Moscow: Phương Tây cố làm suy yếu khối quân sự do Nga dẫn đầu
Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc, phương Tây đang tìm cách chia rẽ Moscow và các đồng minh bằng các thông tin sai lệch và những lời đe dọa.
Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc Mỹ và đồng minh đang tìm cách làm suy yếu khối quân sự CSTO. Ảnh: TASS
Đài RT ngày 22/6 đưa tin, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng Mỹ và các đồng minh đã thực hiện một chiến dịch chính trị và thông tin quy mô lớn nhằm làm suy yếu Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) - một khối quân sự do Nga dẫn đầu gồm các quốc gia từng thuộc Liên Xô.
Bà Zakharova cho rằng Mỹ và các đồng minh đang cố tình cản trở mọi nỗ lực của CSTO nhằm xây dựng quan hệ với các khối khu vực và quốc tế.
"Chúng ta đã thấy sự hợp tác khó khăn giữa CSTO và một số khối khác trong khu vực và trên thế giới", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga nói và cho biết thêm rằng "đó không phải là một kết quả tự nhiên mà có sự can thiệp".
Bà Zakharova cáo buộc Washington đang cung cấp nhiều lợi ích cho các thành viên CSTO để họ cắt đứt quan hệ với Nga. Các lợi ích này bao gồm hợp tác quân sự, kỹ thuật cũng như "những chiếc ô an ninh thay thế".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo, những lợi ích này là "vỏ bọc" cho tham vọng của phương Tây nhằm truy cập vào cơ sở dữ liệu quốc gia của các thành viên CSTO - nơi chứa thông tin nhạy cảm của khối quân sự này.
Bà Zakharova cảnh báo thêm rằng Mỹ và các đồng minh đôi khi sử dụng đến cả những lời đe dọa, đồng thời sử dụng chiến dịch thông tin sai lệch quy mô lớn nhằm làm hoen ố hình ảnh của CSTO.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố Moscow không hạn chế quyền của các đồng minh CSTO trong việc phát triển quan hệ với bên thứ 3, đồng thời cho biết thêm rằng "Nga có trách nhiệm cảnh báo các đồng minh về rủi ro với an ninh của khối".
Thành lập năm 1992, CSTO hiện gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia, Kyrgyzstan, và Tajikistan. Vào tháng 5, Armenia cảnh báo nước này có thể rời khỏi CSTO nếu khối quân sự này "làm việc không hiệu quả".
Nguồn: [Link nguồn]
Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Ả Rập Saudi, Ai Cập và Algeria đều bày tỏ sự quan tâm tới việc gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS).