Một năm sau xung đột Ukraine: 3 kịch bản có thể xảy ra tiếp theo
Khi cuộc xung đột tại Ukraine sắp tròn một năm, diễn biến chiến sự tại khu vực tiền tuyến đang có phần chậm lại. Tuy nhiên, các cuộc giao tranh vẫn vô cùng quyết liệt.
Theo các nhà phân tích Mỹ, tại Bakhmut, thị trấn mà Moscow coi là chìa khóa để giành quyền kiểm soát toàn bộ khu vực phía Đông Donbas, những tuần qua đã chứng kiến các cuộc đụng độ ngày càng căng thẳng khiến hàng trăm binh sĩ bị thương và thiệt mạng mỗi ngày.
Cuối năm 2021 và đầu năm 2022, các nhà quan sát vốn không đánh giá cao nguy cơ nổ ra một cuộc xung đột quân sự. Thời điểm ấy, họ cho rằng việc Tổng thống Nga Vladimir Putin điều động một lượng lớn binh sĩ tới gần biên giới tiếp giáp với Ukraine chỉ là một động thái có tính răn đe, nhằm ngăn Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở rộng phạm vi tới những nơi vốn thuộc ảnh hưởng của Nga.
Cuộc xung đột tại Ukraine đã khiến cả thế giới bất ngờ. Ảnh: Getty
Cho đến nay, cuộc xung đột đã khiến cả thế giới bất ngờ về cả lĩnh vực quân sự, ngoại giao và chiến lược. Một mặt, Moscow dường như đã gặp khó trước sự kháng cự quyết liệt của Kiev - với sự trợ giúp đến từ các nước phương Tây. Mặt khác, thủ tướng các nước phương Tây cũng đối mặt với thách thức khi các kênh đối thoại bị chặn tại Liên hợp quốc và sự ủng hộ của Trung Quốc, Ấn Độ cùng một vài quốc gia khác dành cho Nga.
Phương Tây cũng đã tung ra hàng loạt gói trừng phạt nặng nhằm vào nền kinh tế Nga nhưng đến thời điểm hiện tại Moscow vẫn trụ vững và thậm chí còn tận dụng hiệu quả các lệnh trừng phạt này. Đặc biệt, quy mô của làn sóng di cư rời Ukraine sau chiến sự cũng khiến các nước phương Tây "không kịp xoay sở".
Dưới đây là 3 kịch bản có thể xảy ra tiếp theo khi cuộc xung đột Ukraine tròn một năm.
Nga chịu tổn thất lớn
Theo The Conversation, kịch bản đầu tiên là Nga có thể phát động một cuộc tấn công mới nhằm vào thủ đô Kiev cũng như vùng Donbas và tỉnh Kherson.
Tuy nhiên, các cuộc tấn công này nhiều khả năng sẽ thất bại. Nga đã mất nhiều binh sĩ và một phần lớn các khu vực mà nước này từng sáp nhập hồi tháng 9/2022. Ukraine, với sự hỗ trợ của phương Tây, có khả năng giành lại những khu vực mà Nga kiểm soát và sau đó tiến tới bán đảo Crimea.
Có nhiều yếu tố có thể dẫn tới thất bại của Nga trong kịch bản này. Tại Nga, việc huy động thêm nam giới gia nhập quân ngũ sẽ khó khăn hơn. Bộ chỉ huy đã phải vật lộn để đào tạo tân binh một cách hiệu quả và cơ sở công nghiệp và công nghệ quốc phòng (DTIB) hiện có dấu hiệu cạn kiệt. Trong khi đó, các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng.
Trực thăng Mi-8 được sử dụng trong chiến dịch quân sự đặc biệt. Ảnh: CNN
Với Ukraine, thành công của họ trong kịch bản này cũng phụ thuộc vào một số yếu tố. Đầu tiên, Ukraine cần tránh tiêu hao lực lượng trong cuộc xung đột này và đảm bảo một môi trường chính trị bình ổn trước cuộc bầu cử mùa thu năm 2023. Thứ hai, họ cần có nguồn viện trợ vũ khí liên tục từ Mỹ và phương Tây, đồng thời các binh sĩ Ukraine phải có khả năng giữ vững nhiều mặt trận cùng lúc.
Vào tháng 12/2022, Tham mưu trưởng Valeri Zaloujny ước tính con số để Ukraine đạt được thắng lợi này bao gồm: 300 xe tăng, 600-700 xe chiến đấu bộ binh và 500 đại bác.
Trên trường quốc tế, kịch bản cũng có nghĩa là Nga sẽ đánh mất vị thế cường quốc của mình, vốn được xây dựng trong năm 2022 do giá nhiên liệu tăng cao.
Về lâu dài, kịch bản này có thể mở ra một thỏa thuận ngừng bắn và con đường đàm phán hòa bình thực sự.
Nga giành thắng lợi
Trong kịch bản ngược lại, Nga có thể giành được những thắng lợi lớn liên tiếp ngay từ cuối mùa đông. Nga có thể giành lại quyền kiểm soát phần lớn Kherson, triển khai quân từ Belarus và tiến quân về phía Odessa. Để đạt được thành công này, Nga cần khiến Ukraine cạn kiệt nhân lực và vật lực.
Về phía Nga, Điện Kremlin đã đạt được một vài thành công dù không lớn. Các binh sĩ được huy động vào mùa thu năm 2022 được huấn luyện và triển khai chiến thuật một cách hiệu quả. Chuỗi cung ứng của Nga được đảm bảo trên ba mặt trận chính (Bắc, Đông và Nam). Rút kinh nghiệm từ cuộc phản công của Ukraine, quân đội Nga đã đặt các trung tâm hậu cần của mình ngoài tầm với của tên lửa HIMARS do Mỹ sản xuất.
Quân nhân Ukraine ở khu vực tiền tuyến Bakhmut. Ảnh: Reuters
Với những thành công này, Nga hoàn toàn có thể giành được thắng lợi lớn trong chiến dịch quân sự của mình. Trong khi Nga có thể củng cố tình hình tại miền Đông với chính phủ ly khai thân Nga, Ukraine sẽ thiếu sự thống nhất để giành chiến thắng.
Đối với Ukraine, kịch bản tồi tệ nhất này có thể trở thành hiện thực nếu một số diễn biến xảy ra. Đầu tiên và quan trọng nhất, các lực lượng vũ trang của họ chịu tổn thất nghiêm trọng và phải đối mặt với các vấn đề về cung cấp vũ khí. Vị thế của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng có thể bị suy yếu do áp lực từ vụ bê bối tham nhũng, "đảng hòa bình" hoặc ngược lại, từ những người theo chủ nghĩa dân tộc đòi hỏi quyền lực mạnh mẽ hơn. Chính phủ Kiev có thể không duy trì được sự ủng hộ của phương Tây hoặc mệt mỏi với các ý kiến của phương Tây.
Trên bình diện quốc tế, kịch bản này giả định việc tiếp tục xuất khẩu năng lượng của Nga sang châu Á và một chiến lược định giá của các cường quốc khí đốt. Moscow sẽ khai thác tối đa mạng lưới ngoại giao của mình, nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Trung Quốc trước ảnh hưởng của Mỹ. Trong khi đó, ảnh hưởng của các chính phủ thân Ukraine ở Ba Lan và các nước Bắc Âu trong Liên minh châu Âu sẽ suy yếu dần.
Xung đột kéo dài
Kịch bản thứ 3 có thể xảy ra là cả Nga và Ukraine đều không giành được ưu thế trong một thời gian dài. Điều này thể hiện ở sự "đóng băng" tại các chiến tuyến chính, khi các trận chiến tiếp tục nổ ra ở các khu vực có tầm quan trọng thứ yếu (ngã ba đường, âu thuyền, cầu cống). Ví dụ, Moscow có thể nối lại cuộc tấn công vào Kiev và tập trung nỗ lực vào việc củng cố Donbass.
Mặt khác, Ukraine có thể cố gắng đẩy lợi thế của mình từ Kherson về phía nam để đe dọa Crimea. Kịch bản này không loại trừ giao tranh dữ dội và thành công hạn chế của cả hai bên. Những điều này sẽ không thể thay đổi sự cân bằng tổng thể của cuộc xung đột.
Một số yếu tố kết hợp có thể gây ra viễn cảnh này bao gồm: Viện trợ quân sự của phương Tây có thể đạt đến một mức độ nhất định và khả năng chiến đấu của Ukraine được duy trì mà không tạo ra những chuyển biến ngoạn mục.
Về phía Nga, nguyên nhân xung đột kéo dài có thể là do tính cứng nhắc về mặt chiến thuật, thiếu hụt hậu cần, mặt trận và chuỗi cung ứng bị kéo dài, nguồn nhân lực hạn chế,..
Với kịch bản này, cuộc xung đột Ukraine sẽ trở thành một cuộc xung đột mới chưa được giải quyết vào năm 2023.
Nguồn: [Link nguồn]
Những diễn biến quan trọng của xung đột Nga-Ukraine sau 1 năm.