Một thứ có thể quyết định ai chiến thắng trong cuộc xung đột Nga-Ukraine

Cuộc chiến ở Donbass (miền đông Ukraine) nay đã biến thành cuộc đọ sức về pháo binh giữa Nga và Ukraine. Trong bối cảnh đó, tình trạng thiếu đạn dược đang trở thành vấn đề nghiêm trọng đối với Ukraine khi nước này phụ thuộc rất nhiều vào vũ khí thời Liên Xô.

Theo trang 19fortyfive, cuộc chiến ở Donbass (miền đông Ukraine) nay đã biến thành một cuộc đọ sức về pháo binh giữa Nga và Ukraine, một kiểu chiến tranh chưa từng thấy ở mặt trận phía Tây kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Trong bối cảnh đó, tình trạng thiếu đạn dược đang trở thành vấn đề nghiêm trọng đối với Ukraine khi nước này phụ thuộc rất nhiều vào vũ khí thời Liên Xô.

Bài toán khó của Ukraine khi sắp hết đạn dược thời Liên Xô

Đầu tháng 6, ông Vadym Skibitsky, Phó Cục trưởng Cục tình báo quân đội Ukraine thừa nhận với truyền thông phương Tây rằng: “Đây là cuộc chiến tranh pháo binh”.

Ông Skibitsky nói thêm: “Chúng tôi đang thua về pháo binh. Mọi thứ bây giờ phụ thuộc những gì phương Tây cung cấp cho chúng tôi. Nếu Ukraine có một khẩu pháo thì Nga có 10-15 khẩu pháo. Các đối tác phương Tây của chúng tôi đã cung cấp cho chúng tôi khoảng 10% những gì họ có”.

Xe tăng Ukraine khai hỏa vào các vị trí của Nga tại vùng Donbass (miền Đông Ukraine). Ảnh: Tyler Hicks/The New York Times

Xe tăng Ukraine khai hỏa vào các vị trí của Nga tại vùng Donbass (miền Đông Ukraine). Ảnh: Tyler Hicks/The New York Times

Theo ông Skibitsky, Ukraine đang sử dụng 5.000-6.000 viên đạn pháo mỗi ngày và họ gần như đã sử dụng hết đạn pháo của mình. Hiện lực lượng Ukraine đang sử dụng đạn pháo 155mm tiêu chuẩn NATO.

“Chúng tôi sắp hết đạn pháo. Những loại đạn này không được cung cấp đủ nhanh vì chúng tôi khai hỏa thường xuyên” – Oleg, một binh sĩ thuộc đơn vị pháo binh của Ukraine nói với báo The New York Times.

Bà Mariana Bezugla, Phó Chủ tịch Ủy ban Tình báo, Quốc phòng và An ninh quốc gia Ukraine cho hay tình trạng thiếu hụt đạn sử dụng cho vũ khí thời Liên Xô đang xảy ra khắp mặt trận phía đông, nơi lực lượng Ukraine đang chiến đấu để bảo vệ Donbass khỏi rơi vào tay Nga.

Là một phần của Liên Xô trước đây, không có gì ngạc nhiên khi Ukraine – tất nhiên cũng giống như Nga – tiếp tục phụ thuộc rất nhiều vào vũ khí pháo binh của Liên Xô và dĩ nhiên là đạn dược đi kèm. Vấn đề là đạn dược thời Liên Xô mà Kiev dự trữ sắp hết và nhiều khẩu pháo lớn trong số đó về cơ bản là vô dụng nếu không có đạn.

Cũng không dễ dàng để phương Tây gửi thêm đạn dược cho Ukraine vì pháo của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và pháo thời Liên Xô có cỡ nòng khác nhau và cũng không tương thích hay có thể thay thế cho nhau được.

Đạn pháo tiêu chuẩn của NATO là 105 mm và 155 mm trong khi Liên Xô sử dụng đạn pháo cỡ nòng 122 mm - 152 mm. Mặc dù một số quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước Warsaw trước đây (nhiều quốc gia hiện là thành viên NATO) đã gửi đạn dự trữ của họ sang Ukraine nhưng Nga được cho là đã cố ngăn chặn các nước sử dụng pháo binh thời Liên Xô cung cấp đạn dược cho Ukraine.

Ngoài ra, Nga đã tấn công các kho đạn của Ukraine nhằm làm suy yếu Kiev hơn nữa trên chiến trường.

Binh sĩ Ukraine ẩn nấp khi một vài quả đạn pháo của Nga bay trên đầu, rơi xuống cánh đồng đằng sau vị trí pháo binh của họ. Ảnh: Tyler Hicks/The New York Times

Binh sĩ Ukraine ẩn nấp khi một vài quả đạn pháo của Nga bay trên đầu, rơi xuống cánh đồng đằng sau vị trí pháo binh của họ. Ảnh: Tyler Hicks/The New York Times

Chính phủ Ukraine hiện yêu cầu các đồng minh hỗ trợ họ thay thế các loại pháo cũ kỹ bằng những loại vũ khí có thể sử dụng đạn của NATO để có thể dễ dàng bổ sung hơn. Tuy nhiên, những vũ khí này, bao gồm lựu pháo M777 155mm và hệ thống pháo phản lực bắn loạt tầm xa HIMARS do Mỹ sản xuất chỉ mới bắt đầu đến tay binh sĩ Ukraine và sau đó họ còn phải cần được huấn luyện sử dụng chúng.

Cuộc đọ sức về pháo binh sẽ tiếp tục nhưng chỉ khi lực lượng Ukraine có đủ đạn kịp thời vào tháng 6 và tháng 7, theo 19fortyfive.

Vấn đề của lực lượng Nga

Cũng theo 19fortyfive, nhiều chuyên gia quân sự tình báo phương Tây cho rằng quân đội Nga có thể phải sớm giảm tần suất hoặc thậm chí dừng tấn công Donbass do thương vong nặng và thiếu đạn dược.

Bất chấp lực lượng Nga tập trung vào hỏa lực pháo binh cũng như các cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào lực lượng Ukraine, nhiều nhà phân tích tin rằng lực lượng Nga sắp hết đạn được, đặc biệt là pháo.

Cỏ bị đốt cháy do hỏa lực của pháo binh Nga gần một ngôi làng ở chiến tuyến vùng Donetsk. Ảnh: Tyler Hicks/The New York Times

Cỏ bị đốt cháy do hỏa lực của pháo binh Nga gần một ngôi làng ở chiến tuyến vùng Donetsk. Ảnh: Tyler Hicks/The New York Times

Theo trang Evening Standard, lực lượng Nga những ngày gần đây bắn phá TP công nghiệp Severodonetsk khi họ cố gắng giành quyền kiểm soát vùng Donbass. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng nỗ lực của họ đang bị cản trở do thiếu thiết bị, trong đó có tên lửa chính xác tầm xa.

Các loại vũ khí cũ kỹ đang được đưa ra khỏi kho để bù đắp cho sự thiếu hụt.

“Ông Putin đã lên kế hoạch cho một cuộc chiến rất ngắn, một chiến dịch kéo dài 30 ngày. Họ đang gặp khó khăn với việc cung cấp đạn dược cho tiền tuyến” – các quan chức phương Tây nói khi cuộc xung đột bước sang ngày thứ 125.

Trước tình trạng Nga thiếu đạn dược, nhuệ khí thấp và các đơn vị chiến đấu được trang bị kém, giới chức phương Tây cảnh báo những tiến bộ nhỏ mà Nga đạt được tại Ukraine sẽ sớm trở nên không bền vững.

Giới chức phương Tây nói thêm Điện Kremlin sẽ muốn giữ lại một lượng vũ khí dự trữ phòng trường hợp họ muốn gây chiến với NATO.

Bất chấp tình trạng thiếu hụt đạn dược, giới chức phương Tây dự đoán cuộc chiến sẽ tiếp tục trong một thời gian dài mà không có thỏa hiệp chiến lược. Cả hai bên sẽ muốn đào sâu và duy trì lợi thế mà họ đã giành được, các chuyên gia nói thêm.

Nguồn: [Link nguồn]

Chiến thuật du kích - yếu tố đảo chiều cục diện xung đột Nga-Ukraine?

Dù đang thất thế trước quân Nga nhưng với chiến thuật đánh du kích các lực lượng không chính quy của Ukraine đã cản trở đáng kể hoạt động của các chính quyền do Nga hậu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tri Túc ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN