Mỹ báo động 'mối đe dọa Trung Quốc' ở Biển Đông

Mỹ nói quân đội Mỹ đã đối đầu nguy hiểm “ít nhất chín lần” với lực lượng vũ trang Trung Quốc ở Biển Đông trong kỳ đại dịch COVID-19.

Trực thăng MH-60R Seahawk bay trở về tàu USS Mustin của Mỹ. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ

Trực thăng MH-60R Seahawk bay trở về tàu USS Mustin của Mỹ. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ

Ngày 20-5, phát biểu tại một hội nghị của tổ chức Atlantic Council (Mỹ) chuyên về các vấn đề quốc tế, Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Alice Wells phụ trách khu vực Nam và Trung Á cho rằng các tranh chấp biên giới – dù là ở Biển Đông hay ở khu Ladakh (thuộc vùng Kashmir phía Ấn Độ kiểm soát) – đều là một “sự nhắc nhở về mối đe dọa từ Trung Quốc”.

Theo bà Wells, “thái độ khiêu khích và gây phiền nhiễu của Trung Quốc đặt ra câu hỏi về cách Trung Quốc muốn sử dụng quyền lực đang gia tăng của mình”.

“Đó là lý do bạn chứng kiến một sự đoàn kết các nước có cùng suy nghĩ giống nhau - dù trong khuôn khổ ASEAN hay qua các nhóm ngoại giao khác như nhóm ba bên Mỹ-Nhật-Ấn Độ, nhóm Bộ tứ Ấn Độ-Mỹ-Nhật-Úc – để đối thoại toàn cầu về cách có thể thực hiện các nguyên tắc về trật tự toàn cầu sau chiến tranh thế giới thứ hai vốn ủng hộ thương mại mở và tự do” – bà Wells nói.

Bà Wells vạch ra sự tương đồng giữa tình trạng Trung Quốc hung hăng hơn ở Biển Đông những năm qua và việc tăng xung đột gần đây ở khu vực dãy Himalayas.

“Nếu nhìn về Biển Đông, các chiến dịch của Trung Quốc đều thực hiện theo một phương pháp, và đó là sự hiếu chiến dai dẳng, mưu toan dai dẳng để thay đổi các quy tắc, hiện trạng” – theo bà Wells.

“Với những ai ảo tưởng rằng sự hiếu chiến của Trung Quốc chỉ là sự khoa trương, tôi nghĩ họ cần phải nói chuyện với Ấn Độ. Nó cần phải bị chống lại” – bà Wells nói.

Bà Wells đã phục vụ ở vị trí Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ trong phần lớn thời gian của chính phủ Tổng thống Donald Trump, và sẽ về hưu ngày 22-5 tới sau 31 năm làm việc với tư cách một nhà ngoại giao kỳ cựu, AFP dẫn thông tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ.

Phát ngôn của bà Wells đến trong bối cảnh Biển Đông và cả khu vực biên giới Ấn Độ - Trung Quốc đang căng thẳng cao.

Mỹ-Trung ít nhất 9 lần đụng độ trên Biển Đông

Nói với đài Fox News ngày 19-5, ông Reed Werner - Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Đông Nam Á cho biết quân đội Mỹ đã đối đầu nguy hiểm “ít nhất 9 lần” với lực lượng vũ trang Trung Quốc ở Biển Đông trong kỳ đại dịch COVID-19.

Trong 9 lần chạm trán này có một số sự cố liên quan đến máy bay chiến đấu Trung Quốc và Mỹ bay trên vùng biển tranh chấp hồi giữa tháng 3.

Cũng theo ông Werner, tháng trước, một tàu hộ tống Trung Quốc đi cùng một nhóm tàu sân bay nước này đã di chuyển “theo cách không an toàn và không chuyên nghiệp” gần tàu khu trục tên lửa USS Mustin của Hải quân Mỹ.

Truyền thông Trung Quốc nói một đội tàu Hải quân Trung Quốc do tàu sân bay Liêu Ninh dẫn đầu đã thực hiện một “trận đánh giả định” ở Biển Đông hồi tháng 4.

Ông Werner nói với Fox News rằng Bộ Quốc phòng Mỹ nhận xét “xu hướng hiện tại rất đáng lo ngại”, đồng thời cho biết phía Mỹ đã nhiều lần phản đối cả chính thức và không chính thức tới Trung Quốc về các sự cố này.

Tuy nhiên, theo ông Werner, hiện Trung Quốc vẫn tiếp tục có cách hành xử “rủi ro và leo thang”.

Gần đây, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Dave Eastburn cho biết Bộ Quốc phòng “lo ngại với các hoạt động mang tính cơ hội và ngày càng tăng của quân đội Trung Quốc nhằm ép buộc các láng giềng và nhấn mạnh các tuyên bố chủ quyền hàng hải trái pháp luật của mình ở Biển Đông, trong bối cảnh khu vực và thế giới đang tập trung xử lý đại dịch COVID-19”.

Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng các kẻ thù của Mỹ đang cố gắng lợi dụng tình hình toàn cầu để chiếm lợi thế, nhưng cũng nhấn mạnh rằng quân đội Mỹ vẫn sẵn sàng đối mặt thách thức và bảo vệ quyền lợi của Mỹ.

Bất chấp dịch COVID-19 gây một số bất lợi với Hải quân Mỹ, thời gian qua Mỹ vẫn tăng cường hiện diện ở Biển Đông và ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Những tháng gần đây nhiều tàu Hải quân Mỹ được triển khai thực hiện các chiến dịch tuần tra tự do giao thông hàng hải ở Biển Đông cũng như ở eo biển Đài Loan. Không quân Mỹ cũng triển khai nhiều máy bay ném bom tuần tra khu vực.

Từ tháng 3, Hải quân Mỹ đã thực hiện 3 chiến dịch tuần tra hàng hải ở các vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép). Nhiều tàu chiến Mỹ, trong đó có tàu đổ bộ tấn công USS America đã tập trận chung với một số nước. Nhiều máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancers đã thực hiện hai lượt tuần tra chiến lược trên biển Đông.

Về phía mình, Trung Quốc nói Mỹ nên tập trung vào cuộc chiến chống COVID-19 thay vì thực hiện các hoạt động quân sự.

Mỹ khuyến khích Ấn Độ cứng rắn với Trung Quốc

Bà Wells cảnh báo Ấn Độ về chuyện Trung Quốc gia tăng xung đột biên giới với nước này và khuyến khích Ấn Độ cứng rắn lại.

Chuyện mâu thuẫn, xung đột giữa binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc ở biên giới hai nước vẫn diễn ra. Căng thẳng biên giới giữa hai quốc gia đông dân nhất nhì thế giới kéo dài đã lâu. Hai nước từng có chiến tranh biên giới năm 1962. Tới thời điểm này Trung Quốc vẫn tuyên bố chủ quyền khỏng 90.000km2 lãnh thổ Ấn Độ đang kiểm soát.

Tuần trước, Ấn Độ triển khai thêm lính đến khu Ladakh dọc biên giới với Trung Quốc, sau khi có thông tin Trung Quốc dựng lều gần sông Galwan – địa điểm hai bên từng xảy ra xung đột năm 1962. Sau khi đối đầu và xung đột nhau, cả hai bên đều có binh sĩ bị thương. Một số trực thăng Trung Quốc được nhìn thấy có hoạt động trong khu Ladakh.

Gần đây lính biên phòng hai bên xung đột và đánh nhau tại núi Nathu La Pass nối bang Sikkim của Ấn Độ với vùng tự trị Tây Tạng của Trung Quốc.

Bà Wells khẳng định Mỹ ủng hộ Ấn Độ và khuyến khích cả Ấn Độ với Trung Quốc cùng giải quyết tranh chấp qua con đường ngoại giao.

Nguồn: [Link nguồn]

Chiêu giúp Úc ”phản đòn” Trung Quốc

Theo SCMP, Úc có thể "đáp trả" Trung Quốc bằng động thái cho phép một số quốc gia ở khu vực Thái Bình Dương tham...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ĐĂNG KHOA ([Tên nguồn])
Tin tức Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN