Mỹ bộc lộ hạn chế sau 2 năm xung đột ở Ukraine

Nhiều quốc gia nhất quyết không đứng về bên nào trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, trong khi Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil giúp Nga duy trì nguồn thu quan trọng. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden và các đồng minh châu Âu dùng nhiều ngôn từ gay gắt khi nói về Tổng thống Vladimir V. Putin, nhưng ông vẫn được chào đón ở Brazil.

Binh lính Ukraine ở Donetsk. (Ảnh: NYT)

Binh lính Ukraine ở Donetsk. (Ảnh: NYT)

Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva nói rằng Ukraine và Nga đều phải chịu trách nhiệm về cuộc xung đột ở Ukraine, trong khi Brazil tăng cường mua nhiên liệu và phân bón của Mátxcơva, mang về hàng tỷ đô la cho nền kinh tế Nga.

Quan điểm của Tổng thống Lula da Silva cho thấy sự ràng buộc toàn cầu mà Mỹ và Ukraine nhận ra khi cuộc xung đột bước sang năm thứ 3.

Khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2/2022, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden kích hoạt chiến dịch cô lập ngoại giao Nga và liên tiếp chuyển vũ khí cho quân đội Ukraine.

Sử dụng các biện pháp trừng phạt và kêu gọi bảo vệ trật tự quốc tế, Mỹ muốn gây cho Nga nỗi đau kinh tế và “lưu đày chính trị”, muốn thấy các công ty và quốc gia cắt đứt quan hệ với Mátxcơva.

Tuy nhiên, sau 2 năm, ông Putin gần như không bị cô lập như các quan chức Mỹ kỳ vọng. Sức mạnh vốn có của Nga, bắt nguồn từ trữ lượng dầu mỏ và khí tự nhiên khổng lồ, tạo nên khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên.

Trong khi đó, ở nhiều nơi thuộc châu Á, châu Phi và Nam Mỹ, ảnh hưởng của Tổng thống Putin vẫn mạnh mẽ, thậm chí còn tăng lên. Vai trò mạnh mẽ của ông ở Nga cũng không suy giảm.

Cuộc xung đột chắc chắn đã gây thiệt hại cho Mátxcơva: Làm mất vị thế của Nga ở châu Âu. Tòa án Hình sự quốc tế ban hành lệnh bắt giữ ông Putin. Liên Hợp Quốc đã nhiều lần lên án chiến dịch quân sự.

Các quan chức chính quyền Tổng thống Joe Biden khẳng định Nga đã hứng một thất bại chiến lược lớn. Ngoại trưởng Antony J. Blinken tuyên bố vào tháng 6/2023: “Ngày nay, Nga bị cô lập trên trường quốc tế hơn bao giờ hết”. Ông cũng cho rằng chiến dịch quân sự “đã làm giảm ảnh hưởng của Nga trên mọi châu lục”.

Tuy nhiên, điều đó có vẻ chỉ diễn ra ở Bắc Mỹ và châu Âu.

Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil đang mua dầu của Nga với số lượng kỷ lục, tận dụng mức chiết khấu cao mà Mátxcơva dành cho các quốc gia sẵn sàng thay thế khách hàng châu Âu tẩy chay. Cùng với quan hệ kinh tế ngày càng phát triển là những mối quan hệ ngoại giao bền chặt, bao gồm cả với một số đối tác thân thiết của Mỹ.

Tổng thống Putin có chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 10 năm ngoái và đón Ngoại trưởng Ấn Độ thăm Mátxcơva vào cuối tháng 12. Trước đó không lâu, nhà lãnh đạo Nga được chào đón nồng nhiệt ở Ả-rập Xê-út và UAE, với 21 phát đại bác được bắn để chào mừng và đội máy bay chiến đấu bay trên trời, nhả khói màu đỏ, trắng và xanh như màu quốc kỳ Nga.

Theo một báo cáo mới từ Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia, một cơ quan nghiên cứu tại London, Nga cũng đang mở rộng ảnh hưởng ở châu Phi.

Sau khi Yevgeny V. Prigozhin, ông chủ hãng quân sự tư nhân Wagner, chết trong vụ rơi máy bay vào mùa hè năm ngoái, các hoạt động rộng khắp của hãng này ở châu Phi đã có người tiếp quản để duy trì và mở rộng.

“Nga không bị bao vây gì cả. Họ không bị chặn về kinh tế, không bị chặn về ngoại giao và tiếp tục đưa ra thông điệp của mình”, Michael Kimmage, nhà sử học về Chiến tranh Lạnh tại ĐH Công giáo Mỹ, đánh giá.

Một số chuyên gia về Nga cho rằng các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu vẫn chưa tính toán đầy đủ thực tế này.

Một ví dụ điển hình cho sự thất vọng của phương Tây là tấm biển chào mừng ông Putin ở Brazil, quốc gia lớn nhất và có ảnh hưởng nhất ở Mỹ Latinh.

Tổng thống Lula đã gửi lời mời người đồng cấp Putin tới dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brazil vào tháng 11, bất chấp việc Brazil là thành viên của Tòa án Hình sự quốc tế và có nghĩa vụ thi hành lệnh bắt giữ nhà lãnh đạo Nga.

Lập trường trung lập nhất quán của Brazil đối với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine được khẳng định trong cuộc gặp giữa ông Lula với Ngoại trưởng Mỹ Blinken tại thủ đô Brasília ngày 21/2.

Tại đó, Tổng thống Lula kêu gọi đàm phán hòa bình, một quan điểm mà Ukraine đã chỉ trích, và cho rằng Mỹ đang kéo dài cuộc xung đột bằng các chuyến hàng vũ khí tới Kiev. Còn ông Blinken nói với ông Lula rằng điều kiện ngoại giao hiện nay chưa phù hợp.

Cuối ngày hôm đó, ông Blinken đến Rio de Janeiro để tham dự cuộc họp với các ngoại trưởng G20 và nghe Ngoại trưởng Brazil Mauro Vieira phát biểu: “Brazil không chấp nhận một thế giới trong đó những khác biệt được giải quyết bằng cách sử dụng lực lượng quân sự".

Trong hội nghị có sự tham gia của Ngoại trưởng Nga Sergey V. Lavrov, ông Blinken và một số ngoại trưởng từ các quốc gia đồng minh lên án chiến dịch quân sự của Mátxcơva, còn những quan chức khác bày tỏ quan điểm trung lập hoặc giữ im lặng.

Năm ngoái, ông Lavrov tham dự sự kiện tương tự ở Ấn Độ. Ông đến thăm hơn chục quốc gia châu Phi trong năm 2023, bao gồm Nam Phi, Sudan và Kenya. Tháng trước, ông Lavrov gặp Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres ở New York.

Tại Liên Hợp Quốc, các nghị quyết do Mỹ đệ trình để lên án Nga nhận được rất ít sự ủng hộ từ các quốc gia không phải đồng minh của Mỹ hoặc Nga, cho thấy sự miễn cưỡng phải chọn phe trong cuộc xung đột.

Sức chống chịu kinh tế

Hai năm sau khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt, Nga bị loại khỏi các hệ thống tài chính lớn trên toàn cầu, trong khi khoảng 260 tỷ euro tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga bị đóng băng.

Không phận Nga đóng cửa với hầu hết máy bay phương Tây và ngược lại.

Dầu mỏ của Nga bị hạn chế ở mức hơn 60 USD/thùng (giá thế giới hiện dao động từ 80 - 100 USD). Về lý thuyết, việc bán cho Nga bất cứ thứ gì có thể phục vụ quân đội đều là bất hợp pháp.

Các lệnh trừng phạt đã có một số tác động. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), GDP của Nga thấp hơn khoảng 7% so với dự báo trước khi nước này mở chiến dịch quân sự đặc biệt.

Bất chấp tất cả, nền kinh tế Nga vẫn chưa sụp đổ, thậm chí kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng GDP 2,6% trong năm nay. Con số này cao hơn đáng kể so với Vương quốc Anh (0,6%) và Liên minh châu Âu (0,9%). Tương tự, thâm hụt ngân sách của Nga duy trì ở mức dưới 1% GDP, trong khi ở Anh là 5,1% và Liên minh châu Âu 2,8%.

Theo các chuyên gia, lý do giúp Nga làm được điều này là nhờ vai trò độc lập và mạnh mẽ của Ngân hàng Trung ương.

Từ năm 2022, Ngân hàng Trung ương Nga đã áp dụng các đợt tăng lãi suất lớn (hiện ở mức 16%) để kiểm soát lạm phát. Các biện pháp kiểm soát do chính phủ thực thi khiến các nhà xuất khẩu Nga và nhiều công ty nước ngoài vẫn đang hoạt động ở Nga gần như không thể đưa tiền ra nước ngoài, tránh được nguy cơ đồng rúp sụp đổ.

Các công ty Nga cũng đã học được cách né tránh lệnh pháp trừng phạt, mức giá trần với dầu mỏ là ví dụ điển hình.

Về lý thuyết, dầu mỏ của Nga không thể bán cho phương Tây trên mức giá trần, nhưng thực tế là một đội tàu vận tải biển hoạt động trong bóng tối và tận dụng lỗ hổng kế toán giúp Nga xoay xở tốt. Nhiều quốc gia cũng có thể kiếm tiền bằng cách đóng vai trò trung gian, giúp Nga tiếp tục mua được những sản phẩm lưỡng dụng như vi mạch hoặc thiết bị liên lạc.

Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo thông báo Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hơn 500 mục tiêu trong ngày 23-2, đánh dấu hai năm ngày Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Loan - NYT, FT ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN