Mỹ bác nghị quyết về xung đột ở Dải Gaza, Nga – Trung chỉ trích
Ngày 18/10, Mỹ phủ quyết một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) về kêu gọi tạm dừng nhân đạo cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas để cho phép hoạt động viện trợ nhân đạo tiếp cận Dải Gaza.
Phiên họp của Hội đồng Bảo an LHQ về xung đột Israel - Hamas ngày 16/10. (Ảnh: Reuters)
Cuộc bỏ phiếu về dự thảo do Brazil đệ trình bị trì hoãn hai lần trong vài ngày qua, trong khi Mỹ cố gắng làm trung gian để mở đường cho hàng viện trợ vào Dải Gaza. 12 thành viên của Hội đồng đã bỏ phiếu ủng hộ, còn Nga và Anh bỏ phiếu trắng. Mỹ bỏ phiếu chống.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield phát biểu trước Hội đồng gồm 15 thành viên sau cuộc bỏ phiếu: “Chúng tôi đang thực hiện công việc ngoại giao khó khăn. Chúng tôi tin rằng chúng ta cần để hoạt động ngoại giao diễn ra".
"Đúng, các nghị quyết rất quan trọng, và hội đồng này phải lên tiếng. Nhưng những hành động chúng ta thực hiện phải dựa trên thực tế và hỗ trợ các nỗ lực ngoại giao trực tiếp. Điều đó có thể cứu được nhiều mạng sống. Hội đồng cần làm đúng điều này", bà nói.
Washington có truyền thống bảo vệ đồng minh Israel khỏi bất kỳ hành động nào của Hội đồng Bảo an LHQ.
Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia chỉ trích: “Chúng ta vừa một lần nữa chứng kiến thói đạo đức giả và tiêu chuẩn kép của các đồng nghiệp Mỹ”. Trước đó, nghị quyết do Nga soạn thảo kêu gọi ngừng bắn nhân đạo không được thông qua tại Hội đồng Bảo an LHQ.
Cũng trong ngày 18/10, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức để các con tin được thả và hàng viện trợ được đưa đến Dải Gaza.
Nga cho biết họ đã kiến nghị Đại hội đồng LHQ gồm 193 thành viên triệu tập phiên họp đặc biệt về cuộc xung đột, nơi Nga có thể đệ trình một dự thảo nghị quyết để bỏ phiếu ở đó. Đại hội đồng LHQ là nơi không quốc gia nào có quyền phủ quyết, các nghị quyết được cơ quan này đưa ra không mang tính ràng buộc nhưng có sức nặng chính trị.
Đặc phái viên hòa bình của LHQ về Trung Đông Tor Wennesland phát biểu rằng có nguy cơ "rất thực tế và cực kỳ nguy hiểm" về khả năng xung đột mở rộng.
“Tôi lo ngại rằng chúng ta đang ở bờ vực thẳm sâu và nguy hiểm có thể thay đổi quỹ đạo của cuộc xung đột Israel-Palestine, nếu không nói là của toàn bộ Trung Đông”, ông Wennesland phát biểu trước Hội đồng qua video từ Doha.
Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Trương Quân cáo buộc Mỹ khiến các thành viên hội đồng tin rằng nghị quyết có thể được thông qua bằng cách không thể hiện quan điểm phản đối trong các cuộc bàn thảo trước đó. Ông nói rằng kết quả cuộc bỏ phiếu là "không có gì khó tin".
Đại sứ Mỹ Thomas-Greenfield cho biết, Mỹ thất vọng vì dự thảo nghị quyết không đề cập đến quyền tự vệ của Israel và bà đổ lỗi cho Hamas về cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza.
“Chúng tôi đang làm việc với Israel, các nước láng giềng, LHQ và các đối tác khác để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza. Điều quan trọng là thực phẩm, thuốc men, nước và nhiên liệu phải bắt đầu được chuyển vào Dải Gaza càng sớm càng tốt. Hành động của chính Hamas đã gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng này", bà nói.
Các nỗ lực ngoại giao quốc tế đang tập trung vào việc cố gắng tạo ra sự tạm dừng nhân đạo và chuyển hàng viện trợ qua cửa khẩu biên giới Rafah giữa Ai Cập và Dải Gaza. Ai Cập cho biết Rafah chưa chính thức đóng cửa nhưng không thể hoạt động do các cuộc không kích của Israel vào phía Dải Gaza.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tới thăm Israel vào ngày 18/10 bất chấp những lo ngại về an ninh khi xung đột Israel - Hamas diễn biến phức tạp. Sự xuất hiện của ông Biden ở Israel...
Nguồn: [Link nguồn]