Mỹ cấm nhập khẩu dầu từ Nga: Chuyện gì xảy ra?
Trong bối cảnh Nga chưa kết thúc chiến dịch quân sự ở Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 8.3 đã tuyên bố cấm nhập khẩu toàn bộ các sản phẩm từ dầu mỏ của Nga.
Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Giới phân tích nhận định, lệnh cấm vận nhằm vào ngành năng lượng Nga là cách duy nhất để buộc Moscow phải xuống thang ở Ukraine.
Tuy nhiên, lệnh cấm chỉ thực sự hiệu quả khi các đồng minh châu Âu cũng hưởng ứng Mỹ. Một số quốc gia châu Âu đã thể hiện lập trường rằng sẽ tiếp tục nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga trong tương lai gần, chỉ có Anh cũng tuyên bố sẽ loại bỏ hoàn toàn dầu mỏ và khí đốt Nga vào cuối năm nay.
Khác với Mỹ hay Anh, châu Âu phụ thuộc sâu rộng vào dầu mỏ của Nga – quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới sau Ả Rập Saudi. Trong khi Mỹ dễ dàng bù đắp lượng dầu thiếu hụt do ngừng nhập từ Nga, châu Âu chưa thể thay đổi trong một sớm một chiều.
Bất kỳ sự hạn chế nào đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Nga có thể khiến giá dầu tăng vọt và giá xăng cao hơn bao giờ hết, ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường tài chính và nền kinh tế toàn cầu.
Giá xăng ở Mỹ đã tăng lên mức 4,17 đô la mỗi gallon trong ngày 8.3, mức cao nhất lịch sử. Mỹ đơn phương hành động một mình dù không có sự hưởng ứng của các đồng minh châu Âu.
“Không phải tất cả các quốc gia đều hành động giống nhau. Chúng tôi cảm thấy đã đến lúc phải áp đặt các biện pháp mà chúng tôi cho rằng là cần thiết”, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman nói.
Trong nỗ lực ổn định thị trường toàn cầu, Mỹ và các đồng minh đến nay đã cung ứng 60 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược ra thị trường, bao gồm 30 triệu thùng dầu từ kho dự trữ của Mỹ.
Tuy nhiên, giá dầu thế giới có thời điểm đã tăng vọt lên mức 137 USD/thùng vào ngày 8.3.
Lệnh cấm vận của Mỹ không ảnh hưởng nhiều đến Nga. Mỹ nhập khẩu khoảng 245 triệu thùng dầu từ Nga vào năm 2021, tương đương 672.000 thùng dầu mỗi ngày.
Giá xăng ở Mỹ đã tăng lên mức cao nhất lịch sử trong ngày 8.3.
Nga có thể dễ dàng bán lượng dầu này cho các đối tác khác, bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, Nga có thể sẽ phải bán dầu với mức chiết khấu cao, do ngày càng ít đối tác chấp nhận dầu của Nga.
Trong trường hợp Nga bị cô lập khỏi thị trường toàn cầu, các quốc gia dầu mỏ khác như Iran và Venezuela có thể nổi lên là ứng viên xuất khẩu dầu thay thế, Claudio Galimberti, Phó chủ tịch cấp cao về phân tích của công ty Rystad Energy ở Na Uy, nói.
“Bằng cách loại bỏ nhu cầu dầu mỏ của Nga, Mỹ đang cố gắng làm giảm doanh thu của Nga trong lĩnh vực năng lượng”, Kevin Book, giám đốc điều hành Clearview Energy Partners, nói. “Trên lý thuyết, lệnh cấm khiến Nga giảm doanh thu cho mỗi thùng dầu bán được, nhưng có thể không nhiều”.
Tuy nhiên, lệnh cấm của Mỹ có thể không mang lại hiệu quả do giá dầu ngày càng tăng cao. Một tháng trước, giá dầu chỉ là 90 USD/thùng.
Các chuyên gia phân tích cảnh báo, giá dầu có thể tăng lên mức 160, thậm chí là 200 USD/thùng trong thời gian tới. Xu hướng này có thể khiến giá xăng trung bình ở Mỹ vượt mức 5 đô la mỗi gallon, dù thực tế là giá xăng ở bang California đã vượt qua mức này.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cảnh báo Moscow có toàn quyền ngừng hoạt động cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua đường ống Nord Stream 1, nếu như Mỹ và phương Tây tiếp tục leo thang cấm vận.
Dầu mỏ dễ dàng thay thế hơn khí đốt. Các quốc gia khác có thể tăng sản lượng và xuất sang châu Âu. Nhưng điều này cũng khiến giá dầu tăng cao vì phải tốn thêm chi phí vận chuyển.
Đối với khí đốt, không có cách nào thay thế nguồn cung của Nga cho châu Âu trong tương lai gần. Châu Âu hiện không có đường ống dẫn khí đốt từ các vùng ven biển đến những nơi nằm sâu trong đất liền ở lục địa.
Hồi tháng 1, 2/3 lượng khí đốt hóa lỏng (LNG) của Mỹ được xuất sang châu Âu. Một số tàu chở LNG đang hướng tới châu Á đã phải đổi hướng vì các đối tác châu Âu trả giá cao hơn.
Các nhà sản xuất dầu mỏ và khí đốt của Mỹ thông báo đã đạt năng lực tối đa, việc mở rộng các cơ sở khai thác và lưu trữ sẽ mất hàng năm, tiêu tốn số tiền hàng tỉ USD, theo AP.
Nguồn: [Link nguồn]
Vai trò của NATO, Trung Quốc và Mỹ được nhắc đến nhiều trong cuộc xung đột ở Ukraine. Nhưng có một quốc gia với vị thế đặc biệt, sở hữu lực lượng quân sự lớn thứ...