Mỹ cảnh báo sau khi Quốc hội nước láng giềng Nga thông qua dự luật gây tranh cãi

Quốc hội Gruzia (Georgia) hôm 14/5 đã thông qua dự luật "đặc vụ nước ngoài" gây tranh cãi, dẫn đến những cảnh báo của Mỹ về việc Washington có thể xem xét lại mối quan hệ song phương.

Đám đông biểu tình coi dự luật là rào cản ngăn Gruzia xích lại gần hơn với phương Tây.

Đám đông biểu tình coi dự luật là rào cản ngăn Gruzia xích lại gần hơn với phương Tây.

Hôm 14/5, hàng ngàn người biểu tình tiếp tục tập trung ở khu vực trung tâm thủ đô Tbilisi, Gruzia để phản đối dự luật "đặc vụ nước ngoài".

Dự luật đưa các tổ chức nhận hơn 20% ngân sách từ nước ngoài vào danh sách "đặc vụ nước ngoài", giống với quy định ở Nga. Các tổ chức không minh bạch nguồn tài chính sẽ bị xử phạt.

Những người phản đối coi dự luật là rào cản ngăn Gruzia xích lại gần hơn với phương Tây và đồng nghĩa Gruzia đang ngả về phía Nga nhiều hơn.

Bất chấp sự phản đối của một bộ phận dư luận và các nước phương Tây, Quốc hội Gruzia hôm 14/5 đã thông qua dự luật với 84 phiếu thuận và 30 phiếu chống. Văn bản sẽ được chuyển tới Tổng thống Gruzia Salome Zourabichvili để ký thành luật.

Bà Zourabichvili tuyên bố sẽ bác dự luật. Quốc hội Gruzia có thể bác quyền phủ quyết của tổng thống do đảng cầm quyền của Thủ tướng Irakli Kobakhidze và đồng minh hiện đang chiếm ưu thế áp đảo.

Cùng ngày, Nhà Trắng cảnh báo Mỹ "rất quan ngại" dự luật sắp được thông qua ở Gruzia. "Nếu dự luật này được thông qua, nó sẽ buộc chúng tôi phải xem xét lại mối quan hệ song phương với Gruzia", phát ngôn viên Nhà Trắng, Karine Jean-Pierre nói.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ James O’Brien nói Washington có thể áp đặt trừng phạt Gruzia trừ khi dự luật có sự thay đổi hoặc nếu cảnh sát có động thái dùng vũ lực với người biểu tình.

"Nếu dự luật được thông qua mà không tuân thủ các quy định của Liên minh châu Âu (EU) và chính phủ Gruzia tiếp tục có những chỉ trích nhằm vào Mỹ, tôi nghĩ mối quan hệ song phương sẽ gặp rủi ro", ông O'Brien nói thêm.

Cuộc biểu tình đang diễn ra ở Gruzia là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất ở nước này kể từ khi Liên Xô tan rã vào năm 1991. EU đã cảnh báo dự luật sẽ tạo rào cản ngăn Gruzia tiếp tục hội nhập với châu Âu. Gruzia được EU trao quy chế ứng viên vào tháng 12 năm ngoái.

Mỹ, Anh, Đức, Italia và Pháp là các quốc gia phương Tây hối thúc Gruzia rút lại dự luật. Nga đã khẳng định không can thiệp vào tình hình nội bộ ở Gruzia. "Chúng tôi Chúng tôi nhận thấy sự can thiệp công khai từ bên ngoài vào công việc nội bộ của Gruzia. Đây là vấn đề nội bộ của Gruzia, chúng tôi không can thiệp bằng bất kỳ cách nào", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Hàng ngàn người biểu tình vẫn tụ tập trong đêm ngày 12 và rạng sáng 13/5, trước khi Quốc hội Gruzia một lần nữa xem xét thông qua dự luật "đặc vụ nước ngoài" gây tranh cãi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhật Minh - Swiss Info ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN