Washington. “Tôi không thể tưởng tượng được vì sao họ mất hàng tháng để nhận thấy tài liệu mật bị rò rỉ” - ông Gavin Wilde nói, theo đài CNN.

GS Thomas Rid thuộc ĐH California (Mỹ) chia sẻ: “Phải ý thức được rằng những tài liệu kiểu này có thể bị lộ bất cứ lúc nào. Nhưng cho rằng đối phương nắm được chúng khác hẳn với biết rõ họ đã tiếp cận được”.

Trong khi đó, ông Brett Bruen, cựu quan chức an ninh dưới thời Tổng thống Barack Obama, đặt câu hỏi tại sao Mỹ vẫn rơi vào tình huống như thế này dù trước đây đã từng bị rò rỉ tài liệu: “Những vụ rò rỉ thông tin tình báo nghiêm trọng như vậy lẽ ra đã trở thành vấn đề quá khứ. Nhiều biện pháp kiểm tra mới đã được áp dụng nhưng rõ ràng là chưa đủ. Chúng ta cần xem xét lại quy trình bảo mật dữ liệu”.

Nguồn: [Link nguồn]

Mỹ bị các đồng minh ‘truy’ vụ rò rỉ tài liệu mật

Sau khi một lượng lớn tài liệu mật về tình báo quân sự bị rò rỉ, Mỹ đã bị hàng loạt quan chức từ các đồng minh và đối tác như liên minh Ngũ Nhãn, Bỉ, Đức, Các Tiểu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨ CƯỜNG ([Tên nguồn])
Tin tức Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN