Mỹ “bật đèn xanh” đưa chiến đấu cơ sang Ukraine, đồng minh nói ngược lại
Nhà Trắng trải qua một ngày đầy khó khăn khi phải cân nhắc các phương án hỗ trợ Ukraine, trong khi cần đảm bảo rằng không kéo Mỹ và đồng minh NATO vào nguy cơ xung đột trực tiếp với Nga.
Binh sĩ Ukraine cầm trên tay vũ khí chống tăng NLAW do NATO viện trợ.
Hôm 6.3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói Nhà Trắng đã “bật đèn xanh” để Ba Lan đưa chiến đấu cơ sang Ukraine. Các máy bay mà Mỹ muốn Ba Lan chuyển cho Ukraine là các tiêm kích MiG-29. Đổi lại, Mỹ sẽ cung cấp cho Ba Lan các chiến đấu cơ F-16 mới nguyên. Ba Lan có thể nhận chiến đấu cơ F-16 trước cả Đài Loan, vùng lãnh thổ đã ký hợp đồng mua chiến đấu cơ Mỹ.
Washington đánh giá phi công Ukraine đã quen với các dòng máy bay từ thời Liên Xô, có thể điều khiển những chiếc MiG ngay lập tức mà không cần phải mất thời gian đào tạo.
Khi được hỏi về việc cấp cho Ba Lan chiến đấu cơ F-16, ông Blinken nói: “Chúng tôi đã bật đèn xanh. Chúng tôi đang thảo luận với phía Ba Lan về việc đáp ứng nhu cầu của họ để họ đưa chiến đấu cơ sang Ukraine. Họ đang muốn biết chắc khi nào Mỹ có thể cung cấp các chiến đấu cơ thay thế”.
Không quân Ba Lan hiện sở hữu cả tiêm kích MiG-29 và chiến đấu cơ F-16.
Tờ Wall Street Journal còn cho rằng, Ba Lan có thể sớm chuyển giao các tiêm kích MiG-29 cho Ukraine. Văn phòng Thủ tướng Ba Lan sau đó đã có phản ứng. “Thật đáng tiếc, đây là thông tin không chính xác. Ba Lan không đưa chiến đấu cơ sang Ukraine, cũng không cho phép Kiev sử dụng các sân bay quân sự”, tuyên bố cho biết. “Chúng tôi sẽ giúp Ukraine trong các lĩnh vực khác”.
Một quan chức Ba Lan nói trên báo Anh Financial Times: “Ba Lan không trong tình trạng chiến tranh với Nga. Các vấn đề quân sự cần phải được toàn bộ các quốc gia trong liên minh NATO quyết định”.
Nga đã nhiều lần cảnh báo về việc các nước láng giềng của Ukraine không đưa chiến đấu cơ sang nước này, bởi Moscow sẽ coi hành động này là “can dự vào cuộc xung đột” và “hành vi mở màn cho sự thù địch”.
Tuyên bố của Nga có thể coi là một lời cảnh báo nhằm vào liên minh quân sự NATO, không chỉ dừng lại ở việc Ba Lan hỗ trợ Ukraine.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cuối tuần qua có chuyến thăm tới Moldova.
Ở thời điểm hiện tại, Mỹ và đồng minh chỉ dừng lại ở việc cung cấp các trang thiết bị vũ khí cho Ukraine. Hơn 17.000 vũ khí chống tăng, bao gồm tên lửa Javelin, đã được đưa sang Ukraine qua biên giới với Ba Lan và Romania.
Quốc hội Mỹ cũng phê duyệt khoản hỗ trợ quân sự trị giá 350 triệu USD cho Ukraine. 70% ngân sách hỗ trợ đã được chi trong vòng 5 ngày, kể từ ngày 26.2.
Có những lo ngại về việc ai sẽ là người tiếp tục lãnh đạo Ukraine bởi Tổng thống Volodymr Zelensky đã tuyên bố ở lại Kiev, theo báo Mỹ New York Times.
Nguồn: [Link nguồn]