Moscow đánh giá chiến lược hạt nhân mới của Mỹ
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga, ngôn ngữ chiến lược hạt nhân của Mỹ và phương Tây "rất mơ hồ", trái ngược với Moscow.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko. Ảnh: Reuters
Theo đài RT, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko ngày 29/10 cho biết, Moscow lo ngại về việc ngày càng có nhiều kịch bản cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến lược quốc phòng của Mỹ và các cường quốc phương Tây khác.
Phát biểu với hãng thông tấn RIA Novosti, ông Grushko cho biết Nga "đang theo dõi chặt chẽ diễn biến" của các học thuyết quân sự của Mỹ và một số nước phương Tây như Anh hay Pháp.
"Chúng tôi cũng đang theo dõi những gì xảy ra với các phương tiện vận chuyển hạt nhân và vũ khí hạt nhân", Thứ trưởng Ngoại giao nói thêm.
Ông Grushko còn lên tiếng cảnh báo về định hướng chung trong các tài liệu quốc phòng quan trọng của phương Tây. Cho rằng "ngôn ngữ của các chiến lược hạt nhân đó khá mơ hồ", Thứ trưởng Ngoại giao Nga lưu ý, Moscow nhận thấy "sự gia tăng số lượng các kịch bản cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân".
Ngược lại, ông Grushko khẳng định việc đánh giá năng lực hạt nhân của Nga rất cụ thể và "tránh mọi sự mơ hồ". Ông Grushko còn nhấn mạnh, trong trường hợp không xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân trực tiếp, Nga buộc phải sử dụng vũ khí hạt nhân "khi sự tồn tại của nhà nước Nga bị đe dọa".
Ngày 27/10, Lầu Năm Góc công bố Chiến lược Phòng thủ Quốc gia (NDS) 2022, cùng với Đánh giá Năng lực Hạt nhân và Đánh giá Phòng thủ Tên lửa.
Chiến lược Phòng Thủ Quốc gia 2022 nhấn mạnh sự tập trung kiểm soát vũ khí hạt nhân, không phổ biến vũ khí hạt nhân và giảm thiểu rủi ro", đồng thời xác định Nga, Trung Quốc, Triều Tiên và Iran là 4 đối thủ tiềm tàng về vũ khí hạt nhân.
Chiến lược mới cũng nêu rõ "vai trò cơ bản" của vũ khí hạt nhân Mỹ là "ngăn chặn các cuộc tấn công hạt nhân" và Washington sẽ chỉ xem xét triển khai vũ khí hạt nhân "trong trường hợp cực kỳ căng thẳng để bảo vệ các lợi ích quan trọng của Mỹ, đồng minh và đối tác.
Điện Kremlin nhiều lần tuyên bố không nên để xảy ra chiến tranh hạt nhân và cảnh báo các nước phương Tây về các luận điệu "khiêu khích".
Nguồn: [Link nguồn]
Khác với Mỹ, tất cả vũ khí hạt nhân của Nga đều được cất giữ trong nước và không tạo ra mối đe dọa với Washington, đại sứ Nga tại Mỹ, Anatoly Antonov nói.