Mưu đồ lớn của Trung Quốc dưới đáy Biển Đông

Biển Đông không chỉ “dậy sóng” ở trên biển mà dưới đáy đại dương, tham vọng của Trung Quốc đang ngày càng hiện hữu rõ nét.

Mưu đồ lớn của Trung Quốc dưới đáy Biển Đông - 1

Tàu ngầm Trung Quốc được gắn thêm đầu đạn hạt nhân để gia tăng "khả năng phòng vệ".

Ngày hôm nay 12.7, tòa án Trọng tài Thường trực sẽ đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Biển Đông. Tuy nhiên, theo nhà phân tích Alexander Neill, tham vọng của Trung Quốc không chỉ là những đảo trên mặt nước mà còn là cả đại dương sâu thẳm. Chuyên gia này nhận định điểm quan trọng nhất mà Trung Quốc nhắm tới là một hạm đội tàu ngầm hạt nhân có thể tiến vào Thái Bình Dương.

Trung Quốc trong hai năm qua đã hiện thực hóa âm mưu lấn chiếm của mình bằng việc biến những đảo hoang không cơ sở vật chất thành những tiền đồn quan trọng trên Biển Đông. Bắc Kinh liên tục bồi lấp trái phép trên biển và biến nơi đây thành những địa điểm có đường băng, bãi đáp và âu tàu lớn.

Cộng đồng quốc tế rất quan tâm vì sao Bắc Kinh lại tìm cách bồi lấp trái phép những đảo nhân tạo với tốc độ nhanh đến vậy? Nhiều chuyên gia nhận định rằng kế hoạch dài hơi của Trung Quốc là xây dựng một “Vạn lý trường thành cát” nhằm ngăn chặn hạt nhân trên biển.

Mưu đồ lớn của Trung Quốc dưới đáy Biển Đông - 2

Trung Quốc có nhiều tham vọng dưới đáy Biển Đông thông qua hạm đội tàu ngầm của mình.

Việc bồi lấp và xây dựng đảo nhân tạo trái phép có hai mục đích. Thứ nhất, nó được sử dụng để biện hộ cho cái gọi là “chủ quyền trên biển” của Trung Quốc và thứ hai, duy trì sự hiện diện quân sự cũng như dân sự trái phép trên Biển Đông.

Trung Quốc biện hộ rằng ngoài mục tiêu phòng vệ, đảo nhân tạo có mục tiêu phục vụ công tác cứu hộ trên biển. Trung Quốc xây nhiều hải đăng và bệnh viện trái phép trên đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tuy nhiên, mặt biển chỉ là một phần nhỏ trong tham vọng lớn hơn nhằm bành trướng dưới nước của chính quyền Bắc Kinh.

Quân đội Trung Quốc rất lo lắng về khả năng ngăn ngừa hạt nhân trên đất liền nên điều này buộc Trung Quốc phải gắn thêm các đầu đạn hạt nhân lên tàu ngầm. Hai năm trước, Trung Quốc từng triển khai tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Jin trang bị 12 quả tên lửa JL-2 mang được đầu đạn hạt nhân.

Mưu đồ lớn của Trung Quốc dưới đáy Biển Đông - 3

Một đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp trái phép.

Tàu ngầm hạt nhân lớp Jin được điều động từ căn cứ hải quân Tam Á trên đảo Hải Nam và có đủ khả năng kiểm soát vùng biển sâu dưới Biển Đông. Tuy nhiên để đưa Mỹ vào tầm ngắm của tàu ngầm, bước đầu tiên là tiến vào Thái Bình Dương.

Trước khi đạt được điều này, các tàu ngầm hạt nhân ở đảo Hải Nam phải đi qua Biển Đông, tiến vào Thái Bình Dương mà không bị quân đội Mỹ phát hiện. Lầu Năm Góc nói rằng tàu ngầm Trung Quốc khả năng lớn sẽ “mò” vào Thái Bình Dương trong năm nay.

Phần biển phía đông của Biển Đông tương đối nông, sâu khoảng 100m. Tuy nhiên khi tiến vào “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc ngang ngược tuyên bố, mực nước có thể lên tới 4.000m. Đây là địa điểm lý tưởng để tàu ngầm ngụy trang.

Mưu đồ lớn của Trung Quốc dưới đáy Biển Đông - 4

Đá Chữ Thập đã có đường băng trái phép cho máy bay chở khách cỡ lớn.

Nhiều chuyên gia tin rằng vùng nước sâu ở Biển Đông và năng lực được cải thiện của tàu ngầm Trung Quốc sẽ biến nơi đây thành “pháo đài dưới nước” cho hạm đội này. Những năm trở lại đây, vùng nước sâu dưới Biển Đông là nơi mà Mỹ và Trung Quốc tranh giành không ngớt.

Đầu năm 2009, tàu cá Trung Quốc từng tìm cách cắt cáp gắn vào thiết bị tìm kiếm tàu ngầm của tàu tuần tra Impeccable tại đảo Hải Nam. Cuối năm đó, tàu ngầm Trung Quốc đã va phải thiết bị phát hiện tàu ngầm được tàu khu trục USS John McCain kéo tại vùng biển Philippines.

Gần đây, Trung Quốc nâng cấp khá nhiều khả năng săn tàu ngầm. Ngày 8.6, Hải quân Trung Quốc cho ra mắt tàu khu trục cỡ nhỏ Type 056A được thông báo là có năng lực tác chiến dưới nước vượt trội.

Mưu đồ lớn của Trung Quốc dưới đáy Biển Đông - 5

Mỹ tập trận ở vùng biển Philippines cùng tàu sân bay và máy bay chiến đấu.

Mỹ và đồng minh dĩ nhiên không chịu ngồi yên xem Trung Quốc “tự tung tự tác” ở Biển Đông. Mới đây, Mỹ đã xây dựng một hệ thống nghe lén dưới đáy biển chạy dọc châu Á. Trung Quốc dự định cũng phát triển một mạng lưới tương tự ở Biển Đông.

Ảnh vệ tinh cho thấy các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp trái phép được trang bị cảm biến rất hiện đại, gồm radar, trạm liên lạc vệ tinh, với ý đồ tăng khả năng của hải quân nước này ở Biển Đông.

Những công nghệ hiện đại cung cấp phương tiện quản lý, liên lạc cho các tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc, khiến chúng khó bị phát hiện hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Minh - BBC ([Tên nguồn])
Tin tức Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN