Mỹ: Các bang chiến trường ráo riết siết an ninh, tránh kịch bản bất ổn 2020

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Các bang chiến trường đang ráo riết lên kế hoạch ứng phó những kịch bản xấu nhất có thể xảy ra trong cuộc trong cuộc bầu cử Mỹ 2024.

Chính quyền các bang chiến trường đang cấp tập chuẩn bị ứng phó với những kịch bản tồi tệ như bạo lực, thông tin sai lệch, thuyết âm mưu bùng nổ trong bối cảnh chỉ còn vài ngày nữa là cuộc bầu cử Mỹ 2024 chính thức diễn ra.

Các cuộc thăm dò ​​cho thấy tỉ lệ ủng hộ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris đang vô cùng sít sao, chưa thể đoán định được ai là người chiến thắng. Bối cảnh này càng khiến giới chức các bang chiến địa lo ngại tình hình bất ổn sẽ xảy ra như năm 2020. Thời điểm đó, để lật ngược thất bại của mình, ông Trump liên tục đưa ra cáo buộc được cho là vô căn cứ rằng có gian lận trong việc bỏ phiếu, dẫn đến làn sóng phản đối trong bộ phận người ủng hộ ông, ảnh hưởng xấu đến quá trình bầu cử cũng như niềm tin của công chúng.

3 tâm điểm bầu cử siết chặt an ninh

Tại các TP Philadelphia (bang chiến trường Pennsylvania), Detroit (bang chiến trường Michigan) và Atlanta (bang chiến trường Georgia) - ba trong số những nơi mà cựu Tổng thống Trump hay khẳng định là có gian lận bầu cử, chính quyền các địa phương này đã tăng cường an ninh đối phó kịch bản hỗn loạn như hồi năm 2020 do các cuộc biểu tình ủng hộ ông Trump gây ra.

Cửa sổ tại trụ sở văn phòng bầu cử Quận Luzerne, bang Pennsylvania được gia cố trước ngày bầu cử Mỹ 2024 (5-11). Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Cửa sổ tại trụ sở văn phòng bầu cử Quận Luzerne, bang Pennsylvania được gia cố trước ngày bầu cử Mỹ 2024 (5-11). Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Tại TP Detroit, chính quyền địa phương đang chuẩn bị cho kịch bản bất ổn, bạo loạn tiềm ẩn với cảnh sát địa phương và các quan chức liên bang. Trụ sở bầu cử của TP đã được tăng cường lực lượng an ninh và lắp kính chống đạn.

Cạnh đó, việc kiểm phiếu qua thư đã được chuyển đến một địa điểm an toàn hơn tại hội trường trung tâm TP. Hồi năm 2020, những người ủng hộ ông Trump đã tìm cách ngăn quá trình kiểm phiếu này bằng cách đập cửa sổ nơi kiểm phiếu và hét lên "dừng kiểm phiếu", sau khi ông Trump cho rằng những lá phiếu qua thư được kiểm đếm trễ là gian lận và được nhét thêm vào để bầu cho đối thủ là ông Joe Biden.

Còn TP Philadelphia đã cải tổ việc kiểm phiếu sau khi để xảy ra việc sự chậm trễ trong việc kiểm phiếu qua thư hồi năm 2020. Sự chậm trễ này đã dẫn đến sự xuất hiện của nhiều thuyết âm mưu khiến những người ủng hộ ông Trump nhắm mục tiêu và đe dọa các quan chức bầu cử.

Cụ thể, vào đêm bầu cử năm 2020, ông Trump tuyên bố mình là người chiến thắng sau khi kết quả ban đầu cho thấy ông đang dẫn trước đối thủ, dù lúc đó vẫn còn hàng nghìn lá phiếu chưa được kiểm đếm ở Philadelphia. Khi kết quả bầu cử đang trong thế hòa, TP đã mất năm ngày mới kiểm đủ số phiếu và đưa ra kết quả cuối cùng rằng ông Biden đã giành chiến thắng tại Pennsylvania, giúp ông Biden chính thức vào Nhà Trắng. Việc kiểm đếm chậm này đã khuấy đảo người hâm mộ ông Trump, gây mất tình hình an ninh trật tự.

Nơi lưu trữ phiếu bầu tại trung tâm kiểm phiếu ở Philadelphia, bang Pennsylvania (Mỹ hôm 25-10. Ảnh: REUTERS

Nơi lưu trữ phiếu bầu tại trung tâm kiểm phiếu ở Philadelphia, bang Pennsylvania (Mỹ hôm 25-10. Ảnh: REUTERS

Năm nay, Philadelphia đã chuyển hoạt động bầu cử đến một nhà kho được quây bảo vệ bằng hàng rào thép gai, cách trung tâm hội nghị trung tâm thành phố - nơi các lá phiếu năm 2020 được kiểm - 24 km.

Không giống như các tiểu bang khác, luật bang Pennsylvania cấm các viên chức bầu cử xử lý các lá phiếu gửi qua thư cho đến 7 giờ sáng ngày bầu cử (5-11). Tuy nhiên, năm nay, các quan chức Philadelphia hy vọng sẽ cung cấp kết quả nhanh hơn với gần như tất cả các lá phiếu được kiểm vào ngày 6 hoặc ngày 7-11.

TP Philadelphia ước tính sẽ nhận được hơn 225.000 lá phiếu qua thư, ít hơn nhiều so với con số 375.000 lá phiếu vào năm 2020. TP đã mua các máy kiểm phiếu mới, nhanh hơn để cắt phong bì và quét phiếu bầu, cùng với công nghệ mới mà các quan chức cho biết sẽ đẩy nhanh quá trình kiểm tra phiếu bầu qua thư.

Tại quận Fulton, nơi có đa số người da đen ở TP Atlanta và cũng là khu vực đông dân nhất bang Georgia, các quan chức đang chuẩn bị cho kịch bản xuất hiện tràn lan thông tin sai lệch ủng hộ ông Trump trong ngày bầu cử. Năm 2020, ông Rudolph Giuliani - luật sư của Trump - đã vu khống hai nhân viên bầu cử của Georgia về việc kiểm phiếu bất hợp pháp, khiến hai nhân viên này bị dọa giết.

Năm nay, tại quận này, hoạt động kiểm phiếu sẽ diễn ra tại một nhà kho ngoại ô rộng lớn, cách trung tâm thành phố Atlanta 33 km. Việc kiểm phiếu sẽ được truyền hình trực tiếp trên màn hình lớn để mọi người cùng theo dõi nhằm tăng cường minh bạch.

Các bang chiến trường sẵn sàng ứng phó kịch bản xấu

Ngoài những chiến trường đô thị nói trên, các quan chức bầu cử ở các bang chiến trường Arizona, Nevada, Wisconsin và North Carolina cũng đang ráo riết chuẩn bị cho những kịch bản có thể xảy ra.

Tại bang chiến trường North Carolina, một số văn phòng bầu cử của các quận đã lắp đặt nút báo động, kính chống đạn, camera an ninh và cửa ra vào nặng hơn. Cạnh đó, các viên chức bầu cử đã được huấn luyện cách xoa dịu căng thẳng với những cử tri, nhà vận động có thái độ cực đoan. Lực lượng cảnh sát cũng đã được cung cấp hướng dẫn bỏ túi về luật bầu cử để chuẩn bị cho những thách thức tiềm tàng.

Các cử tri bỏ phiếu sớm tại một điểm bỏ phiếu ở TP Hendersonville, bang chiến trường North Carolina (Mỹ). Ảnh: GETTY IMAGES

Các cử tri bỏ phiếu sớm tại một điểm bỏ phiếu ở TP Hendersonville, bang chiến trường North Carolina (Mỹ). Ảnh: GETTY IMAGES

Tại bang chiến trường Nevada, nơi kết quả bầu cử năm 2020 không được công bố cho đến bốn ngày sau khi các lá phiếu cuối cùng được kiểm, đã thay đổi luật và thủ tục để đẩy nhanh quá trình kiểm phiếu. Lần đầu tiên, các lá phiếu gửi qua thư bắt đầu được kiểm đếm từ hai tuần trước Ngày bầu cử. Một cơ sở dữ liệu đăng ký cử tri toàn tiểu bang mới cho phép công dân theo dõi các lá phiếu của họ và đảm bảo rằng các lá phiếu này ghi đúng các lựa chọn của mình, điều mà các quan chức hy vọng sẽ dập tắt mối lo ngại về gian lận bầu cử hàng loạt.

Tại bang chiến trường Arizona, văn phòng thư ký bang cho biết địa phương này đã đào tạo các viên chức bầu cử để ứng phó với thông tin sai lệch do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra về cuộc bầu cử, bao gồm cả video và hình ảnh giả khuôn mặt deep-fake.

Tại bang chiến trường Wisconsin, cơ quan lập pháp tiểu bang đã thông qua một dự luật bảo vệ bầu cử trong năm nay, trong đó thêm một tội danh mới là tấn công quan chức bầu cử. Một số thành phố đã cũng có các sắc lệnh nhằm vào những người có thể cố gắng phá hoại việc bỏ phiếu. Ví dụ, TP Madison hiện có một sắc lệnh quy định mức phạt 1.000 USD đối với những người bị phát hiện đe dọa hoặc cản trở công việc của nhân viên kiểm phiếu.

Tại thị trấn Caswell ở phía bắc bang chiến trường Wisconsin, tại các trạm kiểm phiếu, những người làm việc tại điểm bỏ phiếu đã được di chuyển sang một bên phòng, quay mặt về phía cửa thay vì ngồi cạnh cửa và trạm đã bố trí hai lối ra ngay phía sau họ để đảm bảo an toàn.

Ông Trump ngồi xe rác vận động tranh cử

Ngày 30-10, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ngồi trên một chiếc xe chở rác đi vận động tranh cử, đáp trả việc Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như đã gọi những người ủng hộ ông Trump là “rác rưởi”, tờ The Hill đưa tin.

Chiếc xe rác này đi theo đoàn xe hộ tống cựu tổng thống đến TP Green Bay (bang chiến trường Wisconsin) để tham gia vận động tranh cử. Ông Trump mặc áo của nhân viên chở rác, ngồi trên xe này và nói rằng chiếc xe là để vinh danh Phó Tổng thống Kamala Harris và Tổng thống Joe Biden.

Phát biểu tại cuộc vận động tranh cử tại Green Bay, ông Trump nói rằng “250 triệu người Mỹ không phải là rác rưởi" đồng thời nhấn mạnh rằng “họ (chính quyền ông Biden) đối xử với bạn và nước Mỹ như rác rưởi”.

Trước đó, trong một video, ông Biden nhắc đến phát ngôn của diễn viên hài Tony Hinchcliffe trong cuộc vận động tranh cử của ông Trump tại Madison Square Garden cuối tuần rồi. Diễn giả Hinchcliffe lúc đó nói rằng vùng đất Puerto Rico là “hòn đảo rác nổi” giữa đại dương.

Ông Biden nói: “Rác rưởi duy nhất tôi thấy trôi nổi ngoài kia là những người ủng hộ ông ta. Việc ông ta coi thường người Mỹ gốc La-tinh là vô lương tâm và không phải người Mỹ”.

Tuy nhiên, sau đó, ông Biden đã đăng trên mạng xã hội X làm rõ phát biểu này rằng ông muốn gọi “những lời lẽ đầy thù hận về Puerto Rico do người ủng hộ ông Trump phát biểu tại cuộc mít tinh ở Madison Square Garden là rác rưởi” và việc diễn viên hài coi thường người Mỹ gốc Latinh là vô lương tâm.

Theo bạn, ai sẽ đắc cử Tổng thống Mỹ 2024?

Nguồn: [Link nguồn]

Chưa đầy một tuần nữa là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 sẽ diễn ra và hai ứng viên tổng thống đang tăng tốc thu hút sự ủng hộ của cử tri.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ĐỨC HIỀN ([Tên nguồn])
Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN