Một phần ba dân châu Âu từng bị một loại vi khuẩn xóa sổ như thế nào?

Người dân đi qua các con đường phải dùng nước hoa để át đi mùi tử thi xuất hiện khắp nơi. Bệnh dịch giết những người nhiễm bệnh nhanh đến mức họ chết gục ngay trên đường phố...

Đại dịch reo rắc kinh hoàng ở châu Âu vào thế kỷ 14 (ảnh minh họa: PBS)

Đại dịch reo rắc kinh hoàng ở châu Âu vào thế kỷ 14 (ảnh minh họa: PBS)

Dịch viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới (COVID-19) bùng phát từ Vũ Hán, Trung Quốc, lan rộng ra hàng chục quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến cả thế giới hoang mang. Đặc biệt là khi tốc độ lây lan của nó quá nhanh. Mặc dù dịch Corona đang được kiểm soát khá tốt ở ngoài Trung Quốc, và con người ngày nay dễ khống chế dịch bệnh hơn nhờ khoa học công nghệ, nhưng những gì diễn ra cũng gợi nhắc rằng, trong quá khứ, nhân loại từng phải đối mặt với các đại dịch kinh hoàng. Loạt bài này sẽ cùng độc giả tìm hiểu về các đại dịch lớn trên thế giới. Mở đầu là đại dịch phủ bóng đen lên toàn châu Âu, cướp sinh mạng 1/3 dân số châu Âu.

Hơn 6 thế kỷ trước, một đại dịch đã reo rắc ám ảnh lên toàn châu Âu và một phần châu Á, cướp sinh mạng của hàng chục triệu người. Nó được biết đến với tên gọi "Cái chết Đen".

Theo Live Science, "Cái chết Đen" ở thế kỷ 14 là một trong những đại dịch đáng sợ trên thế giới do vi khuẩn dịch hạch gây ra. Nó kinh hoàng tới mức, khi thảo luận về bệnh dịch hạch, các nhà sử học không thể không nhắc tới đại dịch này.

Trong cuốn sách "The Black Death, 1346-1353: The Complete History", (Tạm dịch: Cái chết Đen, 1346-1353, Lịch sử hoàn thiện), tác giả Ole Jørgen Benedictow ước tính khoảng 50-60% dân số châu Âu (khoảng 50 triệu người) bị xóa sổ trong đại dịch "Cái chết Đen". Con số này cao hơn con số được nhiều nguồn đưa ra trước đó nói rằng 1/3 dân số châu Âu đã thiệt mạng trong đại dịch.

Dấu hiệu về một đại dịch đã xuất hiện ở châu Âu vào thế kỷ 14 khi một đợt dịch hạch ban đầu khiến gia súc chết dần chết mòn. Hệ quả là mùa màng năm đó thất bát dẫn tới 2 nạn đói lớn trên khắp châu Âu vào các năm 1316 và 1317.

Đại dịch "Cái chết Đen" cướp sinh mạng 1/3 dân số châu Âu thời điểm đó (khoảng 50 triệu người). Ảnh minh họa: Historic UK

Đại dịch "Cái chết Đen" cướp sinh mạng 1/3 dân số châu Âu thời điểm đó (khoảng 50 triệu người). Ảnh minh họa: Historic UK

Thêm vào đó, tình trạng hỗn loạn càng trầm trọng thêm khi các cuộc chiến tranh, nhất là cuộc chiến tranh Trăm Năm (1337-1453) giữa Anh và Pháp, diễn ra. Thậm chí, ngay cả thời tiết cũng trở nên tồi tệ hơn khi chu kỳ khí hậu ôn hòa nhường chỗ cho sự khởi đầu của một thời kỳ băng giá - mùa đông lạnh và kéo dài hơn. Điều đó đồng nghĩa thời gian trồng trọt bị thu hẹp lại, dẫn tới thức ăn ngày càng khan hiếm.

Theo National Interest, "Cái chết Đen" được cho là bắt nguồn từ các thảo nguyên Trung Á, dần dần lan tới phía tây dọc theo các tuyến đường thương mại. Bệnh dịch hạch lần đầu tiên xuất hiện tại châu Âu là ở thành phố Genoa, Ý, năm 1347.

Một giả thuyết cho rằng các thương nhân Ý đã mắc bệnh dịch hạch trong suốt cuộc vây hãm thành phố Caffa của quân Mông Cổ khi những kẻ tấn công được cho là ném thi thể của người nhiễm bệnh vào trong tường thành. Những thương nhân Ý trốn khỏi thành phố, quay trở về Genoa và đem theo dịch bệnh. Trong nhiều tháng, 60% dân số trong thành phố này thiệt mạng.

Tại Florence, những người trong thành phố đã chuẩn bị kỹ lưỡng để tránh dịch bệnh, bao gồm cả việc từ chối cho những người nhiễm bệnh vào thành phố. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn lan rộng vào thời điểm mùa xuân khi thời tiết ấm hơn và hoạt động của lũ chuột ngày càng tăng.

Nhà văn người Ý Giovanni Boccaccio là người sống qua đợt dịch bệnh đầu tiên quét qua thành phố Florence, nơi ông sống, năm 1348. Ông đã mô tả cảnh hỗn loạn, nỗi hoang mang và một số điều nhầm tưởng thời điểm đó. Mọi người nghĩ rằng chỉ cần chạm vào quần áo người chết là chắc chắn mắc bệnh. Nhiều người tránh tiếp xúc trực tiếp với bạn bè và họ hàng để giảm khả năng lây nhiễm.

Người dân trong thành phố đi qua các con đường đều dùng nước hoa để át đi mùi tử thi xuất hiện khắp nơi. Bệnh dịch giết chết những người nhiễm bệnh nhanh đến mức họ chết gục ngay trên đường phố, trong khi số khác chết tại nhà và chỉ được phát hiện khi hàng xóm ngửi thấy mùi hôi thối bốc lên.

Từ nước Ý, dịch bệnh lan ra Pháp, Tây Ban Nha, Anh… và khắp châu Âu với số người chết tăng đột biến. Con đường lây bệnh chủ yếu vẫn là qua các tuyến đường thương mại, những người tháo chạy khỏi vùng dịch bệnh và những con chuột mang mầm bệnh.

Dịch hạch là một căn bệnh gây ra bởi vi khuẩn dịch hạch bám trên bọ chét, loài sống ký sinh trên động vật gặm nhấm, nhất là chuột nâu. Vi khuẩn dịch hạch có thể lây qua đường máu, đường tiêu hóa, đường hô hấp, đường da - niêm mạc.

Theo Ancient History Encyclopedia, bệnh dịch hạch gồm 3 loại: Dịch hạch thể hạch, dịch hạch thể nhiễm trùng huyết và dịch hạch phổi. Cả 3 loại đều xuất hiện trong đại dịch "Cái chết Đen" nhưng dịch hạch thể hạch là phổ biến hơn cả. Nó gây nổi hạch (sưng) nghiêm trọng ở háng và nách (các hạch bạch huyết).

Ảnh minh họa người mắc bệnh dịch hạch với các triệu chứng. Ảnh: Live Science

Ảnh minh họa người mắc bệnh dịch hạch với các triệu chứng. Ảnh: Live Science

Các vết loét màu đen, do tình trạng xuất huyết nội gây ra, bao phủ cơ thể. Các triệu chứng khác bao gồm sốt và đau khớp. Nếu không được chữa trị, khoảng 30 -75% số ca lây nhiễm bệnh dịch hạch thể hạch sẽ tử vong, thường trong vòng 3 ngày. Hai loại còn lại là thể nhiễm trùng huyết và dịch hạch phổi - thường gây tử vong trong mọi trường hợp.

Việc thiếu kiến thức y tế hay thậm chí là nhận thức khoa học cơ bản ở thế kỷ 14 khiến dịch bệnh càng lan nhanh. Người dân thời Trung Cổ không tin hoặc chưa có ý niệm về vi khuẩn gây bệnh cho người. Thay vào đó, họ đổ lỗi cho các tác nhân khác bao gồm khí độc, những kẻ xấu hay sự trừng phạt của "bề trên".

Xã hội thời đó cũng bị bệnh dịch làm thay đổi sâu sắc. Dịch bệnh và cái chết không chừa một ai. Số người chết từ mọi cấp độ (quý tộc tới nông dân) được ghi nhận với con số lớn. Những người nô bộc chết và không được thay thế đã làm suy yếu phần nào vị thế của các ông chủ.

Các cuộc nổi dậy diễn ra liên tục ở Anh, Pháp, Bỉ và Ý. Nhiều ngôi làng bị dịch bệnh xóa sổ, tình trạng thiếu lương thực diễn ra tràn lan. Người dân ở vùng dịch bệnh bị người khác nhìn với ánh mắt sợ hãi.

Nhiều ngôi làng bị dịch bệnh xóa sổ (ảnh minh họa: Future)

Nhiều ngôi làng bị dịch bệnh xóa sổ (ảnh minh họa: Future)

Quá nhiều thi thể khiến những người đứng đầu các khu vực không biết phải giải quyết như thế nào. Hình ảnh những chiếc xe đẩy chất đầy thi thể đã trở thành cảnh tượng phổ biến ở châu Âu thời điểm đó. Cách phòng tránh phổ biến thời bấy giờ chỉ là hạn chế tiếp xúc với người khác, và cầu nguyện.

Dịch bệnh cuối cùng cũng kết thúc vào năm 1352 nhưng lại tái bùng phát trở lại thêm một số đợt khác trong suốt phần còn lại của thời Trung cổ. Theo Live Science, tới sau thế kỷ 17, dịch hạch không còn bùng phát thành đại dịch lớn ở châu Âu.

Nguồn gốc tên gọi "Cái chết Đen"

Trong cuốn sách "The Black Death, 1346-1353: The Complete History" (Tạm dịch: Cái chết Đen, 1346-1353, Lịch sử hoàn thiện) xuất bản năm 2018, tác giả Ole Jørgen Benedictow cho rằng tên gọi "Cái chết Đen" xuất phát từ việc dịch sai nghĩa của cụm từ La tinh "atra mors" (Có nghĩa: Bóng đen khủng khiếp). Không có mối liên quan rõ rệt giữa cái tên này với các triệu chứng mà nạn nhân gặp phải do bệnh dịch hạch.

-----------------

Đầu thế kỷ 20, thế giới một lần nữa chao đảo khi một đại dịch được xem là chết chóc nhất trong lịch sử nhân loại xuất hiện. Theo một nguồn tư liệu, khoảng 500 triệu người trên toàn thế giới đã bị lây nhiễm trong đại dịch này. Người chết nhiều tới nỗi việc tổ chức đám tang riêng cho từng người trở thành nhiệm vụ bất khả thi. 

Mời quý độc giả đón đọc trong phần tiếp theo của loạt bài Những đại dịch reo rắc kinh hoàng cho nhân loại, đăng vào 19h ngày 16/2/2020 trên mục Thế giới

Loại virus từng khiến 50-100 triệu người tử vong và nguyên nhân gây hại khủng khiếp

Một so sánh nhỏ nhưng đủ để thấy mức độ nguy hiểm của đại dịch này: Số người chết do dịch bệnh trong một tháng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN