Mỹ chấm dứt quy chế đặc biệt cho Hồng Kông là việc vô ích?
Hôm 29.5, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ tước những đặc quyền thương mại cũng như trừng phạt một số quan chức Hồng Kông và Trung Quốc đại lục sau khi Bắc Kinh thông qua nghị quyết về luật an ninh mới cho thành phố. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, động thái trên của Mỹ sẽ không có tác dụng.
Ông Trump tuyên bố chấm dứt vị thế đặc biệt của Hồng Kông (ảnh: Reuters)
“Tôi đang chỉ đạo các quan chức chính quyền tiến hành quá trình loại bỏ những chính sách giúp Hồng Kông được đối xử đặc biệt”, ông Trump phát biểu tại Nhà Trắng.
“Chúng tôi sẽ có biện pháp cần thiết để trừng phạt một số quan chức Trung Quốc đại lục và Hồng Kông – những người đã làm xói mòn quyền tự trị của thành phố”, ông Trump nói thêm.
Ngoài ra, Mỹ sẽ hạn chế cấp thị thực cho một số công dân Trung Quốc nhằm bảo đảm an ninh quốc gia, theo Tổng thống Mỹ.
Ông Trump cho biết thêm rằng, chính quyền của ông sẽ kiểm tra hoạt động của tất cả những công ty Trung Quốc đang niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ để bảo vệ các nhà đầu tư khỏi những “rủi ro tiềm ẩn”.
Tuyên bố của ông Trump đưa ra vài ngày sau khi Bắc Kinh thông qua nghị quyết về luật an ninh mới cho Hồng Kông.
Theo các chuyên gia, động thái mới nhất của ông Trump chắc chắn sẽ khiến quan hệ Mỹ - Trung gia tăng căng thẳng.
Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bấm nút thông qua nghị quyết về dự luật an ninh mới cho Hồng Kông (ảnh: SCMP)
Tuy nhiên, ông Evan Medeiros - cựu cố vấn về châu Á Nhà Trắng dưới thời chính quyền Barack Obama – cho rằng, những tuyên bố trừng phạt của ông Trump thoạt nghe có vẻ mạnh mẽ nhưng quá trình thực hiện chúng mới chỉ ở vạch xuất phát.
“Ngay cả khi ông ấy thực hiện tất cả những biện pháp đã tuyên bố, nó cũng chỉ giống như việc bắn vào chân con tin. Điều đó chẳng giúp ích gì cho tình trạng của Hồng Kông lúc này và quan trọng hơn cả là không thể ngăn cản các hành động tương tự của Bắc Kinh trong tương lai”, ông Medeiros, hiện là giáo sư tại Đại học Georgetown (Mỹ), nhận định.
Ông Medeiros cho rằng, những lựa chọn của Mỹ trong việc ngăn cản dự luật an ninh Hồng Kông là “nghèo nàn”. Điều quan trọng mà Mỹ nên làm lúc này là thành lập một liên minh quốc tế, đặc biệt là lôi kéo các nước trong G7, để phản đối dự luật an ninh Hồng Kông.
“Nếu không làm được điều đó, Bắc Kinh sẽ coi hành động của Washington là vô dụng”, ông Medeiros nói thêm.
Theo ông Eswar Prasad – cựu quan chức Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc tiếp tục gia tăng căng thẳng, vị thế của Hồng Kông – với tư cách là trung tâm tài chính quốc tế - sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.
Người biểu tình Hồng Kông phản đối dự luật an ninh mới (ảnh: Reuters)
Wendy Cutler – cựu chuyên gia đàm phán thương mại Mỹ - cho rằng, với thông tin hạn chế từ phía chính quyền của ông Trump, hiện khó có thể đánh giá phạm vi tác động của những hành động mà Mỹ sử dụng đối với Hồng Kông, Trung Quốc.
“Để lựa chọn các hành động cụ thể, chính quyền của ông Trump cần tính toán rất nhiều, bao gồm cả những tác động đến người dân Hồng Kông, doanh nghiệp Mỹ ở thành phố. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần đề phòng sự đáp trả của Trung Quốc”, theo bà Wendy Cutler.
Việc bị tước vị thế đặc biệt có thể khiến Hồng Kông phải chịu mức thuế đối với hàng hóa nhập vào Mỹ cao ngang với những thành phố khác ở đại lục. Nhiều ưu đãi khác Mỹ dành cho Hồng Kông cũng sẽ không còn.
Những động thái mới nhất cho thấy, ông Trump ngày càng có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc trong hàng loạt các vấn đề. Lưỡng đảng Mỹ thống nhất rằng, Washington cần có thái độ quyết liệt hơn đối với Trung Quốc.
Ngày 30.5, sau tuyên bố chấm dứt quy chế đặc biệt cho Hồng Kông của Tổng thống Mỹ Donald Trump, các quan chức hàng đầu...
Nguồn: [Link nguồn]