Một trật tự thế giới mới dần hé lộ từ xung đột Nga - Ukraine
Phương Tây đã đánh giá thấp quyết tâm của Nga trong nỗ lực giành lại vị thế chính trị trên trường quốc tế.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ ngày 24-2 đến nay, giới quan sát cho rằng động thái đó đã chính thức chấm dứt trật tự toàn cầu hình thành từ sau Chiến tranh lạnh, với phương Tây là thế lực có tầm ảnh hưởng nhất thế giới. Moscow đang quyết tâm tháo dỡ cấu trúc chính trị quốc tế hiện tại, tạo ra những thay đổi mới có lợi cho Nga hơn và kết quả ở Ukraine sẽ cho thấy liệu nỗ lực này có thành công hay không.
Tổng thống Nga Vladimir Putin viếng các mộ liệt sĩ vô danh nhân ngày Bảo vệ Tổ quốc của Nga 23-2. Ảnh: AP
Phương Tây, Ukraine hiểu sai về Nga
Trong bài viết mới đây cho tờ The Washington Post, chuyên gia David Ignatius thuộc Trung tâm Belfer của ĐH Harvard (Mỹ) nhận định cuộc chiến ở Ukraine hiện nay không phải là một sự kiện mà hai bên bất ngờ và bị ép buộc lâm vào xung đột, thực chất đó là kết quả của một chiến dịch có tính toán kỹ từ phía Nga.
Trên thực tế, Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William J. Burns trong chuyến thăm Nga hồi tháng 11 năm ngoái đã từng trực tiếp cảnh báo về ý định của Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Mục đích chuyến đi của ông Burns lúc đó là nhằm làm rõ ý định thực sự của Nga, sau khi tình báo Mỹ nắm được thông tin có thể Moscow đang dự định phát động chiến dịch.
Khi trở về Washington, ông Burns đã khẳng định Tổng thống Vladimir Putin nhiều khả năng đã sẵn sàng lãnh đạo Nga tham chiến. Chủ nhân điện Kremlin dường như đánh giá rằng thời điểm này đã chín muồi, khi phương Tây đang suy yếu và bị chia rẽ bởi các yếu tố chính trị, dịch bệnh; còn Nga đang mạnh lên cả về thế và lực.
Trong khi đó, Ukraine cũng đang có nhiều dấu hiệu ngả về phương Tây hơn - vốn là diễn biến rất nguy hiểm cho an ninh của Nga trong nhãn quan của ông Putin. Hơn nữa, giới lãnh đạo Nga nói chung luôn có quan điểm Ukraine là một phần của Nga do có nhiều điểm tương đồng, khiến việc một Ukraine thân phương Tây càng trở nên khó chấp nhận. Đổ quân can thiệp Ukraine lúc này trở thành hành động đầu tiên của Nga trong nỗ lực tìm lại ảnh hưởng chính trị ở Đông Âu nói chung, sau Ukraine sẽ là những nước khác từng nằm trong thành phần Liên Xô trước đây.
Nhiều tháng qua, phương Tây đã liên tục cảnh báo về nguy cơ Nga xung đột với Ukraine. Danh sách các biện pháp trừng phạt về kinh tế - chính trị cũng đã được chuẩn bị sẵn và công bố từ trước cùng những lời cảnh báo công khai là nền kinh tế Nga sẽ lãnh hậu quả nếu Nga đưa quân vào Ukraine, song tất cả dường như đều không đủ. Giới chuyên gia đều có chung nhận định phương Tây, bất chấp những dấu hiệu leo thang ngày càng nghiêm trọng, đã không lường trước Nga có thể chọn phương án quân sự để giải quyết vấn đề Ukraine.
“Đây là sự kiện đáng kinh ngạc và sẽ mang tới nhiều hậu quả. Động thái này sẽ gây ra những hậu quả khủng khiếp cho Mỹ, phương Tây và cho cả người Nga. Châu Âu, Mỹ và Ukraine đã tính toán sai lầm. Hai bên đã tìm cách xích lại gần nhau với giả định rằng Nga sẽ chỉ dồn quân biên giới chứ không đi xa hơn. Tuy nhiên, sự sai lầm là có thể hiểu được bởi các tính toán của chính quyền ông Putin lâu nay luôn khiến đối thủ đau đầu” - ông Ignatius cho hay.
Trật tự thế giới sẽ có nhiều chuyển biến
Theo bài viết trên tờ The Straits Times của GS Chan Han Chee thuộc ĐH Quốc gia Singapore, có một số lý do giải thích tại sao Nga muốn tìm lại phạm vi ảnh hưởng ở Đông Âu nhưng căn bản nhất vẫn là vấn đề địa vị.
Nga muốn được thừa nhận là một cường quốc. Và một cường quốc luôn có xu hướng thực hiện hành vi gây ảnh hưởng và loại trừ các cường quốc khác khỏi khu vực lân cận của mình. Việc khôi phục vị thế của Nga với tư cách một nước lớn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Tổng thống Putin cũng như đối với đại đa số người Nga.
Điều này cho thấy rõ lý do tại sao Nga không chỉ quyết tâm ngăn chặn Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà còn yêu cầu Washington hứa hẹn với Moscow rằng Mỹ sẽ không ký một hiệp ước có hiệu lực tương tự.
Trên một góc nhìn khác, có vẻ như đây không phải vì Nga thực sự cảm thấy bị đe dọa bởi các lực lượng NATO ở khu vực biên giới của mình, mà còn bởi nếu Washington cam kết rằng Ukraine sẽ không bao giờ trở thành thành viên NATO thì rõ ràng họ đã thừa nhận quyền của Nga, với tư cách là cường quốc, trong việc từ chối sự hiện diện chiến lược của Mỹ bên trong phạm vi ảnh hưởng của Moscow.
Dù vậy, khả năng dễ thấy nhất ở hiện tại, sự việc ở Ukraine về lâu dài sẽ tái định hình căn bản chính sách quốc phòng của Mỹ và châu Âu theo hướng coi Nga là đe dọa hàng đầu. Các lực lượng NATO sẽ được tái cơ cấu và tăng cường ở phía đông, còn Phần Lan và Thụy Điển là những nước lâu nay trung lập sẽ gia nhập liên minh.
Cái khó của châu Âu trong việc đáp trả Nga lúc này là nhiều quốc gia ở đây phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, mua tới 50% lượng khí đốt mà nước này tiêu thụ từ Nga. Các chuyên gia cho rằng sẽ có những động lực liên tục đòi hỏi châu Âu độc lập về năng lượng hơn với Nga. Một trong các lựa chọn là sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng nhập khẩu từ Mỹ, dù rằng chi phí đội lên sẽ không hề dễ chịu.
Tuy nhiên, những hạn chế trong khả năng đáp trả Nga đã khiến chính phương Tây hiểu rõ mức độ dễ bị tổn thương của mình hơn bao giờ hết và khả năng kiểm soát Nga của họ không lớn như lâu nay luôn tính toán.
“Đây sẽ là cuộc xung đột trường kỳ, không chỉ bắt đầu và kết thúc với Ukraine. Đây nên là lời cảnh tỉnh cho phương Tây nghĩ lại về cách tương tác với thế giới, phải làm thế nào để bảo vệ các đồng minh, chuẩn bị cho một tương lai khó khăn mà đa phần người dân còn chưa hình dung tới. Nếu Nga giành chiến thắng ở Ukraine, trật tự thế giới hiện tại có thể sẽ xuất hiện nhiều diễn biến khó lường” - bà Chan nhận định.
Thượng viện Mỹ mới đây chính thức thông qua dự luật về gói chi tiêu 1.500 tỉ USD, trong đó phân bổ 13,6 tỉ USD để viện trợ cho Ukraine. Trong khi đó, Hạ viện Mỹ vừa thông qua dự luật cấm nhập khẩu dầu của Nga và kêu gọi xem xét lại tư cách thành viên của nước này ở Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Nga - Ukraine vẫn chưa đạt được thỏa thuận đình chiến Ngày 10-3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba tại Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cũng có mặt. Tuy nhiên, cuộc đàm phán đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận ngừng bắn, theo tờ The New York Times. Ông Kuleba cho biết Ukraine sẵn sàng tiếp tục thảo luận về cách kết thúc cuộc chiến. Trong khi đó, ông Lavrov khẳng định Nga không có kế hoạch tấn công nước khác, cũng không tấn công Ukraine mà buộc phải tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine để đảm bảo an ninh quốc gia. Đây là cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa lãnh đạo hai bên kể từ khi Nga đưa quân vào Ukraine. Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan cho biết ông hy vọng cuộc gặp nói trên “sẽ mở đường cho một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn”. |
Cục diện chiến sự ở Ukraine sau hơn 2 tuần Nga phát động chiến dịch quân sự là một trong những ẩn số rất được quan tâm, trong bối cảnh cả quân đội Nga và Ukraine đều thông...
Nguồn: [Link nguồn]