Mỹ cảnh báo thương chiến nếu Canada áp dụng thuế dịch vụ kỹ thuật số

Canada có kế hoạch áp thuế dịch vụ kỹ thuật số vào đầu năm 2024, một động thái đã vấp phải sự chỉ trích từ các quan chức Mỹ, đối tác thương mại lớn nhất của quốc gia Bắc Mỹ này.

Bước đi khẩn trương của Canada

Những thành viên cấp cao của chính quyền Tổng thống Joe Biden đang cố gắng thuyết phục Canada từ bỏ kế hoạch đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số. Các nhà lãnh đạo trong cộng đồng doanh nghiệp Mỹ và Canada nói rằng động thái của Ottawa sẽ gây tổn hại cho thương mại và khiến tương lai của “Thỏa thuận thương mại Bắc Mỹ” bị nghi ngờ.

Bộ trưởng Tài chính Canada, Chrystia Freeland cho biết nước này không thể ủng hộ việc trì hoãn áp dụng thuế dịch vụ kỹ thuật số. Ảnh: Toronto Sun

Bộ trưởng Tài chính Canada, Chrystia Freeland cho biết nước này không thể ủng hộ việc trì hoãn áp dụng thuế dịch vụ kỹ thuật số. Ảnh: Toronto Sun

Mức thuế 3% của Canada đối với doanh thu từ việc cung cấp dịch vụ kỹ thuật số cho người dùng Canada hoặc bán dữ liệu người dùng Canada sẽ bắt đầu áp dụng từ ngày 1/1 năm 2024 và sẽ có hiệu lực hồi tố đối với doanh thu kể từ năm 2022. Bộ trưởng Tài chính Canada, Chrystia Freeland, cho biết vào tháng trước rằng thuế quan trọng đối với lợi ích quốc gia của nước này.

Hiện tại, các công ty công nghệ có thể hoạt động trên toàn thế giới trong khi vẫn tập trung lợi nhuận ở nước họ hoặc ở các khu vực pháp lý nhỏ, mức thuế thấp; nhờ đó họ chỉ phải trả khoản thuế tương đối ít ở các quốc gia có nhiều người dùng.

Một thỏa thuận thuế toàn cầu đã được nhất trí vào mùa thu năm 2021, sau khi gần như toàn bộ 140 thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đạt được sự nhất trí về “Giải pháp hai trụ cột để giải quyết các thách thức về thuế phát sinh từ số hóa nền kinh tế”.

Thỏa thuận này đề ra những thay đổi về cách thức, địa điểm và mức độ đánh thuế các công ty đa quốc gia trên khắp thế giới, nhưng hiện vẫn chưa được thực thi. Mục tiêu là nhằm phân bổ lại việc đánh thuế khoảng 200 tỷ USD lợi nhuận doanh nghiệp trên toàn cầu, một động thái được thực hiện để hệ thống thuế thích ứng với những cách thức kinh doanh quốc tế mới đang nở rộ nhờ các tiến bộ trong công nghệ thông tin.

Canada đã ký thỏa thuận toàn cầu kể trên với một cảnh báo: Nếu thỏa thuận không được thực thi trước đầu năm 2024, Canada sẽ áp thuế dịch vụ kỹ thuật số của riêng mình. Canada lần đầu tiên đưa ra kế hoạch đánh thuế các công ty công nghệ vào mùa thu năm 2020, với mức thuế dự kiến ​​áp dụng kể từ tháng 1 năm 2022.

Một số quốc gia đã đe dọa áp dụng thuế đặc biệt đối với các công ty công nghệ nếu các cuộc đàm phán đổ vỡ. Ảnh: Getty Images

Một số quốc gia đã đe dọa áp dụng thuế đặc biệt đối với các công ty công nghệ nếu các cuộc đàm phán đổ vỡ. Ảnh: Getty Images

Tại Paris vào tháng trước, 138 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đồng ý trì hoãn một năm trong việc thực thi giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận thuế, đến đầu năm 2025. Canada không đồng ý với sự chậm trễ này và cho biết họ sẽ tiếp tục các kế hoạch triển khai các kế hoạch thuế kỹ thuật số của riêng mình. Vào thứ Sáu tuần trước, quốc gia Bắc Mỹ này đã ban hành hướng dẫn về cách áp dụng thuế kỹ thuật số được đề xuất.

Bộ trưởng Tài chính Chrystia Freeland cho biết quyết định trước đó của Ottawa về việc trì hoãn thuế kỹ thuật số trong hai năm, mặc dù các quốc gia châu Âu khác vẫn giữ nguyên các loại thuế kỹ thuật số hiện có, “là một sự nhượng bộ đáng kể của Canada” và rằng nước này không thể ủng hộ việc tạm dừng kéo dài đối với thuế kỹ thuật số.

Cần nói thêm, các vấn đề về thuế kỹ thuật số được đề cập trong thỏa thuận năm 2021 tách biệt với một thỏa thuận toàn cầu khác, cũng do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đứng đầu, nhằm áp đặt mức thuế tối thiểu 15% đối với các công ty lớn ở mỗi quốc gia nơi họ hoạt động, mặc dù các thỏa thuận này có liên quan đến chính trị. Nhưng cả hai thỏa thuận đều cần thời gian để hoàn tất những bước cuối cùng trước khi đi vào thực tiễn. Trong khi đó, Canada thì không muốn chờ nữa.

Người Mỹ không vui

Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai đã thúc giục Ottawa dừng kế hoạch áp thuế kỹ thuật số và Đại sứ Mỹ tại Canada, David Cohen, cho biết trong một cuộc phỏng vấn được đăng trên tờ National Post vào tháng trước rằng “nếu Canada quyết định tiến hành một mình, các bạn sẽ đẩy Hoa Kỳ vào hoàn cảnh không có lựa chọn khác ngoài việc thực hiện các biện pháp trả đũa thương mại, có khả năng là trong bối cảnh thương mại kỹ thuật số, để đáp trả điều đó”.

Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai thúc giục Ottawa dừng kế hoạch áp thuế kỹ thuật số. Ảnh: Reuters

Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai thúc giục Ottawa dừng kế hoạch áp thuế kỹ thuật số. Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Tài chính Canada, bà Chrystia Freeland nói rằng các quan chức của quốc gia Bắc Mỹ này vẫn đang đàm phán với những người đồng cấp trong Nhóm G7 của họ về một thỏa hiệp, theo đó các lợi ích của Canada “có thể được bảo vệ và công nhận”.

Một số quốc gia châu Âu, bao gồm Pháp, Anh và Ý, đã áp dụng thuế dịch vụ kỹ thuật số trước khi các cuộc đàm phán do OECD dẫn đầu đi đến việc đảm bảo một thỏa thuận thuế toàn cầu. Thỏa thuận bao gồm việc tạm dừng các loại thuế dịch vụ kỹ thuật số mới cho đến khi hiệp định có hiệu lực. Các loại thuế kỹ thuật số hiện có, chẳng hạn như ở châu Âu, vẫn đang được áp dụng nhưng sẽ bị thu hồi sau khi hiệp định có hiệu lực. Các quan chức Canada nói rằng thật không công bằng khi một số khu vực tài phán của châu Âu có thể thu thuế từ công ty mẹ của Facbook là Meta và công ty mẹ của Google là Alphabet nhưng Canada thì không.

Đại diện thương mại Mỹ coi thuế dịch vụ kỹ thuật số, như loại thuế được đề xuất ở Canada, là phân biệt đối xử và là gánh nặng đối với thương mại của Mỹ vì lĩnh vực này do các công ty Mỹ thống trị. Năm 2020, một kế hoạch áp thuế tương tự từ Pháp đã khiến chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump vào năm 2020 chuẩn bị áp thuế 25% đối với hàng xa xỉ của quốc gia châu Âu này. Mối đe dọa đã được phía Mỹ rút lại sau khi Pháp tham gia thỏa hiệp định thuế toàn cầu.

Cơ hội để các thỏa thuận thuế toàn cầu được chính thức áp dụng trên toàn thế giới vẫn còn rất mong manh. Tại Mỹ, các thành viên Quốc hội đang chia rẽ về vấn đề này, khi các đảng viên cấp cao của đảng Cộng hòa tại Hạ viện cảnh báo chính quyền Tổng thống Joe Biden rằng hiệp định OECD có thể vi phạm các hiệp ước thuế của Mỹ bằng cách mở rộng thẩm quyền đánh thuế của các quốc gia khác.

Meta, công ty mẹ của Facebook, cũng đang phản ứng tiêu cực trước việc Canada buộc các công ty công nghệ trả tiền cho tin tức. Ảnh: TAG24

Meta, công ty mẹ của Facebook, cũng đang phản ứng tiêu cực trước việc Canada buộc các công ty công nghệ trả tiền cho tin tức. Ảnh: TAG24

Michael Plowgian, một quan chức thuế cấp cao tại Bộ Tài chính Mỹ, nói với Quốc hội rằng các quan chức chính quyền, bao gồm cả Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, đang nói chuyện với các đối tác Canada “để ngăn cản họ thực hiện một loại thuế dịch vụ kỹ thuật số mang tính phân biệt đối xử”.

“Canada đã bị cô lập về vấn đề này” trong các cuộc đàm phán thuế gần đây của OECD tại Paris, ông Plowgian cho biết trong buổi điều trần vào tháng 7 trước Ủy ban Cách thức và Phương tiện Hạ viện Mỹ. “Đối với vấn đề từ Canada, chúng tôi đang xem xét tất cả các lựa chọn và chúng tôi muốn hợp tác với Quốc hội để giải quyết vấn đề đó”.

Phản ứng từ nhiều phía

Đại diện của hai tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới, Google và Meta đã đề cập đến những nhận xét trước đây từ các giám đốc điều hành của họ, trong đó họ bày tỏ sự ủng hộ đối với một thỏa thuận đa phương về xử lý thuế đối với các công ty công nghệ. Canada và hai công ty công nghệ hàng đầu này hiện đang tranh chấp về kế hoạch của Ottawa buộc họ phải bồi thường cho các tổ chức tin tức vì đã chia sẻ và sử dụng những nội dung tin tức trên các nền tảng của họ.

Goldy Hyder, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Canada, lo ngại những hệ lụy từ việc áp thuế dịch vụ kỹ thuật số. Ảnh: IM

Goldy Hyder, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Canada, lo ngại những hệ lụy từ việc áp thuế dịch vụ kỹ thuật số. Ảnh: IM

Meta tuần này cho biết họ đã bắt đầu chặn quyền truy cập vào các liên kết tin tức đối với người dùng Canada trên Facebook và Instagram để đáp lại các biện pháp của Canada, vốn được biết đến cái tên Đạo luật Tin tức trực tuyến và đã được Thượng viện nước này thông qua hồi tháng 6.

Trở lại với kế hoạch áp thuế dịch vụ kỹ thuật số của Canada, hiện những người thúc đẩy Washington gây áp lực kinh tế đối với Ottawa là Phòng Thương mại Mỹ (USCC), nhóm vận động hành lang kinh doanh lớn nhất của đất nước. “Canada đã nói rằng họ muốn duy trì quy trình của OECD, nhưng những hành động gần đây của họ không chứng minh điều đó”, Neil Herrington, Phó chủ tịch phụ trách khu vực châu Mỹ của USCC cho biết. Ông Herrington tin rằng thuế dịch vụ kỹ thuật số của Canada có nguy cơ làm suy yếu các cuộc đàm phán của OECD bằng cách thúc đẩy các quốc gia khác áp đặt các khoản thuế tương tự trước một thỏa thuận toàn cầu.

Ngay tại Canada, cũng có những tiếng nói lo ngại đang được phát đi. Ông Goldy Hyder, chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Canada, cho biết Bộ trưởng Tài chính Chrystia Freeland cần xem xét lại kế hoạch, đồng thời cảnh báo rằng thuế dịch vụ kỹ thuật số có thể làm phức tạp nỗ lực thuyết phục Quốc hội Canada gia hạn “Hiệp ước thương mại Mỹ - Mexico - Canada” khi nó được các nhà lập pháp xem xét vào năm 2026.

Hyder, người dẫn đầu nhóm đại diện cho các giám đốc điều hành của những công ty lớn nhất Canada, nhấn mạnh rằng việc nước này áp dụng thuế dịch vụ kỹ thuật số trong khi các quốc gia khác đồng ý trì hoãn thuế công nghệ toàn cầu có thể đem lại nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. “Đây không đơn thuần là vấn đề thuế, mà còn là về thương mại”, ông Hyder nhấn mạnh. “Chúng ta cần phải xem xét kỹ lưỡng các khía cạnh của kế hoạch”.

Sự thật về tin đồn TQ đưa 5 vạn quân đến biên giới Mỹ - Canada, bị trúng bom

Một tài khoản Twitter với khoảng 50.000 người theo dõi ở Mỹ mới đây đăng tải một thuyết âm mưu gây sốc. Tài khoản này tuyên bố ít nhất 50.000 binh sĩ Trung Quốc vừa tập trung...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Khánh ([Tên nguồn])
Tin tức Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN