Một bức ảnh "hổ chúa", cả Trung Quốc chấn động rồi chưng hửng
Chỉ sau một đêm, từ người được tung hô là “anh hùng chụp hổ”, nổi tiếng cả trong nước lẫn quốc tế, người nông dân bỗng chốc bị phạt tiền, phạt tù, trở thành kẻ tội đồ của Trung Quốc. Vụ bê bối chưa từng có trong lịch sử cũng khiến hàng loạt quan chức Trung Quốc bị xử lý nặng tay.
Bức ảnh hổ Hoa Nam của Châu Chính Long gây chấn động Trung Quốc (ảnh: Sohu)
Sự việc bắt đầu vào ngày 12.10.2007, Sở Lâm nghiệp tỉnh Thiểm Tây công bố bức ảnh một con hổ Hoa Nam còn sống, đang núp trong bụi rậm. Người chụp bức ảnh là một nông dân tên Châu Chính Long, 52 tuổi, nhà nghèo và bỏ học từ nhỏ. Sự kiện chụp được hổ Hoa Nam – loài vật được cho là đã tuyệt chủng ở Trung Quốc từ năm 1994 – khiến nhân dân cả nước vui mừng, theo Sohu.
“Sau khi kiểm tra cẩn thận, các chuyên gia xác nhận đây là bức ảnh thật”, Phó Giám đốc Sở Lâm nghiệp Thiểm Tây khi đó là Chu Cự Long khẳng định và vui mừng thông báo hổ Hoa Nam đã xuất hiện trở lại.
Hàng trăm nhà báo, phóng viên tìm đến phỏng vấn Châu Chính Long, muốn nghe ông kể chuyện tình cờ bắt gặp và chụp được hổ Hoa Nam. Châu Chính Long thậm chí còn được ca ngợi là “anh hùng chụp hổ”, trở thành một trong những nhân vật nổi bật nhất ở Trung Quốc vào năm 2007. Nhiều hãng tin, tạp chí khoa học tự nhiên lớn trên thế giới cũng quan tâm tới bức ảnh của Châu Chính Long.
Hổ Hoa Nam – loài “quốc hổ” được cho là đã tuyệt chủng ở Trung Quốc (ảnh: Tân Hoa Xã)
Ở Trung Quốc, hổ Hoa Nam được mệnh danh là “hổ chúa”. Chúng chủ yếu sinh sống trong các vùng rừng núi miền Nam, thuộc địa bàn các tỉnh Thiểm Tây, Phúc Kiến, Quảng Đông, Hồ Nam, Giang Tây ở Trung Quốc. Cùng với gấu trúc, hổ Hoa Nam được cho là loài “quốc thú” của Trung Quốc và chỉ có thể tìm thấy ở nước này.
Hổ Hoa Nam thường dài từ 2,3 – 2,5 mét và nặng từ 130 – 150 kg. Loài hổ này có nét đặc trưng là đầu tròn, tai ngắn, 4 chân rất dày và khỏe mạnh. Những con hổ Hoa Nam nổi tiếng là dữ tợn và săn mồi giỏi.
Năm 1959, Mao Trạch Đông tuyên bố hổ là một giống vật có hại khiến trào lưu giết hổ rộ lên ở Trung Quốc. Tới năm 1976, số lượng hổ hoang dã ở Trung Quốc ước tính đã giảm từ hơn 4.000 con xuống còn dưới 200 con. Một năm sau, Trung Quốc vội vàng ra lệnh cấm giết hổ hoang, nhưng tất cả đã quá muộn để cứu vãn tình hình. Con hổ Hoa Nam hoang dã cuối cùng được biết đến ở Trung Quốc bị bắn chết vào năm 1994. Từ đó đến nay, người ta không còn nhìn thấy bất cứ con hổ Hoa Nam nào xuất hiện ngoài tự nhiên. Loài hổ này được cho là đã tuyệt chủng ở Trung Quốc.
Sự việc ảnh hổ Hoa Nam ngày càng đi quá xa khi Châu Chính Long được chính quyền tỉnh Thiểm Tây trao thưởng 20.000 NDT (khoảng 71 triệu VNĐ) vì có công chụp hổ. Huyện Trấn Bình – nơi Châu Chính Long tuyên bố chụp được ảnh hổ Hoa Nam – được chính quyền tỉnh thông báo sẽ cấp cho hàng chục triệu NDT để xây dựng “khu bảo tồn hổ Hoa Nam hoang dã”. Hàng chục nghìn dân Trấn Bình rất phấn khởi trước thông tin trên. Họ đứng trước cơ hội đổi đời khi huyện trở thành khu du lịch trọng điểm và thu hút vốn đầu tư lớn.
Bức tranh hổ được phát hiện ở nhà Châu Chính Long (ảnh: Sina)
Châu Chính Long thậm chí còn được mời tới Bắc Kinh, gặp những quan chức cấp cao của Trung Quốc để “báo cáo” về việc chụp được hổ Hoa Nam. Science – tạp chí khoa học nổi tiếng thế giới – cũng xin đăng lại bức ảnh của ông này, theo Sina.
Bước ngoặt xảy đến vào cuối năm 2007, một số cư dân mạng Trung Quốc phát hiện bức ảnh hổ Hoa Nam của Châu Chính Long rất giống với con hổ trong một bức tranh Tết. Bức tranh Tết này in từ năm 2002, không mấy nổi tiếng nên ít người biết đến.
Hội nhiếp ảnh Trung Quốc là đơn vị đầu tiên tổ chức xác minh thông tin này. Kết luận từ 6 chuyên gia nhiếp ảnh cho rằng ảnh của Châu Chính Long là ảnh giả. Thông tin trên lập tức “gây bão” dư luận. Hàng chục triệu cư dân mạng Trung Quốc nổ ra tranh cãi lớn trên các diễn đàn, phần đông cho rằng Châu Chính Long đã lừa hơn 1 tỷ dân Trung Quốc.
Tuy nhiên, cả Sở Lâm nghiệp tỉnh Thiểm Tây và chính quyền huyện Trấn Bình vẫn khẳng định bức ảnh là thật, việc giống với tranh Tết chỉ là sự “trùng hợp ngẫu nhiên” và từ chối giám định.
“Nếu ảnh là giả thì hãy chặt ngay đầu tôi xuống”, Châu Chính Long tuyên bố với báo giới.
Ngày 19.12.2007, trước sức ép từ dư luận, Cục Lâm nghiệp Trung Quốc yêu cầu Sở Lâm nghiệp Thiểm Tây tổ chức giám định công khai bức ảnh hổ Hoa Nam của Châu Chính Long. Tuy nhiên, không có đơn vị nhà nước nào đừng ra lãnh trách nhiệm trên, bất chấp sự chỉ trích của các hãng thông tấn lớn ở Trung Quốc như Nam phương nhật báo và Nhân dân nhật báo.
Ngày 12.5.2008, tỉnh Tứ Xuyên ở Trung Quốc xảy ra vụ động đất kinh hoàng khiến ít nhất 250.000 người thiệt mạng. Vụ ảnh hổ Hoa Nam vì vậy tạm lắng xuống. Tuy nhiên, ngày 29.6, chính quyền tỉnh Thiểm Tây bất ngờ công bố kết luận về vụ việc. Kết quả giám định hình ảnh của cảnh sát tỉnh Thiểm Tây cho thấy, “con hổ” Châu Chính Long chụp được chỉ cao 27 cm, dài 35 cm. Khoảng cách chụp bức ảnh là hơn 3,9 mét. Khoảng cách chụp bức ảnh là hơn 3,9 mét. Nếu con hổ có thật, không ai dám đứng gần như vậy để chụp ảnh. Cảnh sát khẳng định bức ảnh hổ Hoa Nam là giả mạo.
Qua khám xét, cảnh sát cũng phát hiện trong nhà Châu Chính Long chứa một chân hổ làm bằng gỗ để in dấu trong rừng và súng săn, thuốc nổ. Châu Chính Long bị bắt tạm giam với tội danh lừa đảo, theo Aboluowang. Châu Chính Long thừa nhận mình đã nảy lòng tham khi nghe nói có thể được thưởng 1 triệu NDT nếu tìm được hổ Hoa Nam.
Từ “người hùng”, Châu Chính Long mất hết danh dự vì lòng tham (ảnh: Sohu)
Ngày 17.11.2008, Tòa án thành phố An Khang, Thiểm Tây tuyên phạt Châu Chính Long tổng cộng 3 năm 6 tù giam và 2.000 NDT vì tội lừa đảo, tàng trữ vũ khí trái phép. 13 quan chức ở Thiểm Tây cũng bị kỷ luật vì để xảy ra sự việc gây mất niềm tin lớn trong nhân dân. Việc Châu Chính Long bị trừng phạt khiến dư luận Trung Quốc hả hê, nhưng cũng không khỏi thất vọng vì loài “hổ chúa” xem như đã thực sự đã tuyệt chủng.
Nguồn: [Link nguồn]
Ngày 24.10, cảnh sát quận Đại Hưng, Bắc Kinh (Trung Quốc) thông báo, họ đã bắt giữ một người đàn ông 56 tuổi vì hành...