Moscow gay gắt với Berlin sau thông tin sĩ quan Đức bàn cách giúp Ukraine tấn công cầu Crimea

Nga cảnh báo Đức tự chuốc lấy "hậu quả thảm khốc" sau thông tin rò rỉ tiết lộ Berlin có ý định cung cấp tên lửa hành trình tầm xa Taurus để Ukraine tấn công cầu Crimea.

Binh sĩ Đức tham gia một cuộc tập trận quân sự.

Binh sĩ Đức tham gia một cuộc tập trận quân sự.

Đức có thể phải đối mặt với “hậu quả thảm khốc” nếu không ngăn chặn lối suy nghĩ dẫn đến cuộc họp giữa các quan chức cấp cao trong không quân Đức về việc hỗ trợ Ukraine phá hủy cầu Crimea, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 4/3 tuyên bố, theo RT.

Đài RT tuần trước công bố đoạn băng ghi âm cuộc họp giữa các lãnh đạo không quân Đức, trong đó thảo luận về việc cung cấp tên lửa để Ukraine đánh sập cây cầu dài 18km kết nối bán đảo Crimea với đất liền Nga.

"Bây giờ chúng tôi đã hiểu, rằng Đức vẫn chưa phi phát xít hóa hoàn toàn", bà Zakharova nói với các phóng viên bên lề một sự kiện diễn ra ở Sochi hôm 4/3.

"Nếu không ngăn chặn, nếu lối suy nghĩ đó không bị ngăn lại, nó sẽ dẫn đến sự khởi đầu của những hậu quả thảm khốc mà Đức tự chuốc lấy", bà Zakharova nói thêm, không cho biết cụ thể về những "hậu quả thảm khốc".

Cũng trong ngày 4/3, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói đoạn băng ghi âm bị rò rỉ là bằng chứng cho thấy sự can dự trực tiếp của phương Tây vào xung đột. "Các sĩ quan Đức đã tích cực thảo luận chi tiết về cách tấn công mục tiêu trong lãnh thổ Nga", ông Peskov nói.

Cuộc họp cũng hé lộ khả năng Đức đưa sĩ quan tới Ukraine để hỗ trợ Kiev tấn công mục tiêu bằng tên lửa tầm xa, giống như cách mà Anh và Pháp thực hiện khi cung cấp tên lửa Storm Shadow/SCALP.

Điện Kremlin đặt câu hỏi rằng liệu quân đội Đức đang tự hành động (khi lên kế hoạch hỗ trợ Ukraine tấn công cầu Crimea) hay đây là chính sách của chính phủ Đức. "Khả năng nào thì cũng rất tồi tệ", ông Peskov nói, theo RT.

Đức chưa lên tiếng bình luận về tuyên bố mới nhất của Điện Kremlin. Hôm 4/3, Bộ ngoại giao Đức xác nhận thông tin đại sứ Đức ở Moscow đã tới Bộ Ngoại giao Nga "để dự một cuộc họp" đã được lên kế hoạch.

Phi phát xít hóa là chính sách được Liên Xô, Mỹ, Anh và Pháp đề ra kể từ sau Thế chiến 2, nhằm loại bỏ hoàn toàn chủ nghĩa phát xít khỏi xã hội, chính trị, văn hóa, kinh tế ở Đức và Áo. Phi phát xít hóa cũng là một trong các mục tiêu được Nga đề ra khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022.

Kể từ khi xung đột nổ ra, Mỹ và liên minh quân sự NATO được cho là đã hỗ trợ vũ khí, đạn dược và vật tư cho Ukraine với tổng trị giá hơn 200 tỷ USD, theo RT.

Nguồn: [Link nguồn]

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius hôm 3/3 nêu quan điểm trước thông tin rò rỉ cho rằng Đức tính cung cấp tên lửa hành trình tầm xa Taurus để Ukraine tấn công cầu Crimea.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhật Minh - RT ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN