Mỹ - ASEAN bắt đầu 1 kỷ nguyên mới

Quan hệ Mỹ - ASEAN sẽ sang một kỷ nguyên mới với việc hai bên quyết định sẽ nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện.

Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN bắt đầu một kỷ nguyên mới - cụm từ được chính Tổng thống Mỹ Joe Biden lẫn Bộ Ngoại giao Mỹ sử dụng - của quan hệ đối tác giữa Mỹ với khu vực.

Nhiều dấu ấn quan trọng

Hội đàm với các lãnh đạo ASEAN, Tổng thống Biden khẳng định: “Một phần lớn của lịch sử thế giới trong 50 năm tới sẽ được định hình ở các nước ASEAN và quan hệ (giữa Mỹ) với ASEAN chính là tương lai trong những năm tới và những thập niên tới”. Trong khi đó, thông cáo trên trang web Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ sự gắn kết của quan hệ đối tác Mỹ - ASEAN sẽ được dẫn dắt bởi các mục tiêu bổ sung của Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AĐD - TBD) của Mỹ và triển vọng ASEAN về AĐD - TBD.

Trang web eastasiaforum.org của Diễn đàn Đông Á cho rằng thành công của chính quyền Tổng thống Biden trong việc điều chỉnh chặt chẽ hơn chiến lược AĐD - TBD với Triển vọng của ASEAN về AĐD - TBD rất quan trọng, vì qua đó ASEAN sẽ nhìn nhận sự tôn trọng của Mỹ đối với vai trò trung tâm của khối trong cấu trúc an ninh khu vực.

Hội nghị đặc biệt Mỹ - ASEAN lần này mang tính biểu tượng quan trọng. Ảnh: NHẬT BẮC

Hội nghị đặc biệt Mỹ - ASEAN lần này mang tính biểu tượng quan trọng. Ảnh: NHẬT BẮC

Mỹ không cam kết suông với ASEAN. Ngày hội nghị thứ hai (13-5), Tổng thống Biden thông báo rằng ông đề cử ông Yohannes Abraham hiện là chánh văn phòng Hội đồng An ninh Quốc gia, làm đại sứ Mỹ ở ASEAN. Đây là một động thái rất đáng chú ý từ phía Mỹ. Sự vắng mặt đại sứ Mỹ tại ASEAN kể từ khi Mỹ bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump năm 2017 đã làm tăng sự hoài nghi trong khu vực về tính cam kết của Mỹ.

Trong “Tuyên bố tầm nhìn chung” sau hội nghị, Mỹ và ASEAN đã cam kết nâng mức “quan hệ đối tác chiến lược” hiện tại lên thành “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” vào tháng 11 tới.

Trong ngày hội nghị đầu tiên (12-5), Mỹ công bố hơn 150 triệu USD hỗ trợ các sáng kiến ​​của ASEAN và kỳ vọng sẽ huy động thêm nhiều tỉ USD từ nguồn tài chính tư nhân nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ Mỹ - ASEAN, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN và mở rộng năng lực chung để đạt được các mục tiêu chung.

Trước đó, để thể hiện sự ủng hộ của lưỡng đảng đối với ASEAN, một nhóm các nhà lập pháp đảng Dân chủ và Cộng hòa cũng thông qua một nghị quyết tái khẳng định cam kết của Mỹ sẽ tiếp tục là một đối tác mạnh mẽ, đáng tin cậy và tích cực đối với ASEAN. Nghị quyết, được đưa ra hôm 11-5 tại Hạ viện Mỹ, nêu bật sức mạnh của mối quan hệ chính trị, kinh tế, an ninh và giao lưu nhân dân giữa Mỹ và ASEAN.

Mỹ tập trung trong quan hệ với ASEAN

Theo chuyên gia Greg Poling thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), hội nghị đặc biệt Mỹ - ASEAN lần này mang tính biểu tượng quan trọng và thể hiện sự nghiêm túc của Mỹ trong quan hệ với ASEAN.

“Hội nghị thượng đỉnh này là một sự kiện lớn vì AĐD - TBD là một ưu tiên của Mỹ và ASEAN là trung tâm trong chiến lược Mỹ ở khu vực này. Hội nghị thượng đỉnh là cơ hội để ông Biden gặp gỡ lãnh đạo các nước Đông Nam Á và cho thấy cam kết của ông đối với khu vực không chỉ là lời nói suông” - trang tin BenarNews dẫn lời chuyên gia Poling.

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, bà Sharon Seah, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu ASEAN thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore), nhận định rằng quan hệ giữa Mỹ và ASEAN trải qua những thăng trầm, tùy theo sự ưu tiên trong chính sách của chính quyền Mỹ tại mỗi thời điểm. Trước đây, dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ có phần mờ nhạt vai trò ở Đông Nam Á phần nào gây hoài nghi ở các nước ASEAN. Ngược lại, chính quyền Tổng thống Biden đã cố gắng đảm bảo sự nhất quán hơn trong quan hệ với các nước trong khu vực bằng nhiều chuyến thăm cấp cao vào năm ngoái và đây là điều đáng khích lệ.

Có thể nói Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN đánh dấu đỉnh cao của một chiến dịch ngoại giao kéo dài 11 tháng của chính quyền Tổng thống Biden nhằm làm nồng ấm lại sự gắn kết giữa Mỹ với ASEAN, khẳng định lại ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực và đảo ngược nhận thức ở châu Á về sự thờ ơ của người Mỹ kể từ thời Tổng thống Trump, theo trang tin Politico.

Tuyên bố chung Mỹ - ASEAN đề cập Biển Đông

Tuyên bố tầm nhìn chung Mỹ - ASEAN sau hội nghị gồm 28 điểm đúc kết những gì Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo ASEAN đã trao đổi, làm việc suốt hai ngày tại Mỹ, theo hãng tin Reuters, có đề cập vấn đề Biển Đông.

Về vấn đề này, các lãnh đạo ASEAN và Mỹ cùng nhấn mạnh rằng sự ổn định và hòa bình trên vùng biển này có ý nghĩa với tất cả các bên, đồng thời kêu gọi giải quyết bất đồng bằng luật pháp quốc tế. Một số vấn đề khác như đảm bảo ASEAN là khu vực không có vũ khí hạt nhân, hợp tác bảo vệ đa dạng sinh học, tăng cường giao lưu nhân dân... cũng được nhắc đến trong tuyên bố.

Nguồn: [Link nguồn]

Nhiều diễn biến đáng chú ý ở Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ

Mỹ cam kết đầu tư hàng trăm triệu USD cho Đông Nam Á trong bối cảnh hai bên đối thoại tích cực về nhiều vấn đề trong và ngoài khu vực.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Hiền - Khôi Chương ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN